Nhận biết sớm triệu chứng viêm lợi và cách điều trị kịp thời

Viêm lợi là một bệnh lý răng miệng khá phổ biến gây kích ứng, sưng đỏ nướu. Tuy không nguy hiểm nhưng viêm lợi có thể gây ra viêm nha chu và mất răng nên cần điều trị sớm.

bệnh viêm lợi
Viêm lợi thường do vệ sinh răng miệng không đúng cách

Nguyên nhân gây viêm lợi thường là do vệ sinh răng miệng không đúng cách. Đảm bảo duy trì thói quen chăm sóc răng miệng như đánh răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa thường xuyên và khám răng định kỳ sẽ hạn chế và đầy lùi viêm lợi hiệu quả.

Triệu chứng của bệnh viêm lợi dễ nhận biết

Nướu răng khỏe mạnh sẽ có màu hồng nhạt và ôm khít xung quanh răng. Nếu bị viêm lợi sẽ có một số biểu hiện như:

  • Nướu bị sưng
  • Nướu đỏ sẫm
  • Lợi bị chảy máu khi đánh răng bằng bàn chải hoặc khi dùng chỉ nha khoa hay tăm lấy thức ăn thừa
  • Hôi miệng
  • Tụt lợi
  • Nướu mềm

Nguyên nhân dẫn tới viêm lợi

Nguyên nhân phổ biến dẫn tới viêm lợi là do không thường xuyên vệ sinh răng miệng dẫn tới hình thành mảng bám trên răng gây viêm các mô xung quanh nướu. Mảng bám gây ra viêm lợi do:

  • Các mảng bám răng hình thành trên răng: Mảng bám răng là một lớp màng dính, vô hình gồm vi khuẩn hình thành trên răng khi tinh bột và đường trong thực phẩm tương tác với vi khuẩn thường có trong miệng. Cần loại bỏ mảng bám hằng ngày vì chúng sẽ hình thành nhanh chóng.
  • Mảng bám răng chuyển thành cao răng: Mảng bám trên răng có thể cứng lại dưới đường viền nướu tạo thành cao răng, nơi tích tụ vi khuẩn. Cao răng làm cho mảng bám khó loại bỏ hơn, tạo lá chắn bảo vệ vi khuẩn và gây kích ứng dọc đường viền nướu. Muốn lấy hết cao răng bạn cần phải tới gặp nha sĩ.
  • Viêm lợi: Mảng bám và cao răng lưu trên răng càng lâu, chúng càng gây kích ứng nướu, phần nướu bao quanh chân răng, gây viêm nhiễm. Theo thời gian, nướu sẽ bị sưng tấy và dễ chảy máu. Sâu răng cũng sẽ dễ xảy ra. Nếu không được điều trị sớm, viêm lợi có thể tiến tới viêm nha chu và cuối cùng là bị mất răng.

Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ viêm lợi

viêm lợi
Phụ nữ mang thai dễ bị viêm lợi hơn so với bình thường

Bệnh viêm nướu rất phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm lợi gồm:

  • Thói quen chăm sóc răng miệng kém
  • Hút thuốc lá
  • Khô miệng
  • Thiếu vitamin C trong chế độ dinh dưỡng
  • Các tình trạng làm giảm hệ miễn dịch như bệnh bạch cầu, HIV/AIDS hoặc điều trị ung thư
  • Sử dụng thuốc như phenytonin để điều trị động kinh và một số thuốc chẹn kênh canxi được sử dụng cho chứng đau thắt ngực, huyết áp cao và các bệnh khác
  • Thay đổi nội tiết tố như phụ nữ mang thai, phụ nữ trong chu kỳ kinh hoặc sử dụng thuốc tránh thai.

Các biến chứng viêm nướu

Viêm nướu không được điều trị có thể tiến triển thành bệnh nướu lan tới mô và răng dễ gây mất răng.

Viêm nướu mãn tính được cho là có liên quan đến một số bệnh toàn thân như bệnh đường hô hấp, tiểu đường, bệnh mạch vành, đột quỵ và viêm khớp dạng thấp. Một số nghiên cứu cho thấy vi khuẩn gây viêm nha chu có thể xâm nhập vào máu qua mô nướu, ảnh hưởng tới tim, phổi và các bộ phận khác.

Phương pháp điều trị viêm nướu sớm

viêm lợi
Lấy cao răng ở phòng khám có thể giúp giảm viêm nướu răng

Điều trị viêm lợi sớm sẽ giúp đảo ngược các triệu chứng viêm nướu và ngăn ngừa các biến chứng bệnh. Bạn sẽ có khả năng điều trị thành công nếu duy trì chăm sóc răng miệng tốt và ngừng hút thuốc nếu đang hút thuốc lá.

Để điều trị viêm nướu cần:

  • Làm sạch răng chuyên nghiệp tại phòng khám: Làm sạch răng chuyên nghiệp là nha sĩ sẽ loại bỏ các mảng bám, cao răng bằng cách cạo vôi răng. Nha sĩ sẽ loại bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới nướu. Quy trình lấy cao răng có thể thực hiện bằng dụng cụ, tia laser hoặc thiết bị siêu âm.
  • Phục hồi răng nếu cần thiết: Răng bị lệch, thực hiện niềng răng, làm cầu răng hoặc các phương pháp phục hình nha khoa khác có thể gây kích ứng nướu và khó loại bỏ mảng bám trong quá trình chăm sóc răng miệng. Nếu các vấn đề răng gặp phải hoặc việc phục hình răng gây viêm lợi thì nha sĩ sẽ khuyên bạn khắc phục những vấn đề này.
  • Chăm sóc răng miệng tại nhà: Viêm lợi thường tự khỏi sau khi được vệ sinh kỹ tại phòng khám răng. Song song với đó bạn cần phải tiếp tục duy trì vệ sinh răng miệng tại nhà thật cẩn thận, tránh để viêm lợi tái phát.

Đào Tâm