Loét do tì đè là tổn thương da thường gặp ở những bệnh nhân liệt. Tìm hiểu các yếu tố nguy cơ gây loét và biện pháp chăm sóc cho người bệnh tốt nhất.
Loét do tì đè là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân liệt vận động
Loét do tì đè là gì?
Loét do tì đè là tình trạng loét hoại tử da do thiếu oxy và dinh dưỡng ở mô gây ra bởi áp lực. Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân liệt sau tai biến hoặc nằm lâu sau phẫu thuật. Sự gia tăng tỷ lệ mắc hàng loạt bệnh mạn tính như tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, gián tiếp làm tăng tỉ lệ loét tì đè.
Loét do tì đè thường hình thành ở những vị trí nào?
Loét tì đè thường hình thành ở phần dưới cơ thể, nơi có các lồi xương. Bởi sự phá hủy các mô xảy ra mạnh hơn do áp lực ma sát của xương. Đây cũng là những vị trí có độ ẩm cao vì không khí kém lưu thông.
Nếu người bệnh liệt nằm ngửa, các vị trí thường hình thành loét tì đè bao gồm:
- Vùng chẩm – vùng sau đầu tiếp xúc với giường nằm
- Vùng xương bả vai
- Vùng khuỷu tay
- Mông, vùng cụt, ụ ngồi
- Gót chân
Trường hợp người bệnh vì lý do nào đó phải nằm nghiêng, các vị trí loét thường gặp gồm:
- Vùng tai
- Xương bả vai, khuỷu tay
- Hông, đầu gối, mắt cá chân, gót chân
Do vậy, với mỗi tình trạng, trong quá trình chăm sóc, cần lưu ý các vị trí này để hạn chế sự hình thành các vết loét do tì đè.
Những yếu tố nguy cơ gây loét tì đè
- Độ ẩm cao: Da ẩm ướt dễ bị tổn thương và dễ nhiễm trùng. Đặc biệt, những người bệnh mắc chứng tiểu không tự chủ, vùng bị tì đè có thể thường xuyên tiếp xúc với nước tiểu hay phân dễ gây loét và nhiễm trùng. Mồ hôi toát ra cũng làm tăng độ ẩm, làm tăng nguy cơ loét tại cánh tay, nách, bẹn. Độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm, vết loét nhiễm trùng khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
- Giảm tri giác, cảm giác: Người bệnh hôn mê, mất cảm giác, không thể tự xoay trở được làm tăng áp lực tì đè tại một vị trí qua đó tăng nguy cơ hình thành vết loét.
- Da thường xuyên bị cọ sát vào bề mặt cứng dễ hình thành tổn thương.
- Dinh dưỡng kém: Việc giảm khối lượng mô dưới da có thể tác động đến lớp bảo vệ giữa da và xương, làm tăng nguy cơ hình thành vết loét. Ngoài ra, suy dinh dưỡng cũng làm sức đề kháng suy giảm khiến vết loét dễ bị nhiễm trùng, khó điều trị.
- Các bệnh lý làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu dẫn đến thiếu oxy cục bộ như bệnh đái đường, ung thư, nhiễm trùng, thiếu máu làm tăng nguy cơ loét tì đè.
- Tuổi: Người trên 70 tuổi, da mỏng manh, kém đàn hồi có nguy cơ bị loét cao.
- Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ loét: huyết áp thấp, hút thuốc lá, béo phì, bệnh thấp khớp, bệnh Alzheimer…
Mức độ nặng của tình trạng loét tì đè
Mức độ nặng của tình trạng loét dựa trên độ sâu của vết loét. Theo Hội đồng tư vấn về loét tì đè Hoa Kỳ có thể phân thành 4 độ với đặc điểm chính như sau:
- Loét độ I: Vùng ban màu hồng, nền da còn nguyên vẹn.
- Loét độ II: Vết trầy, hố nông hay phồng rộp da. Các vết phồng rộp da thường gây cảm giác đau.
- Loét độ III: Vết loét sâu xuống phần dưới nhưng không sâu đến phần cân. Loét độ III có thể cần nhiều tháng mới lành được.
- Loét độ IV: Vết loét mất toàn bộ bề dày của da, mô hoại tử hay tổn thương phần cơ, xương và các cấu trúc nâng đỡ (gân hay bao khớp). Phải mất hàng tháng, hàng năm vết loét mới có thể lành…
Ngoài 4 độ này, còn có vết loét không phân độ, là khi toàn bộ phần gốc vết thương được bao phủ bởi cặn và/hoặc vảy khó quan sát.
Chăm sóc và điều trị loét do tì đè
Việc chăm sóc điều trị loét do tì đè đối với các vết loét độ I và độ II có tỷ lệ thành công cao nếu được chăm sóc phù hợp. Tuy nhiên với các vết loét độ III và độ IV, tỷ lệ lành vết loét còn ở mức thấp và việc điều trị khó khăn hơn, tiêu tốn chi phí và mất thời gian hơn nhiều. Một số biện pháp điều trị loét tì đè gồm:
- Đảm bảo dinh dưỡng: Đảm bảo đủ lượng calo hàng ngày, protein 1-2g/kg/ngày, bổ sung vitamin, điện giải
- Điều trị thiếu máu
- Xử lý các ổ nhiễm trùng
- Vệ sinh sạch sẽ ổ loét và mô xung quanh, tránh lây nhiễm
- Giảm áp lực tì đè: xoay trở thay đổi tư thế mỗi 1-2 giờ, sử dụng giường, ghế hỗ trợ giảm áp lực tì đè.
- Sử dụng các dung dịch có enzyme làm tan collagen và mô hoại tử để loại bỏ tổ chức hoại tử.
- Vệ sinh bằng dung dịch povidone-iodin pha loãng hoặc natriclorid 0,9% để rửa vết loét.
- Đắp gạc Hydrogel để hỗ trợ loại bỏ mô hoại tử và che phủ vết loét.
- Thuốc bôi tại chỗ điều trị loét.
- Một số phương pháp khác như: hút áp lực âm VAC, oxy cao áp, yếu tố phát triển biểu bì (EGF).
- Các biện pháp ngoại khoa: cắt lọc tổ chức hoại tử giả mạc, điều trị và tạo hình, ghép da nếu phù hợp.
Một số dược liệu trong Đông y có khả năng chữa lành vết loét, vết thương
Lá trầu không
Trầu không có tên khoa học là Piper betle L. họ Hồ tiêu (Piperaceae). Theo y học cổ truyền, lá trầu không có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn. Trong lá trầu không chứa tới 2,4% tinh dầu. Các thành phần chính của tinh dầu trầu không có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ… và có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm. Đây chính là lý do trầu không được sử dụng phổ biến để điều trị cho các vết loét, vết thương, nhiễm trùng ngoài da.
Lá đào
Tương tự trầu không, lá đào có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn. Dân gian thường dùng vỏ tươi xát tắm trị ghẻ lở, mẩn ngứa, chốc đầu, dùng ngâm chữa viêm kẽ chân. Cũng dùng phối hợp với lá dâu tằm giã đắp tại chỗ chữa vết thương, vết đứt.
Bạch chỉ
Bạch chỉ có tác dụng sinh cơ giảm đau. Ngoài việc sử dụng phổ biến trị cảm mạo phong hàn, nhức đầu vùng trán, đau xương lông mày, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang, đau răng, bạch chỉ còn được ứng dụng điều trị mụn nhọt sưng tấy, vết thương có mủ, ngứa ngáy.
Xoan trà
Xoan trà hay còn được gọi là xoan nhừ, xoan rừng, lát xoan, xuyên cóc, nam toan táo. Theo Đông y, xoan trà có tác dụng tiêu viêm, giải độc, chỉ huyết chỉ thống, trợ tiêu hóa, giúp kháng khuẩn với tụ cầu vàng và Bacillus subtilis. Bên cạnh đó, xoan trà còn có khả năng tạo ra một lớp màng bảo vệ che phủ các vết thương. Đặc tính này và khả năng kháng khuẩn được tận dụng trong điều trị các vết thương, vết loét ngoài da.
Để điều trị vết loét do tì đè cần phối kết hợp nhiều biện pháp từ chăm sóc cơ bản, dinh dưỡng đến việc điều trị bằng thuốc, thậm chí cần phẫu thuật trong nhiều trường hợp. Loét tì đè khó điều trị, đặc biệt ở giai đoạn nặng. Do vậy, hạn chế các yếu tố nguy cơ để dự phòng hình thành vết loét và giảm diễn biến của bệnh là quan trọng hàng đầu trong việc chăm sóc bệnh nhân. Điều trị sớm bằng các sản phẩm bôi tại chỗ giúp người bệnh tiến triển tốt, giảm chi phí điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm.
DS. Thanh Loan