Tìm hiểu nguyên nhân đái máu

Đái máu là tình trạng nước tiểu có máu. Mặc dù trong một vài trường hợp, nguyên nhân gây đái máu là vô hại nhưng đôi khi, đái máu có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra máu trong nước tiểu để có phương pháp điều trị phù hợp.

Tình trạng đái máu có thể xảy ra dưới 2 dạng: đái máu đại thể và đái máu vi thể.

– Đái máu đại thể: khi nước tiểu đỏ sẫm màu, bạn có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.

– Đái máu vi thể: mắt thường không nhận thấy, chỉ phát hiện được khi làm xét nghiệm tế bào học nước tiểu, với kết quả số lượng hồng cầu > 10.000 hồng cầu/ml.

Nguyên nhân đái máu và các triệu chứng đồng xuất hiện

– Viêm đường tiết niệu: Nhóm bệnh lý này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường tiết niệu, nhân lên trong bàng quang và gây bệnh. Triệu chứng có thể bao gồm: Đau nóng khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, nước tiểu có mùi khó chịu hoặc có màu, đau vùng dưới thắt lưng

Đái máu kèm đau nóng khi đi tiểu có thể gợi ý viêm đường tiết niệu

Viêm thận – bể thận: đây là tình trạng viêm đường tiết niệu sâu, có nguy cơ biến chứng, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào thận từ máu hoặc từ đường dẫn niệu. triệu chứng viêm thận – bể thận mang đặc điểm chung như viêm đường tiết niệu kể trên, đồng thời có thể kèm sốt cao và đau quặn

Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang: Nồng độ khoáng trong nước tiểu cao có thể dẫn đến hình thành những tinh thể lắng đọng tại thành thận hoặc bàng quang. Theo thời gian, những tinh thể này có thể tạo nên những viên nhỏ và cứng gọi là sỏi thận hoặc sỏi bàng quang, tùy theo vị trí mà sỏi lưu trú.

Bình thường, sỏi không gây đau nên người bệnh có thể không biết đến sự tồn tại của sỏi cho tới khi viên sỏi gây tắc nghẽn đường niệu hoặc di chuyển qua vùng hẹp. Khi đó, các triệu chứng do sỏi gây ra thường khó nhầm lẫn bao gồm: đau quặng vùng lưng dưới hoặc vùng bẹn 2 bên. Cơn đau xuất hiện đột ngột, khiến bạn không thể nằm và cảm thấy mệt mỏi. Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang có thể gây ra đái máu cả 2 dạng đại thể hoặc vi thể.

Cơn đau quặn lưng hoặc bẹn là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sỏi thận hoặc sỏi bàng quang

Phì đại tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt có ở nam giới, nằm ngay dưới bàng quang, bao quanh phần đầu tiên của niệu đạo (đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài). Tuyến này thường to lên ở nam giới độ tuổi từ 50 trở lên. Khi tuyến này to lên có thể gây chèn ép bàng quang, làm hẹp niệu đạo, làm cản trở dòng nước tiểu từ bàng quang xuống niệu đạo. Triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt bao gồm: tiểu khó, tiểu dắt, mót tiểu, tiểu đêm nhiều. Đái máu do phì đại tuyến tiền liệt cũng có thể ở dạng vi thể hoặc đại thể. Bên cạnh những triệu chứng này, sự tắc nghẽn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công gây viêm tuyến tiền liệt và những biến chứng khác

– Ung thư: Đái máu đại thể có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt, bàng quang hoặc thận. Khi ung thư ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất cần thiết để phát hiện sớm những bất thường.

Đái máu đại thể có thể là biểu hiện của ung thư tuyến tiền liệt

– Tổn thương thận do chấn thương: Tổn thương thận do tai nạn hoặc chấn thương do chơi thể thao cũng có thể gây nên tình trạng đái máu

– Tác dụng không mong muốn của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây nên tình trạng đái máu như: một số thuốc điều trị ung thư, kháng sinh penicillin, thuốc chống đông,… Đây có thể là những biến cố bất lợi nghiêm trọng khi dùng thuốc, bạn cần liên hệ bác sĩ để có biện pháp xử trí phù hợp

– Tập luyển thể lực quá mức: Đái máu đại thể do việc tập luyện thể lực khá hiếm gặp và cơ chế còn chưa rõ ràng. Việc tập luyện quá sức có thể gây tổn thương bàng quang, gây tình trạng mất nước hoặc làm phá vỡ tế bào hồng cầu,… được quan sát thấy ở những người tập aerobic kéo dài. Ngoài ra, vận động viên điền kinh cũng có thể gặp những biểu hiện tương tự nếu luyện tập quá sức.

Ngoài những nguyên nhân như trên, cũng có những trường hợp đái máu không tìm được nguyên nhân.

Trường hợp đái máu không do bệnh lý

Trong một số trường hợp, bạn phát hiện có máu trong nước tiểu do tình trạng sinh lý mà không phải triệu chứng của bệnh lý. Những trường hợp đó bao gồm:

– Bạn mới ăn đồ ăn có màu đỏ như: củ cải đỏ, củ rền, ….

– Bạn uống thuốc có thể nhuộm màu nước tiểu thành màu nâu hoặc đỏ sẫm

– Máu chảy ra từ hậu môn do trĩ hoặc nứt kẽ hậu môn mà không phải từ đường niệu

– Bạn đến chu kỳ kinh nguyệt

– Bạn có thể bị tổn thương cơ quan sinh dục sau quan hệ

Tổn thương sau quan hệ hoặc chu kỳ cũng có thể gây biểu hiện thương tự đái máu

Nếu bạn phát hiện đái máu và đã loại trừ những nguyên nhân sinh lý bình thường, bạn nên đi khám để biết rõ nguyên nhân gây tình trạng bệnh hiện tại.

DS.Phạm Hảo

Tài liệu tham khảo:

  1. “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận – tiết niệu”, ban hành kèm theo Quyết định số 3931/QĐ-BYT ngày 21/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
  2. “Blood in urine”, National Health Service (NHS), last reviewed: 4 July 2017
  3. “Blood in urine”, American Kidney Fund, accessed date: 18 May 2020
  4. “Blood in urine (hematuria)”, Mayo Clinic, 17 Aug 2017