công dụng của quả mận

Khám phá những công dụng tuyệt vời của quả mận

Không chỉ có vị chua ngọt, giòn dễ ăn mà quả mận còn có nhiều lợi ích sức khỏe. Mận đang vào mùa, cùng khám phá những lợi ích mà loại quả này mang lại.

 

 

 

Quả mận có nhiều lợi ích sức khỏe

Đặc điểm của cây mận

Quả mận còn gọi là mận Bắc (để phân biệt với quả mận miền Nam – loại quả người miền Bắc gọi là roi).

Cây mận Bắc có tên khoa học là Prunus salicina, thuộc chi Mận mơ, là một loài cây rụng lá nhỏ, được trồng nhiều ở miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc. Cây mận cũng được trồng ở Triều Tiên, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc.

Ở nước ta, cây mận được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Bắc Cạn, Bắc Giang…

Cây mận có thể cao đến 10 mét, các lá dài từ 6-12 cm, rộng 2,5-5 cm, cạnh lá có răng cưa. Hoa mận nở vào đầu xuân, có đường kính 2 cm với 5 cánh hoa màu trắng.

Quả mận là loại quả hạch, kích cỡ to nhỏ tùy giống. Quả mận Bắc thường có kích cỡ nhỏ hơn so với giống mận châu Âu. Màu sắc của quả mận cũng khác nhau tùy giống, từ đỏ tươi, đỏ thẫm, tím, vàng hoặc màu xanh như giống mận hậu.

Mùa mận bắt đầu từ khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 và chín rộ vào khoảng tháng 5. Tuy nhiên, một số giống mận khác chín muộn hơn, thậm chí nhiều nơi còn có mận trái mùa.

Nhìn chung, thời gian mận chín tùy thuộc vào từng giống cây, cũng như điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng miền nơi cây sinh trưởng và phát triển.

công dụng của quả mận
Cây mận Bắc được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi

Thành phần của quả mận

Theo phân tích của y học hiện đại, một quả mận cỡ trung bình chứa 82% nước; 3,9% gluxit; 1,3g axit hữu cơ; 28mg canxi; 20mg phosphor; 0,3mg caroten. Ngoài ra, mận cũng chứa nhiều axit amin khác như asparagin, glutamine, glycine, serin, alanin…

Tính vị, công năng của quả mận

Theo y học cổ truyền, quả mận còn có tên gọi là lý tử, lý thực. Mận có vị chua ngọt, tính bình, quy vào hai kinh can, thận. Tác dụng thanh can, điều nhiệt, giải độc, hoạt huyết, sinh tân, chỉ khát, lợi thủy. Trị các chứng hư lao, nóng trong xương (cốt chưng, chiều nhiệt), chữa đái tháo đường (tiêu khát), bụng tích nước, bệnh gan, thủy thũng.

Cuốn Tuyền Châu bản thảo có viết: “Lý tử thanh thấp nhiệt, giải tà độc, lợi tiểu tiện, giảm khát…”.

Ngoài quả mận, lá, hạt và rễ của cây mận cũng được dùng để làm thuốc.

công dụng của quả mận
Không chỉ ăn ngon, quả mận còn có nhiều công dụng tốt với sức khỏe

Công dụng của quả mận

Mận là loại quả giải khát, giải độc, có thể làm giảm đau nhức xương khớp, có lợi cho hệ tiêu hóa, bảo vệ tim mạch, giảm cân, cải thiện thị lực…

Quả mận chín có thể ăn sống, làm ô mai, ngâm hoặc ép lấy nước uống.

Một số món ăn bài thuốc từ quả mận được nhiều người áp dụng:

Giải khát, nhuận tràng

Làm siro mận từ 1kg mận, 800g đường cát và 3 thìa cà phê muối. Mận rửa sạch, ngâm muối, để ráo rồi cắt miếng, bỏ hạt đi. Cho mận vào bình thủy tinh, rải đều ướp cùng đường. Ướp khoảng 8 tiếng sau đó cho mận vào nồi nấu lửa liu riu, khi đường tan hết, phần siro hơi sệt thì tắt bếp.

Cất trữ siro trong bình hoặc hộp thủy tinh. Khi dùng, lấy 1-2 thìa siro mận pha với cốc nước lọc, có thể thêm đường tùy khẩu vị.

Nước mận giúp giải khát trong mùa nắng nóng và nhuận tràng, tốt cho hệ tiêu hóa.

công dụng của quả mận
Siro mận giúp giải khát, tốt cho hệ tiêu hóa

Chữa khô miệng

Dùng 5-10 quả mận tươi, ép lấy nước cốt. Dùng nước ép mận tươi pha với nước lọc uống sẽ giúp giải khát, hết khô miệng.

Chữa ho, viêm họng

Ngâm mận với muối, cứ một lớp mận lại một lớp muối, cho thêm một ít nước đun sôi để nguội rồi nén nặng. Đợi vài ngày rồi đảo đều. Sau đó, ngâm mận muối vào nước ấm cho bớt mặn, rồi vớt ra để ráo. Ướp mận với đường, 1kg mận ướp với 20g đường. Rim nhỏ lửa cho đến khi cạn hết nước đường. Khi mận nguội thì trộn với gừng khô giã nhỏ, bột cam thảo.

Ngậm quả mận này giúp trị ho, viêm họng, khản tiếng rất tốt.

công dụng của quả mận
Mận gừng giúp trị ho, viêm họng

Làm đẹp da

Sử dụng 200g quả mận tươi, rửa sạch, bỏ hạt, ép lấy nước sau đó hoà với 200ml rượu gạo. Cất rượu mận trong bình thủy tinh kín. Mỗi lần uống 10-20 ml.

Ngoài ra, có thể bôi trực tiếp nước ép mận tươi lên da cũng giúp da mịn màng hơn.

Những ai không nên ăn nhiều mận?

Đây là loại quả tuy ngon và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn nhiều mận. Bởi, ăn nhiều mận sẽ sinh nóng bụng, hại răng, nổi mụn.

Ngoài ra, một số đối tượng sau cũng nên hạn chế mận:

Người bị bệnh thận

Mận có chứa nhiều oxalate. Ăn nhiều thì chất này có thể gây cản trở hấp thụ canxi trong cơ thể, dẫn đến kết tủa trong thận, hình thành sỏi thận, sỏi bàng quang.

Người có men răng kém

Vị chua của mận là do hàm lượng axit khá cao. Nếu ăn nhiều, axit có thể phá hủy men răng.

Người có cơ địa nhiệt, nóng

Ăn nhiều mận sẽ có hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, nổi mụn.

Người bị đau dạ dày

Mận chứa hàm lượng axit cao, dễ dẫn đến tăng lượng axit trong dạ dày, làm tổn thương niêm mạc dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Do vậy, người bị đau dạ dày cũng nên hạn chế loại quả này.

Vân Anh

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y