Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm đột ngột và nghiêm trọng. Dấu hiệu viêm ruột thừa thường là đau bụng dữ dội và cần phải đi cấp cứu để xử lý khẩn cấp.
Viêm ruột thừa là gì?
Ruột thừa là một ống mô dài khoảng 1,5cm kéo dài từ ruột già tới phía dưới bên phải bụng. Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm, gây ra cơn đau ở bụng dưới bên phải. Ở thời điểm khởi phát thì cơn đau sẽ xuất hiện ở vùng quanh rốn và sau đó di chuyển về phía dưới bên phải. Khi tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn, cơn đau ruột thừa tăng lên và trở nên dữ dội.
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường rơi vào khoảng từ 10 đến 30 tuổi. Viêm ruột thừa cần được đi cấp cứu khẩn cấp và điều trị bằng cách cắt ruột thừa bị viêm càng sớm càng tốt.
Viêm ruột thừa có nguy hiểm không?
Viêm ruột thừa cần phải đi cấp cứu khẩn cấp. Người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm ruột thừa.
Nếu không được điều trị, ruột thừa có thể bị vỡ trong khoảng 48-72 giờ sau khi có triệu chứng đầu tiên. Ruột thừa bị viêm sẽ vỡ ra làm tràn vi khuẩn và các mảnh vụn vào khoang bụng, phần trung tâm của cơ thể chứa gan, dạ dày và ruột. Hệ quả sẽ dẫn tới viêm phúc mạc, tình trạng viêm nghiêm trọng của niêm mạc khoang bụng. Bệnh có thể gây nguy hiểm tới tính mạng trừ khi được điều trị nhanh chóng bằng kháng sinh mạnh.
Đôi khi áp xe hình thành bên ngoài phần ruột thừa bị viêm. Các mô sẹo đó ngăn ruột thừa khỏi phần còn lại của các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng này giữ cho nhiễm trùng không bị lan ra ngoài nhưng ruột thừa bị áp xe có thể bị rách và dẫn tới viêm phúc mạc.
Tuy nhiên, nếu được cấp cứu và phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa kịp thời thì hoàn toàn có thể trở lại tình trạng sức khỏe bình thường sau đó.
Triệu chứng viêm ruột thừa
Các triệu chứng viêm ruột thừa thường xảy ra khá đột ngột và trở nặng. Triệu chứng có thể trở nên tệ hơn chỉ sau vài giờ.
Tốt nhất người bệnh nên tránh dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào khi xuất hiện triệu chứng nghi bị viêm ruột thừa. Vì dùng thuốc có thể làm che giấu đi triệu chứng khiến bác sĩ không nắm được tình trạng bệnh.
Triệu chứng ở người trưởng thành
Dấu hiệu viêm ruột thừa ở người lớn có thể xuất hiện:
- Đau quanh rốn, có thể di chuyển cơn đau xuống phía dưới bên phải bụng
- Chướng bụng, đầy hơi
- Nôn mửa
- Ăn không ngon
- Sốt và ớn lạnh
- Táo bón hoặc tiêu chảy
Cơn đau bụng trầm trọng hơn theo thời gian hoặc khi cử động mạnh, hít thở sâu, ho, hắt hơi hoặc khi bị ấn vào bụng.
Nếu ruột thừa bị vỡ, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở khắp vùng bụng.
Triệu chứng ở trẻ em
Đối với trẻ nhỏ dấu hiệu viêm ruột thừa có thể là:
- Khó chịu
- Ăn mất ngon
- Đau bụng, cơn đau di chuyển tới phía bên phải của bụng
- Buồn nôn và nôn mửa
- Sốt nhẹ
- Nhịp tim tăng lên
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa
Ruột thừa bị viêm khi có tắc nghẽn trong ruột thừa, có thể là do:
- Nhiễm trùng do vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng trong đường tiêu hóa, gây mở rộng mô của thành ruột thừa.
- Phân gây tắc nghẽn ống giữa ruột già và ruột thừa
- Khối u
- Bệnh viêm ruột
- Chấn thương vùng bụng
Đây là những nguyên nhân khiến cho ruột thừa bị sưng và viêm. Khi tình trạng sưng tấy tăng lên, ruột thừa bắt đầu bị vỡ hoặc rách.
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa
Chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa không đơn giản. Bởi các triệu chứng bệnh không rõ ràng hoặc tương tự như các triệu chứng của một số loại bệnh khác như: vấn đề về túi mật, bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh Crohn, viêm đạ dày, sỏi thận, nhiễm trùng đường ruột hoặc vấn đề ở buồng trứng.
Một số xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa gồm:
- Khám bụng để tìm vùng bị viêm
- Xét nghiệm nước tiểu để loại trừ nhiễm trùng đường tiết niệu
- Khám trực tràng
- Xét nghiệm máu để xem cơ thể có đang phải chống lại nhiễm trùng không
- Siêu âm ổ bụng
Điều trị viêm ruột thừa như thế nào?
Viêm ruột thừa luôn được coi như một trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho hầu hết các trường hợp viêm ruột thừa.
Nếu bác sĩ đã chẩn đoán viêm ruột thừa, thì sẽ nhanh chóng cắt bỏ để tránh bị vỡ. Nếu người bệnh bị vỡ ruột thừa thì để điều trị cần thực hiện hai thủ thuật: một để dẫn lưu mủ và chất lỏng ruột thừa bị vỡ và hai là cắt bỏ ruột thừa.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh khi bệnh nhân bị viêm ruột thừa nhẹ.
Tìm hiểu về phẫu thuật cắt ruột thừa
Trước khi phẫu thuật ruột thừa, người bệnh có thể cần dùng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng. Thông thường, cần gây mê toàn thân trước khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cắt bỏ ruột thừa bằng việc cắt một đường khoảng 10cm ở bụng hoặc sử dụng phẫu thuật nội soi. Đối với người bị vỡ ruột thừa thì cần được làm sạch bụng và dẫn lưu mủ.
Người bệnh có thể đứng dậy và đi lại trong vòng 12 giờ sau khi phẫu thuật, sau 2-3 tuần có thể trở lại tình trạng sức khỏe bình thường. Phẫu thuật nội soi thì sẽ phục hồi nhanh hơn.
Sau khi cắt ruột thừa, hãy gọi cho bác sĩ nếu gặp phải một số tình trạng sau:
- Nôn không kiểm soát
- Đau bụng ngày càng tăng
- Chóng mặt, cảm giác ngất xỉu
- Có máu trong chất nôn hoặc nước tiểu
- Vết mổ bị đau hoặc tấy đỏ, có mủ
- Sốt
Phòng ngừa viêm ruột thừa
Không có cách nào giúp phòng ngừa viêm ruột thừa. Tuy nhiên, bệnh có thể ít phổ biến hơn ở những người ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ như trái cây tươi và rau quả.
Đào Tâm