Nguy cơ tử vong cao khi đối mặt với dịch tả

Dịch tả là bệnh do vi khuẩn thường lây qua nguồn nước bị ô nhiễm. Dịch tả gây ra tiêu chảy nặng và mất nước. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh tả có thể gây tử vong chỉ sau vài giờ kể cả đối với người khỏe mạnh nhất.

Dịch tả
Dịch tả vẫn tồn tại ở châu Phi, Đông Nam Á và nước Haiti

Hệ thống xử lý nước thải hiện đại ở các nước phát triển hầu hết đã loại bỏ dịch tả khỏi đây. Tuy nhiên, bệnh dịch vẫn còn tồn tại ở châu Phi, Đông Nam Á và Haiti. Nguy cơ mắc dịch tả cao hơn ở những nước chậm phát triển, có chiến trang hoặc thiên tai khiến người dân không được sống trong điều kiện vệ sinh đầy đủ.

Dịch tả được điều trị rất đơn giản bằng cách ngăn chặn mất nước bằng nước điện giải nhanh chóng.

Triệu chứng bệnh tả

Hầu hết người tiếp xúc với vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) không bị bệnh và cũng không biết mình nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vi khuẩn tả sẽ tồn tại trong phân từ 7 – 14 ngày, chúng có thể lây nhiễm cho người khác trong nguồn nước bị ô nhiễm. Hầu hết các trường hợp triệu chứng bệnh tả là tiêu chảy nhẹ hoặc trung bình, dễ bị lẫn với tiêu chảy do các nguyên nhân khác.

Chỉ khoảng 10% người nhiễm bệnh phát triển các dấu hiệu và triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn của bệnh tả, thường sau vài ngày sau khi nhiễm bệnh.

Triệu chứng nhiễm bệnh gồm:

Tiêu chảy do dịch tả
Tiêu chảy do dịch tả thường xuất hiện nhanh và gây mất nước nghiêm trọng
  • Tiêu chảy: Tiêu chảy do dịch tả thường xuất hiện nhanh và gây mất nước nghiêm trọng. Có thể bệnh gây mất nước tới 1 lít mỗi giờ. Tiêu chảy do dịch tả thường đi ngoài ra phân có màu nhạt, trắng như nước gạo.
  • Buồn nôn và nôn mửa: Trong giai đoạn đầu của bệnh tả, nôn mửa kéo dài hàng giờ.
  • Mất nước: Mất nước có thể phát triển trong vài giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh tả. Tùy vào lượng chất lỏng đã thải ra thì hiện tượng mất nước có thể xuất hiện từ nhẹ tới nặng. Nếu mất 10% trở lên so với tổng trọng lượng cơ thể là khi đã bị mất nước nghiêm trọng.

Một số dấu hiệu và triệu chứng của mất nước do dịch tả bao gồm: khó chịu, lờ đờ, mắt trũng sâu, khô miệng, khát nước, da khô, ít hoặc không đi tiểu, hạ huyết áp và nhịp tim không đều.

>> Xem thêm Cảnh báo: Bệnh truyền nhiễm gia tăng ở trẻ nhỏ

Mất nước dẫn tới mất các khoáng chất trong máu duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Đây gọi là mất cân bằng điện giải.

Mất cân bằng điện giải

Mất cân bằng điện giải có thể dẫn tới các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Chuột rút: Do mất muối nhanh chóng như natri, clorua, kali
  • Shock: Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của mất nước. Hiện tượng shock xảy ra là khi lượng máu thấp gây hạ huyết áp và giảm lượng oxy trong cơ thể bạn. Nếu không được điều trị, shock có thể gây tử vong trong vài phút.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tả ở trẻ em

Ở trẻ em thì bệnh tả cũng có những dấu hiệu và triệu chứng giống người lớn, nhưng chúng dễ bị hạ đường huyết do mất nước, gây ra:

dịch tả
Trẻ em bị bệnh dịch tả dễ rơi vào trạng thái mất ý thức nếu không bù nước kịp thời
  • Trạng thái mất ý thức
  • Động kinh
  • Hôn mê

Đi khám khi nào?

Nguy cơ mắc bệnh tả ở ở các nước phát triển là rất thấp. Tuy nhiên, trường hợp bị dịch tả cũng đã xảy ra trên khắp thế giới. Nếu bạn bị tiêu chảy nặng ở khu vực đang bùng phát dịch tả thì hãy khám bác sĩ ngay lập tức.

Nếu bạn bị tiêu chảy và nghi rằng bạn có thể tiếp xúc với dịch tả, hãy tìm các giải pháp điều trị ngay. Mất nước nghiêm trọng sẽ cần phải được cấp cứu ngay dù do bất kỳ nguyên nhân gì.

Nguyên nhân gây bệnh tả

dịch tả
Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân chủ yếu gây ra dịch tả

Một loại vi khuẩn có tên Vibrio cholerae gây dịch tả. Tuy nhiên, những tác động gây chết người của bệnh tả là do loại độc tổ mạnh có tên CTX mà vi khuẩn tạo ra trong ruột non. CTX liên kết với thành ruột, cản trở dòng chảy bình thường của natri và clorua. Hậu quả là cơ thể sẽ tiết ra một lượng nước khổng lồ, dẫn tới tiêu chảy, mất nước và chất điện giải.

Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân chủ yếu gây ra dịch tả. Mặc dù, động vật có vỏ, trái cây và rau quả sống cũng có thể nhiễm vi khuẩn V.Cholerae.

Vi khuẩn tả có hai vòng đời riêng biệt: trong môi trường và ở người.

Các nguồn lây nhiễm bệnh tả phổ biến nhất là nước đọng và một số loại thực phẩm như hải sản, trái cây, rau sống và ngũ cốc.

Chẩn đoán bệnh dịch tả

Dấu hiệu và triệu chứng dịch tả dễ nhầm lẫn ở các khu vực dịch bệnh. Cách duy nhất để xác định vi khuẩn trong mẫu phân.

Các xét nghiệm que thử dịch tả nhanh đã có sẵn, cho phép bác sĩ xác nhận chẩn đoán bệnh tả sớm hơn. Xác nhận nhanh giúp giảm tỷ lệ tử vong khi bắt đầu bùng phát dịch tả và giúp điều trị bệnh sớm để kiểm soát ổ dịch.

Giải pháp điều trị bệnh tả

Dịch tả cần điều trị ngay lập tức khi phát hiện bệnh vì nguy cơ tử vong cao nếu để bệnh kéo dài trong vài giờ. Giải pháp điều trị tả là:

dịch tả
Cần bổ sung nước kịp thời khi bị dịch tả để tránh mất nước đến mức độ nguy hiểm
  • Bổ sung nước: Giúp thay thế chất lỏng và chất điện giải đã mất bằng cách dùng dung dịch bù nước đơn giản, muối bù nước đường uống (orezon). Dung dịch orezon có sẵn dưới dạng bột dùng để pha nước hoặc đóng chai. Nếu không bù nước, 50% người mắc bệnh tả sẽ chết. Điều trị kịp thời thì số ca tử vong sẽ giảm xuống dưới 1%.
  • Chất lỏng truyền tĩnh mạch: Trong dịch bệnh tả, hầu hết người bệnh đều được bù nước qua đường uống, tuy nhiên nếu mất nước nghiêm trọng thì sẽ cần truyền dịch.
  • Kháng sinh: Mặc dù kháng sinh không hẳn cần thiết trong điều trị bệnh tả, nhưng một số loại kháng sinh sẽ giúp giảm tiêu chảy ở người bị tả nặng.
  • Bổ sung kẽm: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra kẽm có thể làm giảm và rút ngắn thời gian tiêu chảy ở trẻ em mắc bệnh tả.