9 Nguyên nhân thường gặp dẫn tới hiện tượng tay chân lạnh

Tình trạng tay chân lạnh đặc biệt trong mùa đông có rất nhiều người gặp phải, gây cảm giác khó chịu. Tìm hiểu đâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này và giải pháp khắc phục.

tay chân lạnh
Tay chân lạnh có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe

Tìm hiểu tình trạng tay chân lạnh

Bàn chân lạnh có thể là phản ứng bình thường của cơ thể đối với nhiệt độ môi trường, tuy nhiên tình trạng này cũng có thể là triệu chứng của chứng bệnh nào đó cần được điều trị. Một số bệnh như tiểu đường, thiếu máu đều có thể ảnh hưởng tới nhiệt độ bàn chân.

Một số triệu chứng có thể đi kèm với hiện tượng tay chân lạnh và là dấu hiệu cảnh báo có vấn đề sức khỏe gồm:

  • Yếu và đau nhức ở bàn tay và bàn chân.
  • Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh.
  • Màu da thay đổi khi căng thẳng và bị lạnh hơn.
  • Cảm giác tê tay chân khi cơ thể ấm hơn hoặc giảm căng thẳng.

Nguyên nhân dẫn tới chứng tay chân lạnh

chứng tay chân lạnh
Một số nguyên nhân có thể dẫn tới tay chân lạnh

1. Biến chứng của bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề có thể làm ảnh hưởng tới bàn chân, dẫn tới chứng tay chân lạnh.

2. Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Biến chứng của bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các dây thần kinh ở bàn chân. Các dây thần kinh bị tổn thương gây ra cảm giác lạnh trong khi người khỏe mạnh thì thấy hết sức bình thường.

Người không mắc bệnh tiểu đường cũng có thể mắc bệnh thần kinh ngoại vi. Một số yếu tố có thể gây ra bệnh này như chấn thương, bệnh tự miễn, chứng nghiện rượu, thiếu vitamin, rối loạn tủy xương, tuyến giáp kém hoạt động và tác dụng phụ của thuốc.

3. Bệnh động mạch ngoại vi

Tình trạng bệnh này làm chậm hoặc chặn lưu lượng máu tới chân hoặc bàn chân. Máu lưu thông kém có thể dẫn tới bàn chân lạnh. Ngoài bệnh tiểu đường, có nhiều vấn đề sức khỏe khác cũng có thể dẫn đến tình trạng này như bệnh huyết áp cao, mỡ máu cao, hút thuốc lá…

4. Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)

Tuyến giáp là một tuyến hình bướm ở cổ, có thể là nguyên nhân gây lạnh chân. Tuyến giáp tạo ra các hormone ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan. Các hormone cũng giúp biến thức ăn và oxy thành năng lượng. Đối với người bị suy giáp, không tiết ra đủ hormone có thể khiến cả cơ thể bị lạnh, bao gồm cả tay chân.

5. Bệnh Raynaud

chứng tay chân lạnh
Hiện tượng Raynaud có thể khiến tay chân lạnh cóng và cứng lại

Hiện tượng Raynaud có thể khiến cho cơ thể phản ứng thái quá với nhiệt độ lạnh. Khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống, ngón tay và ngón chân có thể bị tê cóng và cứng lại. Đôi khi chúng thậm chí thay đổi màu sắc, đầu tiên là nhạt và sau đó chuyển sang xanh lam. Khi nhiệt độ nóng lên thì bàn tay bàn chân có thể bị châm chích và chuyển sang màu đỏ. Thời tiết lạnh, sử dụng điều hòa hoặc bị căng thẳng, lo lắng có thể gây ra các triệu chứng này.

Người mắc bệnh Raynaud sẽ gặp vấn đề với một số động mạch – mạch máu mang máu từ tim tới các phần còn lại của cơ thể. Các động mạch ở bàn tay và bàn chân bị co thắt và hẹp lại. Hệ quả là ngăn máu di chuyển tới ngón tay, ngón chân và đôi khi cả mũi, môi, tai. Bệnh Raynaud phổ biến hơn ở vùng có khí hậu lạnh và thường ảnh hưởng tới phái nữ nhiều hơn nam giới.

Có hai loại bệnh Raynaud:

  • Raynaud nguyên phát: đây là loại bệnh phổ biến nhất và có triệu chứng nhẹ hơn.
  • Raynaud thứ cấp: phân loại nghiêm trọng hơn và thường ảnh hưởng tới người cao tuổi. Một số nguyên nhân khác gây bệnh gồm bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp, chấn thương hoặc gặp hội chứng ống cổ tay. Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chẹn beta điều trị huyết áp cao và một số loại thuốc trị đau nửa đầu có thể gây ra bệnh này.

Người bệnh Raynaud nên gọi ngay cho bác sĩ nếu có hiện tượng bị lở loét ở ngón tay, ngón chân và các khu vực khác. Điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng về sau.

6. Thiếu máu

Bàn chân lạnh có thể là triệu chứng của thiếu máu. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu hoặc không đủ khỏe mạnh để thực hiện quá trình lấy oxy từ phổi tới các phần còn lại của cơ thể.

Đi khám bác sĩ ngay nếu như bạn thấy mình có dấu hiệu thiếu máu, vì thiếu máu có thể là triệu chứng của một căn bệnh khác. Khi đó, việc điều trị sẽ tùy thuộc vào loại thiếu máu mà bạn mắc phải.

7. Bệnh Buerger

Buerger là bệnh liên quan tới việc sử dụng thuốc lá
Buerger là bệnh liên quan tới việc sử dụng thuốc lá

Bệnh Buerger là tình trạng hiếm gặp, nhưng nếu bạn hút thuốc và chân bị lạnh thì có thể là do bạn mắc bệnh này. Buerger là bệnh liên quan tới việc sử dụng thuốc lá khiến mạch máu ở bàn tay và bàn chân sưng lên. Hệ quả là làm chậm lưu lượng máu và có thể hình thành cục máu đông và gây nhiễm trùng.

Đi khám bệnh ngay nếu như bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh Buerger. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới, đặc biệt là những người dưới 45 tuổi. Cách chữa trị duy nhất cho bệnh này chính là cai thuốc lá hoàn toàn.

8. Mỡ máu cao

Lượng cholesterol cao làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tuần hoàn, dẫn tới chứng tay chân lạnh. Bệnh động mạch là do kết quả của tích tụ cholesterol và viêm trong mạch máu.

9. Căng thẳng

Khi bị lo lắng, căng thẳng có thể làm cho bàn tay lạnh vì nó gây đổ mồ hôi và co thắt mạch máu.

Chẩn đoán tình trạng bàn tay bàn chân lạnh

Vì có nhiều nguyên nhân khiến tay chân lạnh nên quan trọng nhất là bạn cần đi khám bác sĩ. Họ sẽ giúp chẩn đoán bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào có thể xảy ra và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh. Họ cũng sẽ tiến hành các xét nghiệm để xác nhận hoặc loại trừ các vấn đề y tế gây ra chứng tay chân lạnh.

Điều trị tay chân lạnh

chứng tay chân lạnh
Người bị tay chân lạnh nên giữ ấm cơ thể bằng cách thường xuyên đi tất

Dù cho bạn bị tay chân lạnh bắt nguồn từ vấn đề sức khỏe hay do nhiệt độ lạnh gây ra thì vẫn có một số cách để làm ấm tay chân như sau:

  • Đi tất hoặc dép đi trong nhà thường xuyên
  • Di chuyển hoặc duỗi chân
  • Ngừng hút thuốc lá
  • Giảm cholesterol trong cơ thể bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và sử dụng thuốc
  • Học cách kiểm soát căng thẳng
  • Bổ sung thêm sắt, vitamin B12 và folate để cải thiện lưu thông máu

Đào Tâm