Canxi là một khoáng chất cực kỳ quan trọng với cơ thể. Thiếu canxi không chỉ ảnh hưởng đến xương, răng mà còn có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và rất nhiều hoạt động bình thường khác.
Điều gì xảy ra khi bị thiếu canxi?
Thiếu canxi sẽ không gây ra các triệu chứng ngay lập tức vì cơ thể duy trì mức canxi trong máu bằng cách lấy trực tiếp từ xương. Nhưng thiếu canxi trong thời gian dài có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sự thiếu hụt canxi có thể ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Tùy thuộc vào mức độ thiếu mà các triệu chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Chuột rút: Canxi đóng một vai trò quan trọng trong việc giải phóng chất dẫn truyền thần kinh và co cơ. Khi nồng độ canxi trong máu giảm xuống dẫn đến kích hoạt các phản ứng thần kinh gây chuột rút. Đây là một trong những biểu hiện điển hình của tình trạng thiếu canxi. Ngoài ra, bất thường dẫn truyền thần kinh cũng gây phát sinh các triệu chứng dị cảm như cảm giác tê và ngứa ran trên các vùng da khác nhau của cơ thể.
- Hay quên, nhầm lẫn thậm chí ảo giác, trầm cảm: Thiếu canxi kéo dài làm suy giảm chức năng dẫn truyền thần kinh.
- Móng tay yếu, dễ gãy, tóc mọc chậm, gãy xương, loãng xương, răng mọc chậm: Do canxi là thành phần cấu tạo chính của các tổ chức này. Các vấn đề này càng trở nên rõ rệt với người cao tuổi.
- Kém phát triển chiều cao ở trẻ: Do canxi là thành phần cần thiết trong cấu tạo xương và tăng trưởng chiều cao.
Hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh hoặc thiếu canxi ở trẻ nhỏ cũng thường xuyên xảy ra. Tình trạng hạ canxi cấp tính xảy ra trong vòng hai ngày đầu tiên sau khi sinh. Nhưng hạ canxi máu có thể xảy ra muộn hơn sau đó với các triệu chứng:
- Bồn chồn
- Bú kém
- Co giật
- Ngưng thở hoặc thở chậm
- Nhịp tim nhanh
Nguyên nhân dẫn đến thiếu canxi
Rất nhiều người có nguy cơ cao thiếu canxi, đặc biệt là những đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.
Những nguyên nhân dẫn đến thiếu canxi gồm:
- Ăn ít thực phẩm chứa canxi.
- Do cơ thể không dung nạp với các thực phẩm chứa nhiều canxi, ví dụ các thực phẩm từ sữa.
- Sử dụng các thuốc có thể làm giảm hấp thu canxi.
- Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là ở phụ nữ.
- Suy tuyến cận giáp cũng có thể gây thiếu canxi. Những người mắc bệnh này không sản xuất đủ hormone tuyến cận giáp để kiểm soát nồng độ canxi trong máu.
- Kém hấp thu canxi do thiếu vitamin D.
Cần bổ sung bao nhiêu canxi mỗi ngày là đủ?
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, lượng canxi khuyến nghị hàng ngày là như nhau cho cả hai giới:
- Trẻ em từ 9-18 tuổi: 1.300 mg
- Trẻ em từ 4-8 tuổi: 1.000 mg
- Trẻ em từ 1-3 tuổi: 700 mg
- Trẻ em từ 7-12 tháng: 260 mg
- Trẻ em từ 0-6 tháng: 200 mg
Nhu cầu canxi dành cho người lớn là:
- Phụ nữ từ 71 tuổi trở lên: 1.200 mg
- Phụ nữ từ 51-70 tuổi: 1.200 mg
- Phụ nữ từ 19-50 tuổi: 1.000 mg
- Nam giới từ 71 tuổi trở lên: 1.200 mg
- Nam giới từ 19-70 tuổi: 1.000 mg
Phụ nữ cần tăng lượng bổ sung canxi sớm hơn nam giới, bắt đầu từ tuổi trung niên. Bổ sung đầy đủ canxi cần thiết là đặc biệt quan trọng khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh để giảm nguy cơ loãng xương do sự suy giảm hormone estrogen trong thời kỳ mãn kinh khiến tình trạng loãng xương tiến triển nhanh hơn.
Các chất bổ sung canxi thường được sử dụng
Có thể bổ sung canxi thông qua thực phẩm hoặc sử dụng các sản phẩm bổ sung.
Các dạng muối canxi phổ biến nhất được sử dụng hiện nay gồm:
- Canxi cacbonat: Đây là loại rẻ nhất và có nhiều canxi nguyên tố nhất, nhưng thường có khả năng hấp thu hạn chế hơn các dạng muối khác.
- Canxi citrate: Đây là loại dễ hấp thụ nhất.
- Canxi heptogluconate: Loại này cũng dễ hấp thu.
Khi sử dụng thuốc bổ sung canxi cần lưu ý điều gì?
Khi sử dụng canxi kèm theo một số loại thuốc điều trị bệnh khác có thể dẫn đến cản trở sự hấp thu và ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Lưu ý khi bổ sung canxi kèm với các sản phẩm sau:
- Thuốc chẹn beta điều trị huyết áp như atenolol: có thể làm giảm hấp thu canxi nếu dùng trong vòng hai giờ sau khi bổ sung canxi.
- Thuốc kháng axit có chứa nhôm: có thể làm tăng nồng độ nhôm trong máu.
- Colestipol để làm giảm acid mật hạn chế hấp thu cholesterol: có thể làm giảm sự hấp thụ canxi.
- Thuốc estrogen: có thể góp phần làm tăng nồng độ canxi trong máu.
- Digoxin: nồng độ canxi cao có thể làm tăng độc tính của digoxin.
- Thuốc lợi tiểu: có thể làm tăng nồng độ canxi (hydrochlorothiazide) hoặc giảm nồng độ canxi trong máu (furosemide).
- Một số loại kháng sinh như fluoroquinolones và tetracycline: có thể bị giảm sự hấp thụ khi dùng đồng thời với canxi.
Theo các nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ thiếu canxi là cực kỳ cao. Chính vì vậy, bổ sung canxi thường được khuyến nghị cho nhiều đối tượng nhưng việc bổ sung cần tuân thủ theo mức khuyến nghị dinh dưỡng hoặc theo chỉ định trong các bệnh lý đặc biệt. Bổ sung canxi an toàn và đúng cách giúp cơ thể khỏe mạnh và phòng tránh nhiều bệnh lý, đặc biệt là các vấn đề cơ xương khớp.
DS Thanh Loan