Mãn kinh – tiền mãn kinh

Mãn kinh là giai đoạn quá độ từ tuổi trung niên sang tuổi già. Về mặt sinh lý, đó là giai đoạn chuyển tiếp tự nhiên giữa những năm sinh sản đến thời kỳ ngừng sinh sản và bước sang giai đoạn thứ hai của cuộc đời.

1. Khái niệm

Tiền mãn kinh – mãn kinh là hiện tượng sinh lý bình thƣờng của người phụ nữ xảy ra khi nồng độ estrogen giảm. Tuổi mãn kinh bao gồm thời kỳ trước, trong và sau mãn kinh.

Tuổi mãn kinh trung bình từ 48 – 52 tuổi. Nếu mãn kinh trước 40 tuổi gọi là mãn kinh sớm, và nếu sau 55 tuổi gọi là mãn kinh muộn. Mãn kinh được chẩn đoán chủ yếu dựa trên lâm sàng, khi một phụ nữ từ trước vẫn có kinh đều mỗi tháng lại tự nhiên ngừng, không có kinh trong 12 chu kỳ liên tiếp.

Tuổi mãn kinh
Tuổi mãn kinh của phụ nữ trung bình từ 48 – 52 tuổi

Khi một phụ nữ còn trẻ (dưới 40 tuổi mà vô kinh liên tiếp 12 tháng) hoặc một phụ nữ đã bị cắt tử cung mà có một số các triệu chứng cơ năng của mãn kinh, muốn chẩn đoán là mãn kinh cần làm các xét nghiệm định lượng nội tiết buồng trứng và tuyến yên.

Mãn kinh thường là tự nhiên, nhưng cũng có thể do phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng vì bệnh lý, do xạ trị.

2. Tiền mãn kinh

Là giai đoạn kéo dài khoảng 2 đến 5 năm trước khi kinh nguyệt dừng hẳn.

2.1. Lâm sàng và chẩn đoán

Rối loạn kinh nguyệt dưới dạng chu kỳ kinh ngắn lại hay thưa ra, rong kinh, rong huyết, cường kinh.

Xuất hiện hội chứng tiền kinh: tăng cân, lo âu, căng thẳng, đau vú…

Xét nghiệm nội tiết không có ý nghĩa vì thời kỳ này nội tiết đã trong tình trạng không ổn định

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng

Cần chẩn đoán phân biệt với nguyên nhân thực thể gây rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là các bệnh lý ung thư phụ khoa.

>> Xem thêm Các loại bệnh lý phụ khoa thường gặp 

2.2. Điều trị

– Thuốc ngừa thai kết hợp, đặc biệt loại thế hệ mới

– Progestins dùng trong 10 ngày mỗi tháng

3. Mãn kinh

Mãn kinh là khi người phụ nữ đã mất kinh liên tiếp 12 tháng

3.1. Triệu chứng thường gặp khi mãn kinh.

3.1.1. Tắt kinh

Mất kinh liên tiếp 12 tháng.

3.1.2. Rối loạn vận mạch

– Cơn bốc nóng mặt (Bốc hỏa)

  • Thường xảy ra đột ngột, tự nhiên cảm thấy bốc nóng mặt, cổ, ngực.
  • Cơn bốc nóng xảy ra chừng vài phút, có thể ngắn hơn, chỉ vài giây, nhưng thường kèm theo triệu chứng vã mồ hôi. Thường các cơn bốc nóng hay xảy ra vào ban đêm hoặc trong khi có stress
  • Triệu chứng này thường kéo dài 6 tháng đến vài năm, có thể 2 – 3 năm nhưng cũng có người đến 5 năm.

– Vã mồ hôi

  • Có thể kèm theo cơn bốc hỏa lên mặt hay xảy ra đơn lẻ.
  • Vã mồ hôi cũng thường xảy ra vào ban đêm nên gây mất ngủ, khó chịu.
bốc hỏa
Cơn bốc hỏa thường xảy ra đột ngột, tự nhiên cảm thấy bốc nóng mặt, cổ, ngực

3.1.3. Triệu chứng thần kinh tâm lý.

– Hồi hộp, mệt mỏi, khó chịu.

– Mất ngủ, giảm cảm giác khi quan hệ tình dục hay lo lắng, cáu gắt, trầm cảm.

– Đau nhức xương khớp, có thể xuất hiện cơn đau nhức nửa đầu (migrain).

3.1.4. Triệu chứng tiết niệu – sinh dục.

– Âm đạo khô teo, giao hợp đau, dễ bị viêm, nhiễm khuẩn, khám âm đạo thấy niêm mạc mỏng, khô, nhợt nhạt.

– Các dây chằng giữ tử cung và các cơ quan vùng chậu mất tính đàn hồi và sức căng nên dễ đưa đến sa sinh dục.

– Tử cung và cổ tử cung teo nhỏ. Nội mạc tử cung mỏng, không còn có hiện tượng phân bào hay chế tiết, rất ít mạch máu.

– Niêm mạc đường tiết niệu cũng teo mỏng, dễ nhiễm khuẩn tiết niệu, són tiểu hay đái dắt, tiểu không tự chủ.

>> Xem thêm Cách nhận biết bệnh phụ khoa thông qua màu sắc khí hư

3.2. Xét nghiệm cận lâm sàng

– Xét nghiệm định lượng FSH và estradiol

– Cholesterol toàn phần, triglycerid, HDL, LDL, lipoprotein.

– Chức năng gan, thận, điện tim.

– Chụp vú.

– Sàng lọc ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung bằng tế bào âm đạo – cổ tử cung, soi cổ tử cung, nạo sinh thiết niêm mạc tử cung, đo mật độ xương.

3.3. Chẩn đoán.

– Ở một phụ nữ từ 45 – 52 tuổi đang hành kinh, tự nhiên không có kinh 12 tháng liên tiếp, có một số triệu chứng cơ năng của mãn kinh, có thể nghĩ đến hội chứng mãn kinh.

– Nếu người phụ nữ dưới 40 tuổi không còn hiện tượng kinh nguyệt nữa, có thể cho làm xét nghiệm định lƣợng FSH và estradiol. Nếu FSH > 40 mIU/ml và/hoặc estradiol < 50pg/l có thể chẩn đoán mãn kinh.

Hỏi tiền sử: bản thân, gia đình: về loãng xương, tim mạch, các bệnh ung thư

3.4. Điều trị: nội tiết và tư vấn cho người bệnh.

3.4.1. Nguyên tắc sử dụng nội tiết: liều thấp nhất có hiệu quả.

phụ nữ mãn kinh
Cần áp dụng các nguyên tắc khi sử dụng nội tiết cho phụ nữ mãn kinh
  • Thời gian sử dụng tùy thuộc vào thể trạng và yêu cầu từng người.
  • Phối hợp estrogen/progestogen nếu còn tử cung.
  • Để giống với sinh lý, estrogen được dùng là estrogen tự nhiên hoặc gần giống với tự nhiên
  • Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thực phẩm chức năng gần giống với estrgen tự nhiên được sử dụng rộng rãi

3.4.2. Chống chỉ định sử dụng nội tiết.

  • Có ung thư hay nghi ngờ ung thư.
  • Có thai hay nghi ngờ có thai.
  • Có khối u liên quan đến nội tiết.
  • Đã bị viêm tắc tĩnh mạch hay động mạch.
  • Đang bị xuất huyết âm đạo bất thường chưa chẩn đoán được nguyên nhân.

3.4.3. Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt.

  • Giữ tinh thần thanh thản, vui tươi, cảm thấy có ích cho gia đình và xã hội
  • Cần có hoạt động chân tay kèm theo hoạt động trí tuệ.
  • Dinh dưỡng theo khoa học
  • Uống bổ sung các loại vitamine, vi khoáng, ăn nhẹ vào buổi tối
  • Cung cấp thông tin về các triệu chứng cơ năng của tuổi mãn kinh và giải thích rõ nguyên nhân của các triệu chứng là những thay đổi nội tiết chứ không phải bệnh lý
  • Cung cấp kiến thức về những bệnh lý mà tuổi mãn kinh thường gặp, cách dự phòng, chẩn đoán sớm và điều trị
  • Cung cấp kiến thức về các biện pháp điều trị và dự phòng các triệu chứng và bệnh lý nói trên, phân tích rõ về hiệu quả cũng như các tác dụng phụ có thể có của các cách điều trị, đưa ra lịch theo dõi và thời gian cần điều trị đối với mỗi triệu chứng và bệnh lý
  • Cần giải thích rõ các bệnh ung thư có thể xảy ra cho phụ nữ tuổi mãn kinh, cố gắng tập trung hướng dẫn làm các xét nghiệm để phát hiện sớm các loại ung thư ở phụ nữ cao tuổi như ung thư cổ tử cung, ung thư vú…

>> Xem thêm Nâng cao hiểu biết về bệnh u xơ tử cung