Viêm họng hạt mạn tính là căn bệnh đeo bám dai dẳng, khó điều trị dứt điểm và có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc và học tập. Để điều trị viêm họng hạt mạn tính, ngăn ngừa tái phát, cần loại bỏ tình trạng viêm nhiễm, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, đồng thời kết hợp điều trị bổ sung…
Viêm họng hạt mạn tính là gì?
Ở cơ thể con người, họng chính là nơi giao thoa giữa thực quản và khí quản, giữa không khí, thức ăn và nước uống. Đây chính là môi trường tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công cơ thể một cách dễ dàng gây ra các bệnh lý về mũi họng.
Viêm họng hạt mạn tính là tình trạng bị viêm nhiễm tại vùng họng là nơi chứa rất nhiều tế bào lympho với nhiệm vụ diệt vi sinh vật. Khi bị viêm kéo dài, các tế bào lympho này phải làm việc liên tục trong một thời gian dài và ngày càng phình to ra, trở thành các hạt. Các hạt này to bằng đầu đinh ghim nhưng cũng có thể to bằng hạt đậu, hạt ngô gây nuốt vướng, ngứa họng, lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày rất khó chịu.
Nguyên nhân gây bệnh viêm họng hạt mạn tính
Viêm họng hạt có thể do vi khuẩn, virus, nấm gây ra. Nguyên nhân thường gặp là do viêm mũi xoang mạn tính làm dịch chảy từ các xoang xuống thành sau họng khiến niêm mạc tại đây bị lớp chất nhầy bao phủ, không thực hiện được chức năng làm sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập dẫn đến viêm và xuất hiện hạt ở thành sau họng.
Viêm amidan mạn tính, dù bệnh nhân có điều trị bằng cách phẫu thuật thì viêm họng hạt vẫn có thể xuất hiện, thậm chí nhiều hơn do các lympho ở thành sau họng sẽ phát triển để bù đắp vào phần đã bị cắt bỏ.
Ngoài ra, vệ sinh kém, làm việc trong môi trường ô nhiễm, các hóa chất độc hại, khói thuốc lá, bị trào ngược dạ dày, suy gan… cũng làm tăng nguy cơ viêm họng hạt.
Tại sao viêm họng hạt mạn tính khó điều trị dứt điểm?
Việc điều trị viêm họng hạt thường là đốt các hạt bằng hóa chất hay đốt điện khó giải quyết dứt điểm do mỗi lần đốt chỉ được những hạt to. Hơn nữa, việc đốt lại kích thích vùng niêm mạc xung quanh đó cũng như các hạt nằm trên vùng niêm mạc có thể phát triển nhanh hơn.
Nếu chỉ đốt hạt đơn thuần mà không loại bỏ tình trạng viêm nhiễm thì không thể điều trị dứt điểm viêm họng hạt, ngược lại khiến bệnh tái phát nhiều lần, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Do đó muốn điều trị viêm họng hạt triệt để cần kết hợp bảo vệ bên ngoài và phục hồi bên trong.
Cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả viêm họng hạt mạn tính
Biện pháp điều trị viêm họng hạt hiệu quả
Để điều trị dứt điểm bệnh viêm họng hạt mạn tính thì cần phải giảm thiểu tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh, xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh và loại bỏ được nguyên nhân đó. Trong trường hợp bệnh viêm họng hạt do các nguyên nhân như viêm xoang, viêm amidan, trào ngược dạ dày thì cần phải điều trị triệt để các bệnh này. Các phương pháp điều trị có thể áp dụng như sau:
Điều trị bằng thuốc
Thường là thuốc kháng sinh, kháng viêm, chống phù nề và long đờm. Việc dùng thuốc thế nào sẽ phụ thuộc vào bác sĩ điều trị.
Điều trị bằng biện pháp đốt họng hạt
Đốt họng hạt là phương án sau cùng thường được áp dụng cho trường hợp viêm họng hạt mạn tính có hạt to và tình trạng viêm nhiễm nặng, người bệnh cảm thấy rất khó chịu và mệt mỏi.
Đốt họng hạt là một thủ thuật nhằm làm tiêu các hạt viêm ở thành sau họng. Chỉ định đốt họng hạt hay không cần được bác sĩ chuyên môn cân nhắc kỹ về lợi ích và tác hại đối với bệnh nhân.
Các biện pháp hỗ trợ
Người bệnh nên kết hợp ăn uống, sinh hoạt khoa học, bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giúp nhanh hồi phục sức khỏe.
Trong trường hợp bị ngứa họng, đau họng, người bệnh có thể uống nước chanh mật ong ấm để làm dịu cổ họng, súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên.
Phòng ngừa viêm họng hạt
- Vệ sinh răng miệng sạch: Đánh răng 2 lần/ngày, súc miệng bằng nước muối sinh lý sẽ giúp phòng ngừa viêm họng, đau họng.
- Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ: như khói bụi, hóa chất độc hại, thuốc lá. Bên cạnh đó cũng cần bảo vệ mũi họng khỏi những tác nhân gây bệnh bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, thỉnh thoảng xịt mũi để làm sạch bụi bẩn.
- Nên ăn uống đầy đủ, sinh hoạt điều độ: để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tránh những tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus…