Cả cảm lạnh, viêm amidan và viêm họng liên cầu khuẩn đều có triệu chứng chung là đau họng. Xác định đúng bệnh sẽ tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất
Đau họng thường là dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh. Tuy nhiên, đau họng cũng có thể do các nguyên nhân khác, phổ biết nhất là viêm amidan, viêm họng liên cầu khuẩn. Ngoài triệu chứng đau họng, cần dựa trên các biểu hiện khác để xác định đúng bệnh và điều trị phù hợp.
1. Đau họng do cảm lạnh
Nguyên nhân phổ biến nhất gây cảm lạnh là do virus. Thông thường, virus sẽ tấn công niêm mạc đường hô hấp trên (mũi và cổ họng), dẫn đến các triệu chứng tại mũi và họng.
Các triệu chứng kèm theo
- Đau họng do cảm lạnh thường kèm theo một số triệu chứng như:
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mũi
- Hắt hơi
- Mệt mỏi
- Sốt nhẹ
Điều trị đau họng do cảm lạnh
Không có thuốc điều trị triệt để cho bệnh cảm lạnh. Việc điều trị nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn virus phát triển thêm.
Để điều trị cảm lạnh, có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt như acetaminophen và ibuprofen và naproxen, để hạ sốt, giảm đau họng và đau mỏi cơ thể.
- Không nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị đau họng do virus. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng chống lại vi khuẩn.
- Dùng thuốc xịt thông mũi để giảm nghẹt mũi và ho. Lưu ý chỉ nên sử dụng xịt thông mũi 3-5 ngày, tránh dùng dài ngày vì sẽ gây phản tác dụng, nghĩa là mũi sẽ tiết nhiều dịch nhầy hơn và tình trạng nghẹt mũi tồi tệ hơn.
- Dùng dung dịch xịt họng thảo dược để làm dịu cổ họng, giảm đau cổ họng.
- Có thể dùng thuốc giảm ho không kê đơn như thuốc dextromethorphan, nếu cơn ho gây cản trở việc ngủ và nói. Nếu không, thì không nên uống thuốc ho. Vì ho là cơ chế loại bỏ dịch nhầy và vi trùng ra khỏi cổ họng và phổi.
- Nên súc họng bằng nước muối ấm thường xuyên để sát khuẩn họng.
- Nên uống nhiều nước ấm để làm loãng dịch nhầy, tránh bị khô họng, khô mũi.
- Nên ăn uống lành mạnh, bổ sung vitamin và khoáng chất như vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, kẽm, đồng. Cả vitamin C và kẽm đều cần thiết cho việc sản xuất bạch cầu trung tính chống nhiễm trùng. Kẽm có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh, đặc biệt là ở người lớn nếu được dùng trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
- Có thể dùng tinh dầu để chống virus, giảm nghẹt mũi như tinh dầu khuynh diệp, bạc hà.
2. Đau họng do viêm amidan
Amidan là hai hạch bạch huyết nằm ở hai bên của cổ họng, có nhiệm vụ ngăn ngừa nhiễm trùng và bảo vệ cơ quan hô hấp dưới. Viêm amidan thường là do virus, vi khuẩn gây ra. Các triệu chứng viêm amidan khác với đau họng do cảm lạnh và viêm họng liên cầu khuẩn.
Các triệu chứng kèm theo:
- Khó nuốt, nuốt đau
- Amidan bị sưng, có những chấm màu đỏ hoặc trắng
- Hôi miệng
- Sốt
- Giọng nói thay đổi vì cổ họng sưng tấy
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
Điều trị đau họng do viêm amidan
Nếu viêm amidan do vi khuẩn thì cần dùng thuốc kháng sinh.
Nếu viêm amidan do virus, thì không cần dùng thuốc kháng sinh. Việc điều trị viêm amidan do virus cũng tương tự như điều trị cảm lạnh, gồm:
- Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt nếu sốt cao hơn 38,5 độ C, họng đau nhức.
- Dùng dung dịch xịt họng thảo dược để giảm đau họng và giảm viêm amidan.
- Súc họng bằng nước muối nhiều lần trong ngày để sát khuẩn họng.
- Uống nhiều nước ấm, ăn uống lành mạnh, ưu tiên thức ăn loãng và mềm.
Lưu ý: Nếu tình trạng viêm amidan tái phát nhiều lần, hoặc nếu viêm amidan cản trở giấc ngủ và hô hấp, có thể cần phải phẫu thuật cắt bỏ amidan.
3. Đau họng do viêm họng liên cầu khuẩn
Viêm họng liên cầu khuẩn do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm khi tiếp xúc với nước bọt hoặc nước mũi của người bệnh. Viêm họng liên cầu khuẩn có thể xảy ra ở mọi người, nhưng phổ biến hơn ở trẻ từ 5-15 tuổi.
Các triệu chứng viêm họng liên cầu khuẩn
- Đau họng đột ngột
- Nuốt đau
- Có đốm trắng ở vùng cổ họng
- Sốt cao
- Sưng hạch bạch huyết
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn từ dịch họng (dùng tăm bông ngoáy họng của bệnh nhân). Nếu kết quả dương tính, có nghĩa là người bệnh bị viêm họng do liên cầu khuẩn. Nếu kết quả âm tính, thì viêm họng là do nguyên nhân khác như nhiễm virus.
Biến chứng của viêm họng liên cầu khuẩn
Liên cầu khuẩn không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến các biến chứng như: viêm xoang, viêm amidan, sốt thấp khớp (có thể gây hại cho tim, não và khớp), vấn đề về thận…
Vì vậy, cần phải nhận biết bệnh và điều trị sớm. Nếu được điều trị đúng, viêm họng liên cầu khuẩn sẽ khỏi trong khoảng 10 ngày.
Điều trị viêm họng liên cầu khuẩn
Các bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh penicillin hoặc amoxicillin để điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn. Trẻ em hoặc người lớn bị dị ứng với penicillin có thể dùng một trong những loại thuốc kháng sinh khác: azithromycin, cephalosporin, clarithromycin, clindamycin. Lưu ý, cần phải dùng hết liệu trình thuốc kháng sinh để tránh vi khuẩn kháng thuốc, gây ra nhiều hệ lụy trong tương lai.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt và giảm đau họng.
- Dùng dung dịch xịt họng thảo dược để làm giảm đau họng, giảm ho.
- Súc miệng bằng nước muối nhiều lần trong ngày để sát khuẩn họng.
- Uống nhiều nước ấm để làm dịu cổ họng. Tuy nhiên, nên tránh uống nước cam, nước chanh và các thức uống khác có nhiều axit bởi chúng có thể làm bỏng cổ họng.
- Ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi nhiều hơn để cơ thể nhanh chóng phục hồi.
Lưu ý: Khi đã dùng hết đợt thuốc kháng sinh và áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà mà các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, thì nên đi khám lại để được thay đổi thuốc hoặc áp dụng các biện pháp điều trị khác, tránh để lâu dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Vân Anh