Thoái hóa khớp – Lạm dụng thuốc giảm đau và những hậu quả khôn lường

Không ít người bị thoái hóa khớp vẫn nhầm tưởng rằng thuốc càng giảm đau nhanh thì càng hiệu quả. Không hiểu rõ lợi ích, tác hại khi dùng thuốc, người bệnh có thể gánh chịu những hậu quả đáng tiếc.

Không nên lạm dụng thuốc giảm đau điều trị thoái hóa khớp
Không nên lạm dụng thuốc giảm đau điều trị thoái hóa khớp

Đối tượng có nguy cơ bị bệnh thoái hóa khớp

Tại Việt Nam, có 30% người trên 35 tuổi, 60% đến 90% người trên 65 tuổi gặp vấn đề về thoái hóa khớp. Tỷ lệ này đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

Điều đó có nghĩa là với những người ở độ tuổi ngoài 30, chỉ một vài năm nữa, cứ 10 người sẽ có 3 người phát sinh bệnh lý thoái hóa khớp. Khi bước vào độ tuổi trên 60, nguy cơ thoái hóa khớp sẽ tăng cao hơn nhiều.

Vậy tại sao tỷ lệ bệnh thoái hóa khớp lại cao đến vậy? Thực chất, thoái hóa là một quá trình lão hóa tự nhiên theo thời gian. Cơ thể chúng ta già đi, các bộ phận già đi và khớp cũng không ngoại lệ. Điểm khác biệt của những người bị bệnh và những người không bị bệnh chỉ là tốc độ lão hóa của khớp.

Tốc độ lão hóa nhanh làm khớp bị tàn phá hư hỏng nhanh và sinh ra các triệu chứng để phát hiện bệnh. Trong khi, tốc độ thoái hóa chậm giúp khớp được bảo tồn lâu hơn, khớp già đi chậm hơn so với sự già đi của cơ thể, đó là đặc điểm của người chưa bị thoái hóa khớp hoặc “chưa phát hiện” mình bị thoái hóa khớp.

Tức là thoái hóa là quá trình tất yếu của tất cả mọi người. Nhưng sự khác nhau giữa mỗi người là thời điểm. Tốc độ lão hóa khớp nhanh, sớm phát hiện bệnh, làm triệu chứng nặng lên nhanh chóng, gây ra những hệ lụy không ngờ tới mà quá trình này là không thể đảo ngược, giống như cơ thể chúng ta không thể trẻ lại.

Bệnh thoái hóa khớp sẽ diễn biến với tốc độ tăng dần, lúc đầu chậm hơn, ở giai đoạn sau sẽ càng lúc càng nhanh khiến người bệnh không thể bảo toàn khớp. Do vậy, chiến lược điều trị then chốt là “Làm sao có thể làm chậm lại quá trình hư hại, tàn phá sụn khớp để người bệnh có thể sử dụng được khớp lâu dài nhất?”.

lạm dụng thuốc giảm đau
Bảo toàn khớp, kéo dài thời gian sử dụng là mục tiêu của điều trị thoái hóa khớp

Điều trị thoái hóa khớp là phối hợp các biện pháp để bảo toàn khớp

Nhiều người suy nghĩ rằng, điều trị thoái hóa khớp cũng giống như các bệnh lý thông thường, uống thuốc sẽ hết bệnh. Suy nghĩ đó là sai lầm. Cần nhấn mạnh rằng, thoái hóa khớp vẫn sẽ tiến triển theo quy luật của sự lão hóa, việc điều trị nhằm giảm các triệu chứng để người bệnh có thể vận động tốt và làm sao tốc độ tiến triển là chậm nhất.

Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phối hợp các biện pháp bao gồm cả điều trị không dùng thuốc (giảm béo, điều chỉnh dáng đi, hỗ trợ nắn chỉnh trục xương, xoa bóp, châm cứu…), các biện pháp dùng thuốc (thuốc giảm đau, giảm diễn biến bệnh) và nếu không thể cải thiện bằng các biện pháp này, người bệnh sẽ cần phẫu thuật thay khớp gối.

Lựa chọn các loại thuốc, biện pháp phù hợp sẽ giúp bảo tồn cho khớp, giảm triệu chứng để hạn chế vòng lặp bệnh lý và đảm bảo khả năng vận động. Cần hiểu rõ những lợi ích, tác hại, vai trò của các loại thuốc hoặc kỹ thuật điều trị để không lạm dụng thuốc giảm đau. Bởi vì, người bệnh có thể không tử vong vì thoái hóa khớp nhưng có thể tử vong do những tác dụng phụ hoặc biến cố do các loại thuốc điều trị gây ra.

Lạm dụng thuốc giảm đau có thể gây ra những tác dụng phụ gì?

Các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid (rất phổ biến với các hoạt chất như ibuprofen, diclofenac, meloxicam) được sử dụng thường xuyên để giảm đau nhanh cho người bệnh thoái hóa khớp.

Paracetamol khi sử dụng liên tục có nguy cơ ảnh hưởng đến gan đặc biệt là ở người cao tuổi. Các bằng chứng lâm sàng đã ghi nhận tổn thương gan (tăng men gan) đáng kể và suy giảm chức năng gan ở người bệnh sử dụng paracetamol kéo dài.

Các thuốc chống viêm không steroid (chính là những loại thuốc mà khi được kê đơn người bệnh thường được cho uống kết hợp thêm thuốc bảo vệ dạ dày) có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch nặng mạch (nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, rung nhĩ và tử vong) và suy giảm chức năng thận. Nguy cơ này càng lớn hơn ở những bệnh nhân vốn đã mắc bệnh dạ dày, tim mạch, suy giảm chức năng gan, thận do cao tuổi.

Việc sử dụng kết hợp các thuốc “bảo vệ dạ dày” có thể có lợi ích phần nào trong phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng nhưng lại làm tăng chi phí điều trị đáng kể và không thể phòng ngừa các nguy cơ khác bao gồm các bệnh tim mạch, suy thận, gan. Do vậy, các thuốc giảm đau này cần được sử dụng hết sức thận trọng, dùng càng ngắn ngày càng tốt.

lạm dụng thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, không nên lạm dụng

Lợi ích và tác hại của “Đau đâu trích đó” với corticoid tiêm vào khớp

Tiêm corticoid vào khớp để giảm đau là một biện pháp được áp dụng cho những người bệnh mà việc sử dụng thuốc giảm đau đường uống không còn hiệu quả, đặc biệt trong trường hợp tràn dịch khớp hoặc người bệnh không uống được thuốc giảm đau do bị loét dạ dày, bệnh tim mạch, bệnh gan, bệnh thận nặng.

“Đau đâu trích đó” với corticoid chỉ là biện pháp điều trị phần ngọn để giảm nhanh triệu chứng, không hướng tới nguyên nhân, không mang lại lợi ích trong việc làm chậm diễn biến của bệnh. Không những vậy, thủ thuật tiêm corticoid vào khớp có khả năng gây ra các biến cố nguy hiểm như rách gân, tổn thường cơ, đặc biệt là nhiễm trùng khớp.

Khác với các loại nhiễm trùng thông thường đa phần chỉ cần dùng kháng sinh để điều trị, nhiễm trùng khớp có thể ảnh hưởng đến tính mạng, muốn điều trị người bệnh thường phải áp dụng các biện pháp mổ, cắt lọc và tháo bỏ khớp. Những biến cố này có thể vô tình xảy ra vào bất kỳ lần tiêm nào mà chúng ta không lường trước được.

Không những vậy, việc lạm dụng tiêm corticoid nhiều lần để giảm đau còn có thể gây ra các tác dụng phụ toàn thân như: giữ muối và nước (tăng cân), giảm khả năng miễn dịch dễ nhiễm trùng, nguy cơ dị ứng… Nếu không chú ý đến tiền sử bệnh tật của người bệnh sẽ làm tăng huyết áp, suy tim co thắt (đối với người có nguy cơ tim mạch), tăng mức độ bệnh tiểu đường.

Tiêm corticoid cũng không được phép áp dụng ở người nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus, nấm, bệnh gút, vẩy nến, người bệnh tiểu đường, người có các nguy cơ bị bệnh tim mạch, phụ nữ có thai, đang cho con bú.

Đáng lo ngại, nhiều người vì tác dụng giảm đau nhanh của biện pháp này mà áp dụng thái quá, thậm chí bị phụ thuộc. Người bệnh không lường trước những nguy cơ, chủ quan vì chưa thấy những tác dụng phụ trên cơ thể mình; trong khi không biết rằng, một khi những biến cố như rách gân cơ, nhiễm trùng khớp xảy ra thì không phải “dừng thuốc là xong” mà phải đối diện với việc phải tháo, mổ, thay khớp, thậm chí là tử vong.

Hiện tượng này càng phổ biến hơn ở những vùng nông thôn, một số người làm dịch vụ y tế chưa có đủ trình độ thực hiện thủ thuật tràn lan rất nguy hiểm, dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.

lạm dụng thuốc giảm đau
Những biến cố do tiêm corticoid có thể xảy đến bất kỳ lúc nào

Y học cổ truyền trong điều trị thoái hóa khớp

Vậy làm sao có thể làm chậm lại quá trình hư hại, tàn phá sụn khớp để người bệnh bảo toàn được khớp lâu dài nhất, trong khi có thể hạn chế việc sử dụng các biện pháp giảm đau “chữa cháy” như thuốc giảm đau đường uống hay tiêm corticoid?

Xu hướng hiện nay là vừa áp dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc như giảm cân, điều chỉnh dáng đi, nắn chỉnh trục xương nếu cần; vừa điều trị bằng thuốc, đặc biệt có thể kết hợp Đông Tây y để tăng cường hiệu quả điều trị. Bởi các bài thuốc Đông y có thể điều trị hiệu quả căn nguyên gốc bệnh bằng thảo dược tự nhiên. Đặc biệt, đặc tính an toàn chính là thế mạnh lớn nhất của nền Y học cổ truyền trong điều trị các bệnh lý mạn tính như bệnh thoái hóa khớp.

Theo Y học cổ truyền, bệnh thoái hóa khớp sinh ra khi cơ thể hư tổn, công năng của các tạng can, thận suy giảm lâu ngày khiến các yếu tố gây bệnh bên ngoài dễ dàng xâm nhập gân xương. Do đó, bài thuốc Đông y toàn diện điều trị các bệnh lý thoái hóa với 3 tác động:

  • Điều chỉnh cân bằng bên trong cơ thể, sức khỏe của các tạng phủ được thiết lập lại từ đó nâng cao khả năng chống bệnh, làm chậm sự tiến triển của bệnh.
  • Trung hòa các yếu tố gây bệnh bên ngoài, tức là loại trừ nguyên nhân gây bệnh ngoại lai.
  • Giảm triệu chứng để người bệnh dễ chịu hơn mà vận động, đi lại sinh hoạt bình thường.

Sử dụng bài thuốc bí truyền Đông y điều trị hiệu quả, giúp người bệnh tránh được những tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, các dược liệu tự nhiên có tác dụng chậm, không giảm đau tức thời như thuốc Tây (thuốc hóa dược). Phối hợp Đông Tây y chính là để khắc phục nhược điểm nói trên.

Do đó, khi triệu chứng đang rất khó chịu, để có thể duy trì khả năng vận động sinh hoạt bình thường, người bệnh có thể kết hợp sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian ngắn (trong vài ngày), sau đó tiếp tục duy trì thuốc Đông y để làm chậm diễn biến bệnh, giảm dần triệu chứng và hạn chế sự tái phát liên tục của thoái hóa khớp.

DS Thanh Loan