Chế độ ăn hợp lý rất quan trọng với người bị ung thư, giúp tăng cường miễn dịch và hạn chế các tác dụng không mong muốn trong quá trình điều trị. Vậy, người bị ung thư nên ăn uống như thế nào?
Điều trị ung thư ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống như thế nào?
Các phương pháp điều trị như hóa trị và một số hình thức xạ trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, bao gồm:
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Không muốn ăn
- Mệt mỏi, kiệt sức
- Mất mùi vị
- Buồn nôn và nôn mửa
- Giảm cân
Các phương pháp điều trị ung thư có thể giảm cảm giác thèm ăn
Điều trị ung thư vú và ung thư máu thường liên quan đến steroid. Steroid có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và làm tăng lượng đường trong máu, có thể dẫn đến kháng insulin và tăng cân. Vì vậy, thay vì giảm cân, người bệnh có thể tăng cân khá nhiều khi kết hợp thuốc và lối sống ít vận động hơn trong quá trình điều trị ung thư.
Một số người cũng áp dụng liệu pháp hormone sau khi hóa trị ung thư vú hoặc ung thư nội mạc tử cung. Thuốc ức chế sản xuất estrogen – một loại hormone đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất có thể khiến người bệnh bị tăng cân do quá trình trao đổi chất chậm lại.
Những người mắc bệnh ung thư tuyến tụy thường khó duy trì cân nặng. Vì tuyến tụy không hoạt động như bình thường nên chúng có thể không thể tiêu hóa thức ăn một cách bình thường. Điều này có thể dẫn đến giảm cân hoặc suy dinh dưỡng.
Tại sao chế độ ăn uống lại quan trọng trong quá trình điều trị ung thư?
Vì điều trị ung thư có thể dẫn đến biến động về sự thèm ăn và trọng lượng cơ thể, nên điều quan trọng là phải chú ý đến chế độ ăn uống của bệnh nhân. Ngoài việc giúp duy trì cân nặng hợp lý, ăn một chế độ ăn uống cân bằng trong quá trình hóa trị hoặc xạ trị có thể:
- Giúp giảm các tác dụng phụ của điều trị
- Tăng năng lượng
- Tăng trương lực cơ
- Bảo tồn chức năng miễn dịch
- Giảm viêm
Nên ăn gì trong quá trình điều trị ung thư?
Bệnh nhân ung thư nên ăn thực phẩm giàu protein, chất béo lành mạnh, ngũ cốc nguyên hạt, vitamin và khoáng chất. Nếu có thể, hãy thực hiện những điều chỉnh chế độ ăn uống sau đây trước khi bắt đầu điều trị ung thư để khỏe mạnh hơn khi điều trị:
Protein thực vật
Một trong những loại thực phẩm tốt nhất để ăn trong quá trình hóa trị hoặc các phương pháp điều trị ung thư khác là protein có nguồn gốc thực vật do chúng cung cấp hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào. Do đó bệnh nhân ung thư nên ăn nhiều rau cũng như các loại đậu, các loại hạt. Nếu ăn protein động vật, hãy chọn các loại nạc như thịt gà hoặc cá.
Chất béo lành mạnh
Chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa cũng có lợi cho sức khỏe. Bơ, dầu ô liu, dầu hạt dẻ và quả óc chó đều chứa nhiều axit béo omega-3, giúp chống lại chứng viêm và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Carbs tốt cho sức khỏe
Khi chọn carbohydrate, hãy chọn thực phẩm được chế biến tối thiểu, như lúa mì nguyên cám và yến mạch. Chúng có chất xơ hòa tan, giúp duy trì lợi khuẩn đường ruột. Chất xơ hòa tan cũng thúc đẩy sản xuất axit béo chuỗi ngắn, giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất đến sửa chữa tế bào.
Vitamin và các khoáng chất
Các vitamin và khoáng chất giúp ích cho các phản ứng enzym của cơ thể chúng ta, đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường chức năng miễn dịch và giảm viêm.
Các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Do đó, người bệnh ung thư nên xây dựng chế độ ăn uống có nhiều loại rau củ quả tươi. Tuy nhiên, nên rửa sạch, chế biến chín kỹ, tránh thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… gây hại cho sức khỏe.
Những thực phẩm cần tránh trong quá trình điều trị ung thư
Những người bị ung thư thường có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, vì vậy hãy cân nhắc bỏ qua các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm:
- Cá sống hoặc nấu chín nhẹ như sushi
- Trứng nấu chưa chín kỹ hoặc thực phẩm có trứng sống, chẳng hạn như sốt mayonnaise tự làm
- Phô mai và các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng
- Trái cây hoặc rau chưa rửa
Mỗi loại thực phẩm sẽ có đặc tính riêng, do đó tùy thuộc vào loại ung thư đang điều trị và các tác dụng phụ gặp phải, chế độ ăn nên được xây dựng một cách đa dạng giúp bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể tăng cường khả năng chống lại các tế bào ác tính này.
DS. Phan Hiền