Bệnh vảy nến: những điều có thể bác sĩ không nói với bạn

Bệnh vảy nến (hay vẩy nến) là tình trạng da xuất hiện các mảng đỏ, bao phủ bởi lớp vảy trắng bạc, có thể rất ngứa và đau. Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị bệnh vảy nến hiệu quả.

Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến gây ra các mảng đỏ, đau và ngứa

Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn dịch, có nghĩa là sẽ tồn tại suốt đời.

Bên dưới bề mặt da, bệnh vảy nến có thể khiến các tế bào da nhân lên với tốc độ rất nhanh, đôi khi nhanh hơn tới 100 lần so với người không mắc bệnh vảy nến. Điều này làm cho một lượng lớn tế bào ngoài cùng của da chết đi (giống như tất cả các tế bào da già), để lại một mảng đỏ nhô lên phủ đầy vảy trắng bạc.

Các chuyên gia vẫn chưa biết cách nào để chấm dứt chu kỳ này mãi mãi. Cải thiện khả năng miễn dịch, kiểm soát căng thẳng và bôi kem dịu nhẹ có thể giúp làm giảm triệu chứng.

Nguyên nhân của bệnh vảy nến

Giống như các rối loạn tự miễn dịch khác, bệnh vảy nến được gây ra bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.

  • Di truyền: các nhà khoa học hiện đã xác định được khoảng 25 biến thể di truyền khiến một người dễ mắc bệnh vảy nến hơn.
  • Căng thẳng: làm gia tăng phản ứng miễn dịch.
  • Mức độ viêm cao và khả năng miễn dịch suy yếu: kích hoạt tế bào lympho T dẫn đến giải phóng các cytokine.
  • Khó tiêu hóa chất béo và protein.
  • Thay đổi nội tiết tố (chẳng hạn như tuổi dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh).
  • Thiếu dinh dưỡng, chẳng hạn như thiếu vitamin D.
  • Chức năng gan kém.
  • Phản ứng với thuốc như thuốc giảm đau, thuốc huyết áp, thuốc chẹn beta và thuốc chống sốt rét…
Bệnh vảy nến
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh vảy nến

Các triệu chứng bệnh vảy nến

Có nhiều dạng bệnh vảy nến, các triệu trứng xuất hiện trên bộ phận nào của cơ thể sẽ phụ thuộc vào dạng cụ thể của từng loại bệnh.

  • Bệnh vẩy nến mảng bám (dạng phổ biến nhất): Các mảng da đỏ, có vảy. Các tổn thương có thể ngứa và đau.
  • Bệnh vẩy nến ở móng tay hoặc da đầu: Khô và bóc vảy da đầu, khô móng tay.
  • Bệnh vẩy nến mủ: các mụn nước đầy mủ, viêm trên da thường gây đau đớn.
  • Bệnh vẩy nến nghịch đảo: các tổn thương sáng bóng, màu đỏ tươi xuất hiện ở những vùng da có nếp gấp (bao gồm nách, háng và dưới ngực).
  • Bệnh vẩy nến thể đỏ da: làm cho vảy da đỏ bong ra thành từng mảng, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Loại này thường do hiệu ứng sau khi ngừng dùng thuốc điều trị bệnh vảy nến.
  • Bệnh vẩy nến thể giọt: loại phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh thường gây ra các vết sưng hoặc mảng nhỏ màu đỏ khi hệ miễn dịch suy giảm, căng thẳng hoặc nhiễm trùng, chẳng hạn như khi bị viêm họng liên cầu khuẩn và viêm amidan.

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh vảy nến:

Dù là thể bệnh vảy nến nào, người bệnh cũng xuất hiện một số triệu chứng điển hình sau:

  • Các mảng da đỏ, bao phủ bởi lớp vảy trắng bạc
  • Các tổn thương da có thể ngứa và đau
  • Có gàu trên da đầu
  • Da nứt nẻ, đổi màu, dễ chảy máu và bầm tím
  • Đổi màu ở ngón tay và móng chân, nấm móng
  • Móng tay tách ra khỏi viền móng, đau đớn và chảy máu
Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến khiến da đầu bong tróc

Sự khác biệt của bệnh vảy nến và bệnh chàm

Rất dễ nhầm bệnh vảy nến với các tình trạng da khác như bệnh chàm. Bệnh chàm cũng gây viêm da, da đỏ, khô, nứt nẻ.

Bệnh vảy nến thường thấy ở đầu gối và khuỷu tay, trong khi bệnh chàm thường hình thành ở những vùng nhạy cảm như mặt sau của đầu gối, bàn tay, má hoặc cằm và mặt trong của khuỷu tay.

Bệnh chàm thường rất ngứa, trong khi bệnh vảy nến có thể gây đau nhiều hơn và đóng vảy khô thành các mảng.

Bệnh chàm thường gây ra độ ẩm trên da và da rỉ nước, vết loét đóng vảy, da dày và phát ban dạng nang hoặc mụn nhọt, nhưng bệnh vảy nến thường không gây ra vết loét/mụn nước như vậy và vẫn rất khô.

Bệnh chàm thường xuất hiện trong thời thơ ấu hoặc trẻ nhỏ, trong khi bệnh vảy nến là một rối loạn tự miễn dịch xuất hiện ở người lớn và xuất hiện bất cứ khi nào khả năng miễn dịch bị tổn hại, chẳng hạn như sau khi mắc bệnh hoặc căng thẳng.

Có mối liên hệ giữa giảm chức năng miễn dịch và bệnh vảy nến. Ví dụ nhiễm trùng đường hô hấp, tiểu đường và viêm khớp đều có thể góp phần hình thành bệnh.

Mặc dù bệnh chàm cũng có thể khởi phát do viêm nhiễm và nhạy cảm, nhưng có nhiều khả năng bùng phát hơn khi phản ứng với các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như cháy nắng hoặc phản ứng với các sản phẩm chăm sóc da hoặc gia dụng (xà phòng, chất tẩy rửa, kem dưỡng da…).

Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến không có cách chữa trị dứt điểm, thường xuất hiện và biến mất theo chu kỳ trong suốt cuộc đời, gây ra các đợt bùng phát da có vảy, khó chịu vào những thời điểm khi chức năng miễn dịch suy giảm hoặc mức độ căng thẳng cao.

Thay đổi chế độ ăn uống, kiểm soát căng thẳng, chăm sóc da sẽ giúp giảm các triệu chứng của bệnh vảy nến.

Ăn theo chế độ ăn chống viêm

Nhiều người thấy các triệu chứng bệnh vảy nến được cải thiện đáng kể khi thay đổi chế độ ăn uống. Một số loại thực phẩm giúp giảm các triệu chứng bệnh vảy nến và giảm phản ứng tự miễn dịch bao gồm:

  • Thực phẩm giàu lợi khuẩn: sữa chua, nấm sữa kefir, dưa muối…
  • Thực phẩm giàu chất xơ: trái cây tươi, rau củ, các loại đậu, các loại hạt
  • Thực phẩm chứa axit béo omega-3: cá hồi, cá thu, cá mòi
  • Thực phẩm giàu kẽm: hạt bí ngô, thịt bò, hạt và các loại đậu giúp da khỏe mạnh
  • Thực phẩm giàu vitamin A: rau lá xanh, quả mọng và bông cải xanh… giúp chữa lành da, chống oxy hóa giúp giảm viêm.
  • Thực phẩm giàu vitamin D: trứng gà, một số loại nấm… tác động tích cực đến hệ thống miễn dịch và tế bào da.
Bệnh vảy nến
Ăn các thực phẩm chống viêm giúp giảm triệu chứng bệnh vảy nến

Tránh thực phẩm gây hại cho phản ứng miễn dịch

  • Các chất gây dị ứng phổ biến: sữa và gluten. Nhiều người bị bệnh vảy nến gặp khó khăn trong việc tiêu hóa A1 casein, một loại protein có trong hầu hết các loại sữa bò. Thay vào đó, hãy tìm các sản phẩm từ sữa như kefir, sữa chua hoặc sữa bò được dán nhãn là A2 casein. Gluten có trong lúa mì, lúa mạch. Thay vào đó, hãy thử các loại ngũ cốc không chứa gluten như yến mạch, kiều mạch và hạt diêm mạch.
  • Các loại thịt được nuôi công nghiệp: Những loại này thường chứa ít chất dinh dưỡng hơn và nhiều chất béo omega-6 hơn, có thể làm tăng tình trạng viêm.
  • Dầu hydro hóa và thực phẩm chiên rán: Được tìm thấy trong hầu hết các loại thực phẩm đóng gói hoặc thức ăn nhanh, những thực phẩm này có thể khó tiêu hóa đối với những người bị bệnh vảy nến và chứa rất nhiều omega-6 gây viêm.

Sử dụng các chất bổ sung

  • Axit clohydric: giúp tiêu hóa protein và giảm bùng phát bệnh vảy nến.
  • Dầu cá omega-3: giúp giảm viêm.
  • Vitamin D3: ngăn ngừa bệnh vảy nến do thiếu vitamin D3.
  • Probiotics (men vi sinh): giảm phản ứng tự miễn dịch và cải thiện tiêu hóa. bằng cách tăng vi khuẩn tốt và loại bỏ vi khuẩn xấu.
  • Adaptogen và vitamin B12: giúp kiểm soát căng thẳng.
  • Enzyme tiêu hóa: tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng và giúp giảm nhạy cảm với thực phẩm.
  • Collagen và glucosamine: giúp phục hồi da, mô tiêu hóa và khớp bị tổn thương.

Phơi nắng ít nhất 20 phút mỗi ngày

Phơi nắng 20 phút mỗi ngày, 3-4 ngày một tuần, có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng bệnh vảy nến. Da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ kích thích sản sinh vitamin D – loại vitamin này có thể thay đổi cách tế bào phát triển và giúp làm chậm quá trình sản xuất tế bào da ở những người bị bệnh vảy nến, làm giảm mảng bám.

Vitamin D cũng ảnh hưởng tích cực đến cách thức hoạt động của hệ thống miễn dịch và có thể làm giảm các phản ứng tự miễn dịch hoặc viêm nhiễm.

Lưu ý, không nên ra ngoài trời khi ánh nắng gay gắt, khoảng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều.

Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng có thể khiến bệnh vảy nến phát triển hoặc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Các phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” khi căng thẳng tác động đến hệ thống miễn dịch, giải phóng các protein gây viêm cao hơn gọi là cytokine và góp phần gây mất cân bằng nội tiết tố, làm gia tăng phản ứng viêm toàn thân.

Tập thể dục, ngồi thiền, yoga, đi dạo ở ngoài trời… sẽ giúp giảm căng thẳng.

Dưỡng ẩm da

Các triệu chứng bệnh vảy nến thường ở mức tồi tệ nhất khi da khô và bị viêm. Giữ ẩm cho da và sử dụng các loại dầu chống viêm tự nhiên có thể làm dịu các triệu chứng như mẩn đỏ, đóng vảy và đau. Tùy thuộc vào nơi ngứa và bong tróc, người bệnh có thể dùng dầu gội thảo dược, kem bôi, thuốc mỡ, dầu dừa, dầu hạnh nhân, vaseline…

Các loại tinh dầu như hoa oải hương, phong lữ và dầu cây trà cũng có thể làm dịu da bị viêm và hỗ trợ quá trình chữa lành da. Tinh dầu khá đậm đặc, nên pha cùng dầu nền (dầu hạnh nhân, dầu dừa) rồi mới bôi lên da.

Vân Anh