Phát hiện sớm dấu hiệu và yếu tố nguy cơ gây thai ngoài tử cung

Chửa ngoài tử cung là trường hợp thai không làm tổ trong buồng tử cung, mà ở những vị trí khác như: buồng trứng, ống cổ tử cung,… Ở những vị trí như vậy, thai không thể phát triển một cách bình thường, mặt khác có thể gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng người mẹ. Do đó, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Sinh lý mang thai và bệnh lý thai ngoài tử cung

Quá trình mang thai bắt đầu từ khi trứng được thụ tinh bởi tinh trùng. Bình thường, trứng sau khi thụ tinh sẽ làm tổ tại niêm mạc tử cung và dần phát triển tại đây.

Tình trạng chửa ngoài tử cung xảy ra khi trứng được thụ tinh làm tổ và phát triển tại một vị trí khác bên ngoài tử cung. Có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi trứng, buồng trứng, ống cổ tử cung hoặc tại các vị trí khác nhau trong ổ bụng, thậm chí ngoài ổ phúc mạc (màng bụng). Trong đó, khoảng hơn 95% trường hợp chửa ngoài tử cung xảy ra ở vòi trứng. Sự lớn lên của thai ở những vị trí này có thể gây nên tình trạng tắc nghẽn, giãn vỡ, chảy máu tại nhưng bộ phận này.

Các vị trí thai ngoài tử cung

Nguyên nhân thai ngoài tử cung

Trường hợp thai ngoài tử cung tại vòi trứng xảy ra do trứng đã thụ tinh bị mắc lại vòi trứng trong quá trình di chuyển tới tử cung. Nguyên nhân của tình trạng này là do vòi trứng đã từng bị tổn thương do tình trạng viêm hoặc dị dạng vòi trứng. Ngoài ra, tình trạng mất cân bằng hormone hoặc phát triển bất thường của trứng thụ tinh cũng có thể đóng vai trò quan trọng gây nên tình trạng thai tại vòi trứng.

Triệu chứng thai ngoài tử cung.

– Triệu chứng tại chỗ:

+ Chậm kinh: dấu hiệu này tương tự như mang thai thông thường

+ Ra máu âm đạo với tính chất: ra ít một, sẫm màu, ra liên tục dai dẳng. Tình trạng ra máu âm đạo có thể xảy ra trước hoặc sau thời điểm dự báo có kinh

+ Đau bụng: Triệu chứng này xảy ra do vòi trứng bị căng giãn và nứt vỡ hoặc máu trong ổ bụng kích thích phúc mạc, thường gây đau tại chỗ thai làm tổ. Đôi khi đau bụng kèm theo mót rặn khi trực tràng bị kích thích.

– Triệu chứng toàn thân:

+ Có thể choáng, ngất do đau hoặc do vỡ khối thai

+ Có dấu hiệu thiếu máu mạn tính: hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, da vàng nhạt

Đau vai có thể là dấu hiệu thai ngoài tử cung thường bị bỏ qua

Dấu hiệu cảnh báo sớm thai ngoài tử cung

Thông thường, những dấu hiệu cảnh báo thai ngoài tử cung là ra máu âm đạo mức độ nhẹ và đau bụng vùng chậu.

Nếu máu chảy ra từ ống dẫn trứng, người bệnh có thể cảm thấy đau vai hoặc buồn đi ngoài. Những triệu chứng cụ thể sẽ phụ thuộc vào vị trí cấp máu cho thai và vị trí dây thần kinh bị tác động.

>> Xem thêm: Các phương pháp thử thai nhanh chóng – chính xác – tiện lợi

Yếu tố nguy cơ dẫn tới thai ngoài tử cung

– Tiền sử thai ngoài tử cung: nếu đã từng bị thai ngoài tử cung, phụ nữ có nguy cơ mắc trong lần mang thai tiếp theo

– Tình trạng viêm nhiễm: các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, chlamydia,…có thể gây viêm vòi trứng và các cơ quan lân cận. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc thai ngoài tử cung về sau

– Điều trị hỗ trợ sinh sản: Một số nghiên cứu cho thấy, nhưng trường hợp thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc các phương pháp hỗ trợ sinh sản tương tự có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn.

Sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung

– Phẫu thuật vòi trứng: Phẫu thuật điều trị tắc hoặc tổn thương ống dẫn trứng, cũng có thể làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.

– Lựa chọn biện pháp tránh thai: nguy cơ mang thai khi đang sử dụng vòng tránh thai là rất hiếm. Tuy nhiên, nếu bạn mang thai khi đang đặt vòng thì nguy cơ gặp thai ngoài tử cung là rất cao.

– Hút thuốc lá: Hút thuốc trước khi mang thai làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Hút thuốc càng nhiều, nguy cơ càng cao.

DS Phạm Hảo