Gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng tích tụ chất béo (mỡ) trong tế bào gan mà không phải nguyên nhân do rượu. Ở những giai đoạn sớm, bệnh có thể không gây hại. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển gây nên những tổn thương gan nghiêm trọng, bao gồm cả xơ gan nếu không được điều trị phù hợp.
Gan bình thường có thể chứa một lượng nhỏ chất béo. Tuy nhiên, nếu lượng này lớn hơn 5% trọng lượng lá gan, khi đó được gọi là gan nhiễm mỡ. Khi lượng mỡ trong gan cao, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý các như: đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc bệnh thận.
Gan nhiễm mỡ không do rượu có những giai đoạn nào?
Gan nhiễm mỡ không do rượu phát triển qua 4 giai đoạn chính. Hầu hết những người mắc bệnh chỉ dừng lại ở giai đoạn 1 mà không tiến triển thêm.
Tại Việt Nam, hình thức phân giai đoạn theo độ thường được sử dụng phổ biến. Ví dụ: Gan nhiễm mỡ độ 1, độ 2, độ 3. Đây là hình thức phân loại của Hagen-Ansert (1986) dựa trên độ hồi âm và độ hút âm gia tăng (từ kết quả siêu âm) chia gan nhiễm mỡ thành 3 mức độ:
- Độ 1: tăng nhẹ độ hồi âm lan tỏa nhu mô, mức hút âm nhỏ, xác định được cơ hoành và bờ đường tĩnh mạch trong gan.
- Độ 2: Lan tỏa độ hồi âm gia tăng và độ hút âm nên khả năng nhìn thấy bờ các tĩnh mạch trong gan và cơ hoành giảm.
- Độ 3: gia tăng độ hồi âm, tăng độ hút âm, không thấy rõ bờ đường tĩnh mạch gan và cơ hoành.
Bên cạnh đó, nếu bệnh gan nhiễm mỡ được chẩn đoán dựa trên xét nghiệm mô bệnh học, mức độ nhiễm mỡ được chia làm 3 mức:
- Mức nhẹ: tế bào gan nhiễm mỡ chiếm 5-25% tổng số tế bào trong 1 vi trường
- Mức vừa: tế bào gan nhiễm mỡ chiếm 25-50% tổng số tế bào trong 1 vi trường
- Mức nặng: tế bào gan nhiễm mỡ chiếm >50% tổng số tế bào trong 1 vi trường
Yếu tố nguy cơ bị gan nhiễm mỡ không do rượu:
- Người béo phì hoặc thừa cân, đặc biệt nếu bạn có một lượng mỡ lớn vùng bụng
- Người mắc đái tháo đường
- Người cao huyết áp
- Người bị tăng Cholesterol
- Người bị hội chứng chuyển hóa (hội chứng kết hợp: đái tháo đường, tăng huyết áp và béo phì)
- Người trên 50 tuổi
- Người hút thuốc
Tuy vậy, gan nhiễm mỡ không do rượu vẫn được phát hiện ở người không có những yếu tố nguy cơ trên, bao gồm cả đối tượng trẻ em.
Triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Những giai đoạn sớm của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường không có bất kỳ triệu chứng gì
Một số người ở giai đoạn 2 (Viêm gan nhiễm mỡ) hoặc 3 (Xơ hóa) có thể có những biểu hiện:
- Đau âm ỉ hoặc đau nhói ở hạ sườn phải
- Mệt mỏi nhiều
- Sụt cân
Nếu người bệnh ở giai đoạn 4 (xơ gan), sẽ có những biểu hiện rõ ràng và trầm trọng như: vàng da, vàng mắt, ngứa râm ran, phù cẳng cần, bàn chân, mắt cá chân hoặc chướng bụng
Điều trị gan nhiễm mỡ không do rượu
Phần lớn các trường hợp gan nhiễm mỡ không phát triển thành những biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bạn đã được chẩn đoán bệnh, bạn cần bắt đầu ngay những biện pháp cải thiện tình trạng này để phòng tránh nguy cơ tiến triển tới những giai đoạn sau
Hiện tại, không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh gan nhiễm mỡ. Điều trị cho mỗi người bệnh sẽ phụ thuộc vào các bệnh lý liên quan (tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc rối loạn lipid máu) hoặc các biến chứng.
Những biện pháp thay đổi lối sống và chế độ ăn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện tình trạng bệnh và dự phòng biến chứng:
- Giảm cân: bạn cần đặt mục tiêu chỉ số khối cơ thể (BMI) đạt từ 18.5 đến 24.9. Giảm 10% trọng lượng cơ thể sẽ giúp loại bỏ bớt lượng mỡ trong gan và cải thiện tình trạng viêm gan nhiễm mỡ nếu có
- Chế độ ăn lành mạnh: bạn cần giữ cân bằng khẩu phần trái cây, rau xanh, đạm và tinh bột trong chế độ ăn hằng ngày, đồng thời giảm thiểu lượng mỡ, đường và muối mà bạn tiêu thụ
- Luyện tập thể lực: Bạn nên duy trì mức tập luyện trung bình – mạnh 20 phút mỗi ngày. Tất cả các hình thức tập luyện đều có thể giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, đồng thời, giúp kiểm soát cân nặng của bạn
- Cắt giảm hoặc bỏ rượu: bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng không gây ra bởi rượu và các độ uống có cồn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ những thức uống này sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Tài liệu tham khảo:
1. “Non-alcoholic fatty liver disease (NAFLD)”, National Healthh Service, last reviewed: 19 November 2018
2. Uptodate: “Epidemiology, clinical features, and diagnosis of nonalcoholic fatty liver disease in adults”, last updated: Dec 17, 2019