Rối loạn khớp thái dương hàm có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

Rối loạn khớp thái dương hàm gây đau nhức vùng xương hàm, vùng tai hoặc toàn bộ vùng mặt. Vậy rối loạn khớp thái dương hàm do đâu, có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

Rối loạn khớp thái dương hàm gây đau nhức hàm, toàn vùng mặt

Rối loạn khớp thái dương hàm gây đau nhức hàm, toàn vùng mặt

Khớp thái dương hàm là gì?

Khớp thái dương hàm là cấu trúc khớp tiếp giáp giữa xương hàm dưới và xương thái dương. Đây là một khớp linh hoạt, khớp động duy nhất của phần sọ mặt. Cấu trúc khớp được hình thành từ lồi cầu của xương hàm dưới và xương thái dương bên trên cùng với tổ chức trung gian bao gồm đĩa khớp, dây chằng và các mô cơ xung quanh.

Nhờ hoạt động như một bản lề trượt, các xương thái dương và xương hàm có thể chuyển động một cách trơn tru, linh hoạt mà không gây ra tiếng kêu hoặc cảm giác khó chịu.

Khớp thái dương hàm là cấu trúc tiếp giáp của xương hàm và xương thái dương

Khớp thái dương hàm là cấu trúc tiếp giáp của xương hàm và xương thái dương

Triệu chứng rối loạn khớp thái dương hàm

Rối loạn khớp thái dương hàm là thuật ngữ mô tả các rối loạn chức năng của khớp gây ra các triệu chứng khó chịu, nghiêm trọng đến mức người bệnh cảm thấy cần thiết phải đi khám và điều trị.

Những triệu chứng này bao gồm:

  • Đau ở vùng hàm, mặt, vùng tai
  • Đau có thể lan lên thái dương, đau nửa đầu hoặc cả hai bên
  • Tiếng kêu khi nhai, há miệng, vận động hàm
  • Hạn chế khả năng há miệng
  • Khi cắn hàm trên và dưới không khớp nhau
  • Sưng vùng mặt
  • Ù tai, chóng mặt, đau mỏi cổ

Các triệu chứng này có thể diễn ra một cách đồng thời hoặc riêng lẻ, với các mức độ khác nhau. Rất nhiều trường hợp, bệnh nhân chỉ thấy có tiếng kêu khi há miệng, hay gặp nhất là tiếng lục cục mà gần như không ảnh hưởng đến sinh hoạt, không gây đau đớn. Ở mức độ nặng hơn, các triệu chứng đau thỉnh thoảng xuất hiện khi nhai vật cứng. Thậm chí, các cơn đau diễn ra thường xuyên, mức độ nặng, đau lan rộng khiến người bệnh không thể ăn uống, sinh hoạt và vô cùng mệt mỏi.

Nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm

Rối loạn khớp thái dương hàm là một bệnh lý thuộc cơ xương khớp phổ biến và có thể không liên quan gì đến các tổn thương răng miệng.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra tình trạng này như:

– Chấn thương ở hàm, khớp, các cơ vùng đầu cổ

– Thói quen nghiến răng gây nhiều áp lực lên khớp

– Căng cơ hàm mặt do vận động cơ hàm bất thường

– Viêm khớp dạng thấp, tổn thương đĩa khớp làm lệch cấu trúc bình thường

Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, không tìm thấy nguyên nhân chính xác gây ra bệnh.

Rối loạn khớp thái dương hàm có nguy hiểm không?

Đây là một vấn đề phổ biến và trong đa số các trường hợp rối loạn khớp thái dương hàm không gây nguy hiểm, triệu chứng có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, những triệu chứng bệnh ở mức độ nặng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh

  • Chụp X quang hàm, mặt: Đây là xét nghiệm cơ bản nhất để quan sát tình trạng xương hàm, khớp thái dương, loại trừ các nguyên nhân gây đau khác.
  • Chụp cộng hưởng từ hoặc CT scan: Nhằm phát hiện các bất thường cấu trúc xương.

Bác sĩ có thể chỉ định chụp X quang xương hàm để xác định tổn thương

Bác sĩ có thể chỉ định chụp X quang xương hàm để xác định tổn thương

Điều trị rối loạn khớp thái dương hàm như thế nào?

  1. Nghỉ ngơi

  • Thực hiện chế độ nghỉ ngơi cho khớp thái dương hàm: Ăn các thức ăn mềm như cháo, súp, thức ăn cắt nhỏ, hầm nhừ để hạn chế nhai.
  • Không ăn thức ăn quá cứng, giòn, dai hay thức ăn quá to, quá dày đòi hỏi phải mở miệng rộng.
  • Hạn chế nói nhiều, nói to, ngáp, nghiến răng, mở miệng rộng lên xuống liên tục.
  1. Chườm lạnh

Giảm đau, sưng bằng cách chườm lạnh lên vùng bị sưng đau mỏi, mỗi đợt có thể chườm khoảng 10 phút.

  1. Tập bài tập vận động hàm

Khi các triệu chứng đau đã thuyên giảm, cần thực hiện các bài tập vận động hàm để hạn chế cứng khớp hoặc tiếng kêu khớp.

Hai động tác cơ bản tập vận động hàm:

  • Nhướn lưỡi: Dùng lưỡi chạm vào khoang miệng phía trên, phía sau răng hàm trên; sau đó giữ nguyên lưỡi như vậy và từ từ thực hiện mở, ngậm miệng lại.
  • Tập chuyển động hàm về hai bên: Cắn nhẹ hàm di chuyển từ bên này sang bên kia với biên độ nhỏ khoảng 15mm.
  1. Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc chủ yếu để giảm triệu chứng khó chịu trong đợt cấp giúp người bệnh giảm triệu chứng nhanh và sinh hoạt bình thường.

  • Giảm sưng, đau khớp bằng thuốc giảm đau chống viêm NSAID.
  • Thuốc giãn cơ: Có tác dụng thư giãn xương hàm, đặc biệt trong trường hợp người bệnh nghiến răng liên tục.

Các thuốc giảm đau, giãn cơ được sử dụng để giảm triệu chứng khó chịu

Các thuốc giảm đau, giãn cơ được sử dụng để giảm triệu chứng khó chịu

   5.Các biện pháp khác

  • Nẹp khớp cắn: Sử dụng một dụng cụ bằng nhựa vừa khít với hàm răng để giữ cho hai hàm răng không chạm vào nhau để thư giãn cho hàm đồng thời điều chỉnh khớp cắn đúng.
  • Chỉnh nha: Trong trường hợp lệch khớp cắn do vấn đề nha khoa
  • Kích thích dòng điện qua da: Giảm đau, thư giãn cơ
  • Sử dụng sóng siêu âm, laser: Giảm đau, cải thiện vận động.

Thanh Loan