Nhận biết 7 phương pháp khắc phục tại nhà đối với chứng khó thở

Chứng khó thở hay hụt hơi là tình trạng gặp khó khăn trong việc hít đủ không khí để thở. Khó thở có thể diễn ra trong thời gian ngắn hoặc kéo dài. Tìm hiểu các cách khắc phục hiệu quả tại nhà.

chứng khó thở
Khó thở khiến người bệnh khó có thể hoạt động được bình thường

Khó thở là gì?

Khó thở hay hụt hơi là một tình trạng khó chịu khiến cho không khí khó đưa vào phổi để hô hấp bình thường. Tuy nhiên đây là một cảm giác chủ quan không thể đo lường được. Chỉ có bác sĩ mới có thể xác định được tình trạng khó thở thông qua đo độ oxy trong máu.

Nếu mức oxy trong máu thấp quá ngưỡng tiêu chuẩn nghĩa là bạn đã không hít đủ oxy và nó không lưu thông tới các tế bào hồng cầu. Biến chứng có thể nguy hiểm tới tính mạng đặc biệt nếu nồng độ oxy trong máu xuống quá thấp.

Một số người có thể bị khó thở đột ngột chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, có những người có thể bị khó thở kéo dài tới vài tuần hoặc lâu hơn.

Hầu hết trường hợp khó thở đều xuất phát từ bệnh tim hoặc bệnh phổi. Tim và phổi tham gia vận chuyển oxy đến các mô và loại bỏ CO2. Khi một trong hai quá trình này bị ảnh hưởng đều khiến hơi thở gặp vấn đề.

Nguyên nhân dẫn tới khó thở

chứng khó thở
Tập luyện thể thao cường độ cao cũng có thể gây ra khó thở trong thời gian ngắn

Khó thở xảy ra đột ngột (cấp tính) có thể do một số nguyên nhân dưới đây:

  • Sốc phản vệ
  • Lên cơn hen suyễn
  • Ngộ độc khí CO
  • Chèn ép tim (có chất lỏng dư thừa xung quanh tim)
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có các triệu chứng xấu đi
  • Nhiễm vi rút Covid-19
  • Đau tim
  • Rối loạn nhịp tim
  • Suy tim
  • Viêm phổi và các dạng bệnh nhiễm trùng phổi khác
  • Tràn khí màng phổi (phổi xẹp)
  • Thuyên tắc phổi (xuất hiện cục máu đông trong động mạch phổi)
  • Mất máu đột ngột
  • Tắc nghẽn đường hô hấp trên (tắc nghẽn đường thở)

Trường hợp khó thở kéo dài hàng tuần hoặc lâu hơn (mãn tính) thường là do:

  • Bị hen suyễn
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính với các triệu chứng xấu đi
  • Rối loạn chức năng tim
  • Bị bệnh phổi kẽ
  • Béo phì
  • Tràn dịch màng phổi (chất lỏng tích tụ xung quanh phổi)

Một số tình trạng bệnh cũng dẫn đến khó thở bao gồm:

Bệnh về phổi:

  • Ung thư phổi
  • Viêm màng phổi
  • Phù phổi (Chất lỏng dư thừa trong phổi)
  • Xơ phổi
  • Tăng huyết áp động mạch phổi
  • Lao phổi

Bệnh về tim:

  • Bệnh cơ tim
  • Suy tim
  • Viêm màng ngoài tim

Khi phát hiện mình đang gặp khó khăn trong việc hít thở thì nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp. Bởi nếu các vấn đề về hô hấp không được khắc phục kịp thời, có thể dẫn tới nồng độ oxy trong máu giảm thấp. Hệ quả có thể trở thành trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng.

7 Cách khắc phục khó thở ngay tại nhà

chứng khó thở
Luyện một số phương pháp tại nhà có thể giúp giảm khó thở

Nếu bạn đã biết mình bị khó thở nguyên nhân do đâu, có thể không cần phải cấp cứu mà có thể tự khắc phục tại nhà. Có thể áp dụng các cách sau:

1. Thở sâu

Thở sâu bằng bụng có thể phần nào giúp kiểm soát được chứng khó thở. Để thở sâu tại nhà, bạn hãy thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Nằm xuống và đặt tay lên bụng
  • Bước 2: Hít sâu bằng mũi, thả lỏng bụng và để phổi tràn đầy không khí
  • Bước 3: Giữ hơi thở trong vài giây
  • Bước 4: Thở ra từ từ bằng miệng để làm rỗng phổi

Những người hay bị khó thở nên kiên trì thực hiện bài tập thở sâu vài lần mỗi ngày hoặc thở theo cách này để giữ hơi tốt hơn. Thở chậm, sâu sẽ tốt hơn thở nhanh.

Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh hô hấp có tính chất nguy hiểm dẫn tới khó thở thì nên tập thở sâu với sự hướng dẫn của bác sĩ. Bởi nếu thở không đúng cách có thể dẫn tới căng thẳng quá mức khi thở khiến cho luồng không khí lưu thông trong cơ thể bị hạn chế.

2. Thở mím môi

chứng khó thở
Thở mím môi rất hiệu quả đối với các trường hợp khó thở do lo lắng quá mức

Bài tập thở mím môi cũng có thể giúp giảm khó thở hiệu quả. Đây là cách giúp làm chậm nhịp thở, rất hữu ích đối với các trường hợp khó thở là do quá lo lắng gây nên.

Các bước áp dụng cách tập thở mím môi:

  • Bước 1: Ngồi thẳng lên ghế, vai thả lỏng
  • Bước 2: Mím môi lại, giữ một khoảng cách nhỏ giữa hai môi
  • Bước 3: Hít vào bằng mũi trong vài giây
  • Bước 4: Nhẹ nhàng thở ra qua đôi môi đang mím lại khi đếm đến bốn

Lặp lại cách thở mím môi một vài lần bất cứ khi nào cảm thấy khó thở, bạn có thể lặp lại bài thở này cho tới khi cảm thấy khá hơn.

3. Thư giãn để lấy lại hơi thở

Khi cảm thấy chứng khó thở, bạn hãy tìm vị trí thoải mái để có thể được hỗ trợ đứng hoặc nằm thư giãn cơ thể và lấy lại hơi thở. Nếu như bị khó thở xuất phát từ việc bị lo lắng hoặc làm việc quá sức thì cách này đặc biệt hữu ích. Một số tư thế sẽ giúp làm giảm áp lực lên đường thở và cải thiện hơi thở như sau:

  • Ngồi hướng về phía trước ghế, tốt nhất là dùng bàn để đỡ đầu
  • Dựa lưng vào tường
  • Đứng với hai tay đỡ trên bàn, để giảm bớt trọng lượng xuống chân
  • Nằm nhưng phần đầu và đầu gối có kê gối cao để dễ thở hơn.

4. Sử dụng quạt cầm tay

Một nghiên cứu từ năm 2010 cho thấy dùng quạt cầm tay thổi không khí qua mũi và mặt có thể giúp giảm cảm giác khó thở.

Khi cảm nhận được lực của không khí khi hít vào có thể khiến bạn cảm giác như có nhiều không khí hơn đi vào cơ thể. Do vậy, biện pháp này giúp khắc phục cảm giác khó thở hiệu quả.

Tuy nhiên, việc sử dụng quạt có thể không cải thiện các triệu chứng xảy ra do bệnh lý tiềm ẩn.

5. Hít hơi nước

chứng khó thở
Hơi nước ấm sẽ giúp làm thông thoáng đường thở

Hít hơi nước có thể giúp làm thông thoáng mũi để dễ thở hơn. Nhiệt độ và độ ẩm từ hơi nước cũng giúp loại bỏ chất nhầy trong phổi giúp làm giảm khó thở hơn.

Khi muốn xông hơi tại nhà, bạn có thể chuẩn bị:

  • Đổ đầy một bát nước nóng già
  • Thêm một vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc dầu khuynh điệp
  • Nhìn xuống bát và trùm một chiếc khăn lên đầu
  • Hít thở sâu trong hơi nước ấm

Chú ý, bạn nên để nước sôi nguội bớt nếu vừa đun để tránh nguy cơ làm bỏng da mặt.

6. Thêm gừng tươi vào thức ăn

Bổ sung gừng tươi vào món ăn hoặc uống nước trà gừng có thể giúp giảm khó thở do chứng nhiễm trùng đường hô hấp.

Một nghiên cứu cho rằng gừng có hiệu quả trong việc chống lại một số loại vi khuẩn và vi rút tấn công đường hô hấp.

7. Thay đổi lối sống để phòng ngừa khó thở

Trường hợp những người thường xuyên gặp phải khó thở do tình trạng bệnh lý, thì nên thay đổi một số thói quen để tránh kích hoạt tình trạng này. Cụ thể:

  • Giảm cân, nếu béo phì là nguyên nhân gây ra các vấn đề về hô hấp
  • Tập thể dục, để cải thiện sức khỏe tổng thể
  • Bỏ hút thuốc hoặc tránh khói thuốc lá thụ động
  • Tránh chất dị ứng và chất ô nhiễm
  • Theo sát kế hoạch điều trị nếu bạn đang mắc bệnh về tim hoặc phổi.

Phương pháp điều trị khó thở do nguyên nhân bệnh học

chứng khó thở
Với người bị khó thở do vấn đề sức khỏe thì có thể cần điều trị bằng thuốc và trị liệu

Đối với người thường xuyên khó thở thì việc tìm ra vấn đề sức khỏe tiềm ẩn gây ra triệu chứng này là rất quan trọng để giải quyết triệt để vấn đề. Một số phương pháp điều trị cần có hướng dẫn của bác sĩ bao gồm:

Thuốc trị khó thở

Một số loại thuốc điều trị khó thở bao gồm:

  • Thuốc hít giúp mở đường thở
  • Thuốc điều trị các bệnh cụ thể
  • Thuốc hoặc siro giúp làm giảm đờm và làm sạch phổi
  • Thuốc kiểm soát dị ứng
  • Thuốc điều trị bệnh tim

Phục hồi chức năng phổi

Một số người bị bệnh phổi sẽ cải thiện tình trạng khó thở nếu được trị liệu bằng cách phục hồi chức năng phổi. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách kiểm soát chứng khó thở. Họ sẽ tư vấn về các lựa chọn như các bài tập thể dục, bỏ thuốc lá.

Phục hồi chức năng phổi cũng sẽ giúp kiểm soát hơi thở và có thể cải thiện sức khỏe tổng thể cũng như chất lượng sống cho người bệnh.

Thở bình oxy

Những người có vấn đề nghiêm trọng về hô hấp có thể cần phải thở oxy. Người bệnh có thể thở bình oxy trong bệnh viện, tuy nhiên trường hợp chứng khó thở mãn tính do mắc bệnh thì có thể cần thở bình oxy tại nhà. Tuy nhiên, thở bình oxy cần có sự hướng dẫn và kiểm soát của bác sĩ và các chuyên gia y tế.

Đào Tâm