“Vạch mặt chỉ tên” những nguyên nhân gây rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương là một tình trạng rất phổ biến, ảnh hưởng tới tới 52% nam giới trong độ tuổi từ 40 – 70 và đang có xu hướng trẻ hóa. Bạn không nên cảm thấy xấu hổ hay quá lo lắng nếu đang trải qua tình trạng này. Thay vào đó, hãy cùng trao đổi với bạn đời, tìm rõ nguyên nhân để có cách xử trí phù hợp.

Rối loạn cương dương cần được thấu hiểu và giải quyết dựa trên nguyên nhân

Rối loạn cương dương là gì?

Rối loạn cương dương (Erectile dysfunction) xảy ra khi dương vật không đạt được cương cứng hoặc không giữ được tình trạng đó đủ lâu trong suốt quá trình quan hệ tình dục. Vấn đề này có thể ảnh hưởng tới nam giới ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất ở những người từ 40 – 70 tuổi.

Rối loạn cương dương có phải do lão hóa?

Câu trả lời là không. Có tới 70% nam giới ở độ tuổi trên 70 vẫn còn sinh hoạt chăn gối. Tuy nhiên cần hiểu rằng, khi tuổi cao, bạn càng cần nhiều kích thích hơn để dương vật đạt được sự cương cứng. Đồng thời, bạn cần nhiều thời gian hơn từ lúc bắt đầu kích thích đến khi cương dương.

Như vậy, mặc dù rối loạn cương dương thường xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng tuổi tác không phải nguyên nhân gây bệnh và tình trạng này có thể điều trị được ở mọi lứa tuổi.

Tuổi cao không gây ra tình trạng rối loạn cương dương

Những nguyên nhân gây rối loạn cương dương

Sự cương cứng của dương vật là kết quả của một quá trình phức tạp với sự tham gia của hệ mạch máu, thần kinh, nội tiết. Lúc này, dưới tác động của sự kích thích, hệ mạch máu tại dương vật giãn nở, dòng máu tới dương vật tạo nên áp lực cao làm cho dương vật cương cứng.

Khi có bất kỳ một yếu tố nào tác động tới quá trình trên đều có thể gây nên tình trạng rối loạn cương dương. Bên cạnh đó, rối loạn cương dương cũng có thể là hệ quả của một tình trạng bệnh lý khác.

Các nguyên nhân chính gây rối loạn cương dương

Nguyên nhân do bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe

  • Bệnh đái tháo đường
  • Bệnh tim mạch
  • Xơ vữa động mạch
  • Huyết áp cao
  • Bệnh thận mạn tính
  • Do chấn thương sau khi điều trị ung thư tuyến tiền liệt
  • Chấn thương dương vật, bàng quang, tuyến tiền liệt, tủy sống hoặc xương chậu.

Nam giới mắc đái tháo đường có nguy cơ bị rối loạn cương dương cao hơn gấp 2-3 lần, đồng thời những dấu hiệu rối loạn cương dương có thể xuất hiện sớm hơn 10-15 năm so với người không bị đái tháo đường. Nguyên nhân được cho là tình trạng đường máu tăng kéo đài sẽ gây tổn thương mạch máu và dây thần kinh, từ đó khiến cho vấn đề cương dương cũng như một số quá trình khác thuộc cơ quan thận – tiết niệu trở nên khó khăn.

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương ở nam giới

Nguyên nhân do thuốc

Rối loạn cương dương có thể là tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc, bao gồm:

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp
  • Thuốc kháng androgen trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc ức chế cảm giác thèm ăn
  • Thuốc điều trị loét.

Rối loạn cương dương có thể do tác dụng phụ của thuốc

Nguyên nhân do cảm xúc và các vấn đề tinh thần

Bạn có thể gặp vấn đề về cương dương nếu thường bị:

  • Sợ thất bại trong quan hệ, cảm giác này có thể do căng thẳng lần đầu hoặc đến từ lần thất bại trước
  • Lo ngại bạn đời sẽ phản ứng tiêu cực với bạn
  • Lo âu, trầm cảm
  • Cảm giác tội lỗi về sự thể hiện của bản thân trong chuyện chăn gối hoặc trong một số hoạt động tình dục nhất định
  • Thiếu tự tin
  • Căng thẳng vì cuộc sống nói chung
  • Vấn đề trong mối quan hệ giữa bạn và bạn đời

>> Xem thêm video: Nguyên nhân và cách điều trị rối loạn cương dương

Các vấn đề tâm lý đóng vai trò quan trọng gây nên rối loạn cương dương

Nguyên nhân do hành vi hoặc các thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe

Ngoài những nguyên nhân do bệnh lý, thuốc và vấn đề tinh thần, một số yếu tố về thói quen cũng góp phần gây nên và làm trầm trọng hơn tình trạng rối loạn cương dương, ví dụ:

  • Hút thuốc lá
  • Uống nhiều rượu bia
  • Sử dụng thuốc cấm
  • Thừa cân, béo phì
  • Ít luyện tập thể dục.

DS Phạm Hảo

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyen, H. M. T., Gabrielson, A. T., & Hellstrom, W. J. G. (2017). “Erectile Dysfunction in Young Men—A Review of the Prevalence and Risk Factors”, Sexual Medicine Reviews, 5(4), 508–520
  2. “Urologic diseases: Erectile dysfunction (ED)”, The National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases, July 2017
  3. “Erectile dysfunction”, Mayo Clinic, 09th March 2018
  4. “Erectile dysfunction (ED)” American Academy of Family Physicians, 7th June 2017
  5. “Erection Ejaculation: How It Occurs”, Cleveland Clinic, Last reviewed: 15/03/2016.