Bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona mới – 2019-nCoV đang ngày càng diễn biến phức tạp với số người mắc bệnh tăng nhanh chóng. Nhưng bạn có biết rằng virus này hiện đang gây bệnh ở người lớn nhiều hơn trẻ nhỏ?
Tính đến 10:17 ngày 3/2/2020 đã có tới 17.350 người mắc bệnh tại 27 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó, 362 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, nghiên cứu tại Vũ Hán cho thấy, có một nhóm đối tượng hầu như chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch này, đó là trẻ em.
Tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới ở trẻ em thấp
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Y khoa New England Journal of Medicine vào ngày 29/1/2020 phân tích đặc điểm của 425 người mắc bệnh tại Vũ Hán do 2019-nCoV cho thấy: không có trường hợp người mắc bệnh nào dưới 15 tuổi. Giá trị trung vị độ tuổi mắc bệnh là 59. Tính đến giữa tháng 1/2020, người trẻ nhất tử vong do dịch bệnh là 36 tuổi.
Mặc dù chưa có dữ liệu thống kê cho biết số trường hợp trẻ em đã mắc bệnh, nhưng với tốc độ lây truyền bệnh quá nhanh, con số mắc bệnh đã gấp hơn 40 lần so với tổng số ca phân tích trong nghiên cứu trên, chắc chắn rằng số trẻ mắc bệnh không còn là 0 nữa. Theo báo cáo của cơ quan y tế thành phố Vũ Hán, có 1 trẻ 9 tháng tuổi tại Bắc Kinh là bệnh nhân trẻ tuổi nhất được phát hiện tính đến tới 26/1/2020.
Trẻ em cũng có khả năng nhiễm bệnh tuy nhiên mức độ nặng thấp hơn so với người lớn
So với đại dịch tương tự SARS (Hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng) gây ra bởi chủng vi rút corona năm 2003, tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em thấp hơn đáng kể so với người lớn, đồng thời, mức độ nặng của bệnh cũng thấp hơn. Tương tự với 2019-nCoV, có thể trẻ em ít nhạy cảm với vi rút hơn người lớn do các tế bào ở cơ thể trẻ ít “hiếu khách” với vi rút hơn, làm cho 2019-nCoV khó nhân lên trong cơ thể và khó truyền từ người này sang người khác. Theo một số tác giả của tạp chí Y khoa New England Journal of Medicine, trẻ em cũng có thể mắc vi rút nhưng triệu chứng nhẹ hơn người lớn, điều đó làm cho họ có xu hướng không cần đến chăm sóc y tế, vì vậy loại trừ họ khỏi nhóm người bệnh xác định nhiễm.
Theo Bác sĩ Sharon Nachman, chuyên gia bệnh nhiễm nhi khoa tại bệnh viện Stony Brook Children’s Hospital, New York cho biết, môi trường sống của trẻ có thể là yếu tố giúp phòng bệnh. Phần lớn thời gian trẻ ở trường, trung tâm chăm sóc hoặc khu vui chơi nên thường tiếp xúc với vi rút corona (loài gây các bệnh thông thường như cảm lạnh) nhiều hơn so với người lớn. Điều này giúp cơ thể trẻ tạo nên hàng rào miễn dịch chống lại những tác nhân tương tự. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch này không tồn tại suốt đời.
Bên cạnh đó, trẻ em được tiêm vaccin thường xuyên và đầy đủ hơn so với người lớn, giúp chúng ít bị những nhiễm khuẩn thứ phát hơn – những bệnh có thể làm trầm trọng thêm bệnh đang hiện mắc.
Tuy nhiên, tất cả đó đều là giả thuyết và không có nghĩa tất cả trẻ em không thể mắc bệnh và không thể truyền bệnh cho người khác. Các biện pháp vệ sinh và phòng hộ cá nhân vẫn luôn cần thiết và hiệu quả trong mùa dịch.
Các biện pháp phòng lây nhiễm ngoài cộng đồng
- Đeo khẩu trang và đến các cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có triệu chứng hô hấp
- Vệ sinh cá nhân:
- Rửa tay sạch: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn, đặc biệt sau khi hắt hơi, ho hoặc chùi mũi
- Che mũi, miệng khi có hắt hơi và ho, vứt các khăn giấy lau mũi miệng vào thùng rác riêng có nắp đậy
- Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ
- Không hút thuốc lá
- Vệ sinh môi trường
- Duy trì thông khí nơi ở hoặc nơi làm việc tốt
- Tránh tiếp xúc và tụ tập nơi đông người, nơi thông thoáng khí.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp các vật nuôi, động vật hoang dã
- Tiêm phòng đầy đủ
Tài liệu tham khảo
1. “Why Coronavirus Seems to Be Striking More Adults Than Kids”, Time US January 31, 2020
2. Qun Li et al, “Early Transmission Dynamics in Wuhan, China, of Novel Coronavirus–Infected Pneumonia”, The New England Journal of Medicine, January 29, 2020
3. “Nine-month-old baby among Beijing’s new confirmed cases”, CNN News, January 26, 2020
4. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV), Ban hành kèm theo Quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16/1/2020 của Bộ Trưởng Bộ Y tế