Bệnh vẩy nến – Những triệu chứng điển hình và cách điều trị

Vẩy nến là căn bệnh tự miễn khá phổ biến trong các bệnh da liễu gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và mất thẩm mỹ. Tìm hiểu nguyên nhân và cách nhận biết bệnh vẩy nến để có hướng điều trị đúng.

Bệnh vẩy nến
Vẩy nến là bệnh da liễu tự miễn khá phổ biến

Vẩy nến là bệnh gì?

Vảy nến là căn bệnh da liễu tự miễn do các tế bào miễn dịch Lympho T của cơ thể nhầm lẫn da thành cơ quan ngoại lai và tấn công đào thải các lớp da gây ra các triệu chứng bệnh lý ngoài da. Theo các thống kê ở Việt Nam, bệnh vẩy nến chiếm khoảng 5 – 7% các bệnh da liễu, phổ biến nhất ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.

Ở trạng thái sinh lý bình thường, da cũng có cơ chế tự đào thải. Các tế bào da cũ chết đi, bong ra và thay thế bằng các tế bào mới hình thành nhưng với số lượng vừa phải do vậy không gây ra các biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, ở người bệnh vẩy nến, quá trình tăng sinh tế bào diễn ra nhanh gấp 10 lần, tế bào da cũ liên tục bị tấn công, số lượng lớn các tế bào này tích thành từng mảng và bong thành vẩy trắng – giống như vẩy nến.

Triệu chứng bệnh vẩy nến

Tổn thương trên da

  • Dát có màu đỏ hoặc hồng, phân ranh giới rõ với da lành
  • Dát khô, trên dát phủ vảy da dễ bong, màu trắng đục
  • Hình tròn hoặc bầu dục hoặc hình vòng cung
  • Dùng kính ấn vào tổn thương thấy mất màu, sờ mềm, không thâm nhiễm, không đau
  • Vị trí thường gặp ở chỗ tỳ đè, vùng hay bị cọ sát như khuỷu tay, đầu gối, mặt duỗi các chi, chỗ bị sang chấn hay vết bỏng, sẹo, vết cào gãi.

Tổn thương trên móng

Thường gặp ở khoảng 30-50% tổng số bệnh nhân vảy nến, thường kèm tổn thương da ở đầu ngón hoặc rải rác ở toàn thân.

Nếu chỉ có thương tổn móng đơn thuần thì khó chẩn đoán, phải sinh thiết móng. Biểu hiện thường gặp là những chấm lõm ở mặt móng, những vân ngang; móng mất trong, có đốm trắng hoặc thành viền màu vàng đồng; bong móng, dày móng hoặc mủn, mất móng, có thể có các mụn mủ dưới móng hoặc xung quanh.

Hình ảnh vẩy nến móng tay
Hình ảnh vẩy nến móng tay

Tổn thương khớp

Chiếm khoảng 10-20% tổng số bệnh nhân vẩy nến. Biểu hiện là đau các khớp; hạn chế và viêm một khớp; viêm đa khớp vảy nến hoặc viêm cột sống vẩy nến triệu chứng giống viêm đa khớp dạng thấp hoặc viêm cột sống dính khớp.

Tổn thương niêm mạc

Thường gặp ở niêm mạc quy đầu thành những vết màu hồng, không thâm nhiễm, giới hạn rõ, ít hoặc không có vẩy, tiến triển mạn tính.

Ở lưỡi, tổn thương giống viêm lưỡi hình bản đồ hoặc viêm lưỡi phì đại tróc vẩy.

Ở mắt biểu hiện viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm mí mắt.

Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến

Căn nguyên của bệnh vẩy nến hiện chưa được biết rõ. Người ta cho rằng bệnh vẩy nến có liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền, thương tổn bùng phát khi gặp những yếu tố thuận lợi.

  • Yếu tố di truyền: bệnh vẩy nến thường gặp ở những người có gen HLA-B13, B17, BW57 và CW6. Đặc biệt gen HLA-CW6 gặp ở 87% bệnh nhân vẩy nến.
  • Cơ chế miễn dịch: các tế bào miễn dịch được hoạt hoá tiết các hoạt chất sinh học có tác dụng thúc đẩy tăng sinh, làm rối loạn quá trình biệt hoá tế bào sừng.
  • Các yếu tố thuận lợi gồm: stress; tiền sử bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, bị chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc sử dụng thuốc hóa chất. Đặc biệt là đối với các bệnh nhân đã dùng corticoid, thuốc không rõ nguồn gốc, bệnh nhân có tiền sử rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, béo phì hoặc nghiện rượu.
Bệnh vẩy nến
Gen được xem là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh vẩy nến

Bệnh vẩy nến có nguy hiểm không, có thể chữa khỏi không?

Vẩy nến biểu hiện chủ yếu trên da ảnh hưởng nghiêm trọng đến yếu tố thẩm mỹ, gây khó chịu. Bên cạnh đó nếu có những tổn thương bên trong như tổn thương khớp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhiều hơn và có khả năng gây ra các biến chứng xương khớp, ảnh hưởng đến chức năng vận động.

Do căn nguyên gây bệnh vẩy nến còn chưa rõ ràng, yếu tố gen có thể đóng vai trò quan trọng nên hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào giúp người bệnh hoàn toàn thoát khỏi căn bệnh này. Các phương pháp điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát các triệu chứng và hạn chế sự tái phát bệnh.

Điều trị bệnh vẩy nến bằng cách nào?

Điều trị vẩy nến gồm hai giai đoạn:

  • Giai đoạn tấn công: có thể lựa chọn các phương pháp điều trị tại chỗ, toàn thân hoặc phối hợp các phương pháp nhằm xoá sạch thương tổn.
  • Giai đoạn duy trì sự ổn định, giữ cho bệnh không bùng phát.

Các thuốc điều trị tại chỗ

Có thể lựa chọn các loại thuốc bôi sau:

  • Dithranol, anthralin: bôi ngày 1 lần, điều trị tấn công hoặc điều trị củng cố, rất có hiệu quả đối với bệnh vẩy nến thể mảng, đặc biệt ở những trường hợp chỉ có một vài mảng tổn thương lớn. Chống chỉ định với những trường hợp đỏ da toàn thân, vẩy nến thể mủ. Tránh để thuốc dây vào da bình thường, rửa tay sau khi dùng.
  • Salicylic axit có tác dụng bạt sừng, bong vảy, bôi ngày 1-2 lần; không bôi toàn thân vì có thể gây độc, tăng men gan.
  • Salicylic axit kết hợp với corticoid vừa có tác dụng bạt sừng vừa chống viêm, bôi ngày 2 lần.
  • Calcipotriol là một dẫn chất của vitamin D3, dạng thuốc mỡ, điều trị bệnh vẩy nến thể thông thường, bôi ngày 2 lần, liều tối đa không quá 100mg/tuần, bôi dưới 40% diện tích da cơ thể.
  • Calcipotriol kết hợp với corticoid, bôi ngày 1 lần, dùng điều trị tấn công, dạng gel dùng điều trị vẩy nến da đầu, dạng mỡ dùng điều trị vẩy nến ở thân mình.
  • Vitamin A dùng tại chỗ, hoặc dạng kết hợp với corticoid. Trong điều trị vẩy nến thể mảng, thuốc được bôi ngày 1 lần.
  • Kẽm oxít có tác dụng làm dịu da, giảm kích ứng, sử dụng kết hợp với các thuốc bạt sừng bong vẩy mạnh.
  • Corticoid tại chỗ bôi ngày 1 đến 2 lần, dùng điều trị tấn công, tác dụng điều trị nhanh nhưng dễ tái phát sau ngừng thuốc, dùng kéo dài có thể gặp các tác dụng không mong muốn, cần phải giảm liều.
Bệnh vẩy nến
Thuốc bôi giúp giảm triệu chứng tổn thương da của bệnh vẩy nến

Quang trị liệu (phototherapy)

  • UVA (320-400nm), tuần chiếu 3 lần hoặc 2 ngày chiếu 1 lần.
  • UVB (290-320nm) ngày nay ít sử dụng, được thay thế dần bằng UVB dải hẹp (UVB-311nm, UVB-Narrow Band), có hiệu quả điều trị hơn và hạn chế tác dụng không mong muốn.
  • PUVA (Psoralen phối hợp UVA): meladinin 0,6 mg/kg uống 2 giờ truớc khi chiếu UVA, liều UVA tăng dần từ 0,5 đến 1 J/cm2.

Cách làm này thường không được áp dụng phổ biến, chủ yếu cho những bệnh nhân đặc biệt do tiềm ẩn nguy cơ ung thư da và khá tốn kém.

Điều trị toàn thân

  • Methotrexat: điều trị đỏ da toàn thân do vẩy nến, vẩy nến thể mủ toàn thân, vẩy nến thể mảng lan rộng. Liều mỗi tuần 7,5mg uống chia làm 3 lần cách nhau 12 giờ hoặc tiêm bắp thịt 1 lần 10mg/tuần.
  • Acitretin, dẫn chất của vitamin A, tác dụng điều hòa quá trình sừng hóa, điều trị các thể vẩy nến nặng. Người lớn dùng liều khởi đầu 25 mg/ngày, sau 1-2 tuần, tùy theo kết quả và dung nạp thuốc sẽ điều chỉnh (tăng hoặc giảm liều) cho phù hợp.
  • Cyclosporin: tác dụng ức chế miễn dịch, điều trị những thể vẩy nến nặng, liều khởi đầu 2,5-5 mg/kg/ngày chia làm 2 lần, sau 1 tháng có thể tăng liều nhưng không quá 5mg/kg/ngày. Sau 6 tuần dùng liều cao mà không thấy hiệu quả cần ngừng thuốc.
  • Corticoid: sử dụng khi thật sự cần thiết và phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ tác dụng phụ. Không nên lạm dụng và dùng kéo dài vì sẽ gây các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt gây đỏ da toàn thân, vảy nến thể mủ.

Các thuốc trên có nhiều tác dụng phụ như gây quái thai, rối loạn chức năng gan, thận, giảm bạch cầu… Vì vậy, phải thận trọng khi chỉ định và phải theo dõi nghiêm ngặt trong quá trình điều trị.

Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, người bệnh cần tránh những yếu tố nguy cơ có thể kích hoạt các triệu chứng bệnh như tránh căng thẳng trong công việc, cuộc sống, điều trị các bệnh lý nền, nên ăn nhiều rau xanh, bổ sung vitamin, các chất chống oxy hóa, vệ sinh da sạch sẽ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế tái phát bệnh.

DS. Thanh Loan