Viêm phế quản phổi ở trẻ dễ biến chứng nặng

Viêm phế quản phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng cấp tính, lan tỏa cả phế quản và phế nang, giai đoạn đầu dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác như viêm mũi, họng. Bệnh tiến triển nhanh, dễ bội nhiễm và có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ

Các nguyên nhân gây viêm phế quản phổi ở trẻ bao gồm:

  • Do virus: Chiếm 60 – 70 %
  • Do vi khuẩn hay gặp là phế cầu, Hemophilus influenza (HI), M Catarrhalis, tụ cầu, liên cầu… Vi khuẩn không đặc hiệu: Hay gặp Mycoplasma.
  • Do ký sinh trùng và nấm

Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ

Bệnh viêm phổi ở trẻ em diễn biến từ nhẹ đến nặng. Trong trường hợp không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:

Nhiễm trùng huyết: Là tình trạng vi khuẩn gây bệnh viêm phổi xâm nhập vào hệ tuần hoàn dẫn đến nhiễm trùng máu và sốc biến chứng nhiễm trùng. Biến chứng này rất khó điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ và có thể gây tử vong.

Nhiễm trùng huyết là biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ

Tràn mủ màng phổi: Gây khó khăn trong hô hấp, bạch cầu tăng cao và xuất hiện tình trạng kháng thuốc.

Viêm màng não: Gây tổn thương não vĩnh viễn, rối loạn thần kinh, đe dọa tính mạng của trẻ.

Hội chứng suy hô hấp cấp: Gây áp xe phổi, viêm phổi mạn tính, suy giảm hệ miễn dịch.

Tràn dịch màng tim, trụy tim: Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tuần hoàn gây tràn dịch màng tim, bóng tim to, trụy tim,…

Các biến chứng khác: viêm nội tâm mạc, viêm phúc mạc, viêm khớp,…

>> Xem thêm: Những biến chứng nguy hiểm của viêm đường hô hấp trên bạn cần biết

Cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản phổi

Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản phổi, nên chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu để tránh khi các dấu hiệu bệnh toàn phát, trẻ bị nặng hơn sẽ khó chữa, thậm chí sẽ dẫn tới tử vong.

Khi trẻ em bị viêm phổi, bố mẹ cần thực hiện những điều sau:

  • Đảm bảo môi trường ở sạch sẽ, thoáng mát.
  • Cho trẻ bú mẹ nhiều hơn, nếu trẻ không tự bú thì phải vắt sữa ra bình, cốc hoặc cho trẻ ăn sữa ngoài nếu mẹ không có sữa. Bên cạnh đó, việc bù lại lượng nước đã mất do sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hơn (tốt nhất cho uống oresol) là việc làm cần thiết.
  • Không nên chườm ấm hay chườm lạnh, tránh làm tăng nhu cầu oxy.
  • Long đờm cho trẻ bằng cách vỗ lưng để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn

Vỗ lưng long đờm là biện pháp cơ học giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn

  • Cho trẻ ăn mềm, dễ tiêu, dễ nuốt, ăn theo nhu cầu, không ép trẻ ăn, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt >38,5 độ C.
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu sau thì cần cho trẻ đến bệnh viện:

  • Sốt cao hoặc hạ nhiệt độ
  • Bú kém, bỏ ăn
  • Thở nhanh gấp hoặc ngừng cơn thở ở trẻ sơ sinh
  • Ngủ li bì, tím tái, quấy khóc thậm chí là co giật…

Cách phòng ngừa bệnh viêm phế quản phổi cho trẻ

Viêm phế quản phổi ở trẻ em là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nhưng có thể phòng ngừa và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm của bệnh, bằng cách:

  • Ngay từ khi có thai, các bà mẹ nên tuân thủ đúng chế độ để tránh trường hợp sinh non, trẻ sẽ nhẹ cân. Bởi vì, những đứa trẻ này khi sinh ra dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là viêm phế quản phổi.
  • Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh
  • Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh
  • Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
  • Đảm bảo trẻ được bú mẹ hoàn trong 6 tháng đầu

Cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để tăng cường sức đề kháng cho trẻ

  • Với trẻ nhỏ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.
  • Thường xuyên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý
  • Phát hiện sớm và điều trị dứt điểm các bệnh đường hô hấp cấp và mạn tính.

DS Phan Hiền