Rụng tóc từng mảng: Tổng hợp nguyên nhân và cách điều trị chuẩn nhất

Thống kê cho thấy khoảng 2% dân số thế giới bị rụng tóc từng mảng. Tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý.

Rụng tóc từng mảng gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý

Rụng tóc từng mảng là gì?

Rụng tóc từng mảng thường bị nhầm sang rụng tóc nội tiết tố nam (hay còn gọi là hói đầu).

Với chứng rụng tóc từng mảng, các tế bào bạch cầu – vốn có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi những kẻ xâm lược bên ngoài như vi rút và vi khuẩn – tấn công các tế bào của nang tóc vốn thường phát triển nhanh chóng. Kết quả là các nang tóc trở nên nhỏ hơn và làm chậm quá trình sản xuất tóc.

Ngoài tóc, tình trạng này còn gây rụng lông trên một số vùng của cơ thể như râu, lông mày, lông mi, lông tay chân…

Rụng tóc từng mảng thường bị nhầm với hói đầu

Triệu chứng rụng tóc từng mảng

Rụng tóc và lông

Mức độ rụng tóc ở mỗi bệnh nhân khác nhau. Một số người bị rụng mảng tóc tròn, nhỏ, kích thước bằng đồng xu, những người khác bị rụng tóc trên diện rộng. Các nghiên cứu cho thấy trong 82 – 88% trường hợp, bệnh nhân bắt đầu bị rụng tóc từng mảng lần đầu tiên ở độ tuổi 40, 40% người bị rụng tóc từng mảng khi mới 20 tuổi.

Rụng tóc từng mảng có thể chuyển thành hai loại rụng tóc khác. Điều này xảy ra ở khoảng 7% bệnh nhân.

  • Rụng tóc toàn bộ da dầu
  • Rụng lông tóc hoàn toàn: cả tóc và lông mày, lông mi, cánh tay, chân và lông mu

Nhiều người bị rụng cả lông mày, lông mi

Thay đổi móng tay

Ngoài tình trạng rụng tóc, người bệnh còn bị thay đổi ở móng tay (10 – 38% bệnh nhân). Mức độ nghiêm trọng của những thay đổi tương ứng với mức độ rụng tóc. Một số thay đổi bao gồm rỗ móng (những vết lõm ở móng tay hoặc móng chân), móng bị nhám và có các đường gờ hoặc đường thẳng đứng chạy dọc móng.

Lo âu, trầm cảm

Những người bị rụng tóc từng mảng cũng có nguy cơ mắc chứng lo âu và trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy trong số những bệnh nhân bị rụng tóc từng mảng, 38 – 39% có dấu hiệu trầm cảm và 39 – 62% trong số họ mắc chứng rối loạn lo âu. Những rối loạn tâm thần này có thể xuất hiện trước hoặc sau khi bị rụng tóc.

Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy rằng các sự kiện căng thẳng xảy ra trước khi bắt đầu rụng tóc từng mảng ở khoảng 10% người lớn và 10 – 80% trẻ em.

Các triệu chứng khác

Các triệu chứng và vấn đề sức khỏe khác bao gồm bệnh tuyến giáp, bệnh bạch biến, dị ứng (một phản ứng miễn dịch tăng cao đối với các chất gây dị ứng thông thường, có thể dẫn đến các tình trạng như hen suyễn và bệnh chàm), lupus, bệnh vẩy nến, bệnh viêm ruột, viêm khớp dạng thấp và các bệnh tự miễn dịch khác… cũng có thể xuất hiện.

Nguyên nhân gây rụng tóc từng mảng

Di truyền

Các nhà khoa học tin rằng sự kết hợp của các gen có thể gây ra tình trạng rụng tóc từng mảng. Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu cho thấy có khoảng 8,6% bệnh nhân bị rụng tóc từng mảng báo báo cáo có người thân trong gia đình bị rụng tóc từng mảng (có tính di truyền).

Tuy vậy, các nghiên cứu liên quan đến các cặp song sinh giống hệt nhau cho thấy các yếu tố môi trường cũng đóng một vai trò trong sự phát triển của chứng rụng tóc từng mảng. Điều này cho thấy di truyền là một trong số những nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc từng mảng, nhưng không phải là duy nhất, vì các yếu tố môi trường cũng góp phần gây ra bệnh.

Yếu tố môi trường, căng thẳng, chấn thương

Một số yếu tố môi trường có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của tình trạng rụng tóc từng mảng bao gồm nhiễm vi rút, căng thẳng tâm lý và chấn thương.

Các nhà khoa học tin rằng các yếu tố môi trường kéo dài phản ứng viêm tương tác với các nang lông và tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể. Sự tương tác này kích hoạt các quá trình dẫn đến rụng tóc.

Để giải thích thêm về điều này, các nhà khoa học chỉ ra chu kỳ theo mùa của bệnh và sự gia tăng các đợt tái phát vào đầu mùa xuân, đó là khi có sự gia tăng các ca nhiễm vi rút.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người có thành viên trong gia đình mắc các bệnh tự miễn dịch khác, như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường loại 1, lupus hoặc bệnh tuyến giáp, có nguy cơ mắc chứng rụng tóc từng mảng cao hơn.

Căng thẳng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến rụng tóc từng mảng

Điều trị rụng tóc từng mảng như thế nào?

Không có cách chữa trị triệt để cho tình trạng này. Tóc thường tự mọc lại. Các phương pháp điều trị thường làm cho tóc mọc lại nhanh hơn và ngăn chặn rụng tóc.

1. Dùng corticoid

Bác sĩ tiêm corticosteroid tại chỗ hoặc toàn thân để giảm viêm và kích thích mọc tóc. Phương pháp điều trị này không ngăn ngừa rụng tóc mới. Nó chỉ được sử dụng để giúp tóc mọc lại ở những vùng bị rụng.

Tiêm corticosteroid có thể gây ra tác dụng phụ là để lại vết lõm trên da, màu da nơi tiêm thuốc bị sáng màu, khó chịu ở dạ dày, đau nhức tại chỗ tiêm.

2. Minoxidil

Minoxidil là một loại thuốc mọc tóc khá phổ biến. Bôi thuốc trực tiếp lên vùng bị rụng, cả da dầu, mặt hoặc toàn thân. Thuốc dùng được cho cả người lớn và trẻ em.

3. Anthralin

Kem anthralin được sử dụng để thay đổi chức năng miễn dịch của da. Nó được bôi tại chỗ trong 20 – 60 phút rồi rửa sạch. Kem anthralin có thể gây kích ứng da, thậm chí khiến da đổi màu tạm thời.

4. Thuốc ức chế miễn dịch

Thuốc ức chế miễn dịch như methotrexate và cyclosporine ngăn chặn phản ứng miễn dịch gây rụng tóc. Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc ức chế miễn dịch là buồn nôn, tiêu chảy, lở loét, da nhợt nhạt và mệt mỏi.

5. Các biện pháp tự nhiên

Dùng men vi sinh (probiotics)

Sức khỏe của hệ tiêu hóa ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch. Đây là lý do tại sao nên bổ sung men vi sinh để hỗ trợ điều trị các tình trạng tự miễn, bao gồm cả rụng tóc từng mảng.
Bổ sung men vi sinh giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, để cơ thể không phản ứng thái quá với các mối đe dọa và viêm nhiễm.

Ngoài men vi sinh, bạn cũng nên ăn các thực phẩm chứa lợi khuẩn tốt như kefir, kombucha, sữa chua, giấm táo, dưa cải muối, kimchi…

Các thực phẩm giàu lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa và miễn dịch

Bổ sung kẽm

Kẽm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, đồng thời cũng là một khoáng chất quan trọng cho các hoạt động chức năng của nang tóc. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân bị rụng tóc từng mảng có nồng độ kẽm thấp. Do đó, bổ sung kẽm có thể giảm tình trạng rụng tóc.

Kẽm có trong nhiều loại thực phẩm như hạt bí ngô, thịt bò, thịt cừu, đậu xanh, hạt điều, sữa chua và rau bina… hoặc bổ sung qua thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các viên uống chứa kẽm như Zinc Gluconate.

Tinh dầu oải hương

Tinh dầu oải hương chứa chất chống oxy hóa và giảm viêm, đồng thời giúp bảo vệ da. Nghiên cứu trên chuột cho thấy, bôi tinh dầu hoa oải hương giúp làm tăng đáng kể số lượng nang lông, làm sâu nang lông.

Tinh dầu hương thảo

Dầu hương thảo thường được sử dụng để tăng cường độ dày và sự phát triển của tóc. Loại dầu này có tác dụng tăng chuyển hóa tế bào kích thích mọc tóc. Nghiên cứu cho thấy bôi dầu hương thảo tại chỗ có thể hiệu quả như minoxidil, một phương pháp điều trị thông thường cho chứng rụng tóc từng mảng.

Bạn cũng có thể sử dụng dầu hương thảo để trị gàu và da đầu khô. Chỉ cần thoa trực tiếp 2-3 giọt dầu hương thảo lên vùng da cần điều trị 2 lần mỗi ngày.

Châm cứu

Châm cứu được sử dụng như một phương pháp điều trị tự nhiên cho chứng rụng tóc từng mảng vì nó có thể làm giảm các tế bào T1 đang tấn công nang tóc và gây rụng tóc. Nó cũng có tác dụng kích thích và làm ấm các nang lông, giảm viêm và tăng lưu thông máu ở vùng bị rụng tóc.

Châm cứu còn có tác dụng giảm lo âu, trầm cảm. Đây là hai tình trạng mà nhiều bệnh nhân mắc chứng rụng tóc từng mảng gặp phải.

Ăn thực phẩm chống viêm

Một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh tự miễn một cách tự nhiên là ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có tác dụng giảm viêm và cho phép cơ thể phục hồi nhanh chóng. Tránh tất cả các loại thực phẩm có đường và thực phẩm chế biến sẵn.

Các thực phẩm chống viêm nên ăn là: rau lá xanh, củ cải đường, bông cải xanh, quả việt quất, các loại hạt, gia vị (đặc biệt là nghệ và gừng), cá hồi, dầu dừa… Những thực phẩm này cung cấp chất chống oxy hóa, khoáng chất quan trọng và axit béo thiết yếu.

Giảm căng thẳng

Để điều trị tình trạng rụng tóc, cần kiểm soát căng thẳng để cho phép cơ thể hồi phục và tóc mọc lại nhanh hơn.

Để giảm căng thẳng và lưu thông máu tốt hơn, kích thích mọc tóc, bạn nên tập thể dục, đặc biệt là yoga, ngồi thiền, viết nhật ký và dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời.

Vân Anh