Ngáy là âm thanh phát ra khi luồng không khí đi qua khe hẹp ở vùng hầu họng, làm rung niêm mạc tại chỗ. Một số người có thể chỉ bị ngáy một vài lần, nhưng nhiều trường hợp là mạn tính hoặc thậm chí là biểu hiện của một bệnh lý nghiêm trọng khác.
Nguyên nhân gây ngủ ngáy
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới ngủ ngáy như: đặc điểm giải phẫu của miệng, xoang; uống rượu, dị ứng, nhiễm lạnh hoặc thừa cân.
Khi bạn dần chìm vào giấc ngủ sâu, các cơ vòm miệng, lưỡi và họng được thư giãn. Những bộ phận này có thể thư giãn quá mức tới mức làm chặn một phần đường thở của bạn, khiến chúng rung lên khi có luồng khí thổi qua. Khi đường thở càng hẹp, luồng khí qua càng tạo áp lực lớn, càng khiến tiếng ngáy to hơn.
Ngủ ngáy xảy ra do luồng không khí đi qua khe hẹp ở vùng hầu họng
Ngáy ngủ là dấu hiệu của bệnh gì?
Ngáy ngủ thường liên quan tới một tình trạng rối loạn giấc ngủ gọi là hội chứng ngưng thở khi ngủ. Không phải tất cả những trường hợp ngáy ngủ đều có hội chứng này, nhưng nếu ngáy ngủ có kèm theo bất kỳ triệu chứng nào dưới đây thì bạn cần theo dõi rất kỹ và có thể cần cần gặp bác sĩ:
Các dấu hiệu ban ngày:
- Mệt mỏi vào buổi sáng khi ngủ dậy.
- Thay đổi tính tình, dễ nổi cáu, dễ bị kích thích, trầm uất.
- Buồn ngủ quá mức.
- Suy nhược thần kinh.
- Đau đầu vào buổi sáng.
- Rối loạn sự tập trung và trí nhớ.
- Giảm hoạt động tâm lý-vận động.
- Trẻ em thì tăng hoạt động, chậm nhận thức, chậm hiểu.
- Tăng huyết áp động mạch.
Buồn ngủ quá mức hoặc mệt mỏi sau khi ngủ dậy là dấu hiệu ngưng thở khi ngủ ở người ngủ ngáy
Các dấu hiệu ban đêm:
- Ngủ ngáy (chiếm trên 80 % số người bệnh).
- Cơn ngừng thở.
- Thường tỉnh giấc vì cảm giác ngạt thở.
- Tiểu đêm.
- Rối loạn tình dục, thường là giảm ham muốn tình dục.
- Loạn nhịp tim.
- Ra mồ hôi đêm.
Các yếu tố nguy cơ của hội chứng ngưng thở khi ngủ:
- Quá cân và béo phì: 77% bệnh nhân béo phì có OSAS
- Giới tính thường là nam giới.
- Ngoài 35 tuổi.
- Thói quen hút thuốc, uống rượu.
- Dùng thuốc an thần.
- Thời kỳ mãn kinh.
Hậu quả của hội chứng ngưng thở khi ngủ
Với chuyển hóa
- Tăng sự đề kháng với Insulin, gây bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh đái tháo đường typ II
- Rối loạn chuyển hóa (tăng mỡ máu,..)
- Tăng cân
- Tiểu đêm
- Rối loạn tình dục
Với tim – mạch
- Tăng huyết áp
- Rối loạn nhịp tim
- Tai biến mạch máu não
- Nhồi máu cơ tim
- Suy tim
Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn tới tăng huyết áp và bệnh tim mạch
Với nhân cách
- Rối loạn nhận thức, hay quên
- Dễ bị kích thích
- Khó tập trung
- Già hóa sớm trước tuổi
- Trầm cảm
Những hậu quả khác
- Buồn ngủ quá mức ban ngày
- Tai nạn liên quan đến sự mệt mỏi
- Đau đầu
Điều trị ngủ ngáy thông thường
Để điều trị ngủ ngáy, trước hết bạn cần thực hiện một số biện pháp thay đổi lối sống, bao gồm:
- Giảm cân
- Tránh uống đồ uống chứa cồn trước khi đi ngủ
- Điều trị ngạt mũi
- Tránh để tình trạng thiếu ngủ kéo dài
- Tránh nằm ngửa khi ngủ
Điều trị ngủ ngáy kèm hội chứng ngưng thở khi ngủ
- Dụng cụ đặt miệng: Đây là một thiết bị đặt vừa vào răng miệng nhằm nâng đỡ cằm, lưỡi và mô mềm vòm họng giúp luồng không khí được mở lưu thông.
- Máy thở áp lực dương liên tục: Với phương pháp này, bạn đẹo một chiếc mặt nạ thở và mũi, miệng khi đi ngủ. Mặt nạ được kết nối trực tiếp với bộ phận tạo ra dòng khí (được làm ấm và ẩm) cung cấp liên tục. Như vậy, người bệnh không còn lo về cơn ngưng thở khi ngủ.
Máy thở áp lực dương liên tục
- Phẫu thuật đường thông khí trên: Đây là biện pháp cuối cùng nếu những phương pháp trên không hiệu quả.
DS Phạm Hảo
Tài liệu tham khảo.
- “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng”, Ban hành kèm theo Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015
- “Snoring”. Mayo Clinic. December 22, 2017