Viêm nha chu dễ gây mất răng: Cần sớm phát hiện để điều trị

Viêm nha chu là bệnh khá nghiêm trọng nhưng lại dễ nhầm lẫn với bệnh viêm nướu thông thường. Bệnh nha chu ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của răng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm nha chu có thể gây mất răng, tạo tâm lý tự ti khi cười nói, ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống.

bệnh viêm nha chu
Viêm nha chu dễ gây mất răng: Cần điều trị sớm

Bệnh viêm nha chu là gì?

Nha chu là tổ chức xung quanh răng, có chức năng chống đỡ, giúp răng vững chắc. Tổ chức này bao gồm: nướu răng, xương ổ răng, dây chằng, lợi và gai lợi (phần nhô ra của nha chu nằm ở phía dưới các răng).

Viêm nha chu là tình trạng các mô nha chu bị viêm nhiễm, gồm viêm lợi và viêm nha chu phá huỷ. Khi viêm nhiễm, các mô nha chu thường sưng đỏ, đau nhức. Về lâu dài, nướu không còn khả năng bám vào chân răng, tạo cơ hội để vi khuẩn xâm nhập, phát triển, phá huỷ xương ổ răng, hình thành các túi nha chu.

bệnh viêm nha chu
Hình ảnh răng khỏe mạnh và răng bị viêm nha chu

Nguyên nhân gây bệnh viêm nha chu

Nguyên nhân chính của bệnh viêm nha chu là do vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện hình thành các mảng thức ăn bám dọc theo cổ răng, khe răng và dưới nướu. Mảng bám trên răng khi ăn tinh bột và đường tương tác với vi khuẩn trong khoang miệng. Mảng bám có thể cứng lại dưới đường viền nướu và lâu ngày sẽ trở thành cao răng.

Cao răng sẽ khó để loại bỏ hơn là mảng bám và nó cũng chứa đầy vi khuẩn. Mảng bám và cao răng càng nhiều trên răng thì càng gây ra nhiều nguy hại. Nếu không sớm loại bỏ những mảng bám này, chúng sẽ gây viêm nướu và lâu ngày trở thành viêm nha chu.

bệnh viêm nha chu
Bệnh viêm nha chu bắt nguồn từ những mảng bám gần chân răng

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm nha chu

  • Thường xuyên hút thuốc lá: Thói quen này không chỉ góp phần làm tăng khả năng phát triển các vấn đề ở nướu, răng mà còn làm giảm hiệu quả điều trị. Theo thống kê, 90% người mắc bệnh nha chu có thói quen hút thuốc lá không đạt được hiệu quả chữa trị như mong đợi.
  • Thay đổi nội tiết tố nữ: Hàm lượng hormone nữ thay đổi trong giai đoạn dậy thì, mang thai và mãn kinh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu.
  • Bệnh tiểu đường: Người bị tiểu đường thường có tỷ lệ mắc bệnh viêm nướu hoặc thậm chí là viêm nha chu cao hơn những người khác.
  • HIV/AIDS: Nhiễm trùng nướu cũng dễ xảy ra ở những người gặp phải vấn đề sức khỏe này do hệ miễn dịch của họ đã suy giảm nặng nề.
  • Ung thư: Sự hiện diện của các tế bào đột biến và những phương pháp điều trị chúng (hóa trị, xạ trị…) có nhiều khả năng làm tăng rủi ro phát triển bệnh nha chu.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Có một số loại thuốc gây tác dụng phụ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nướu răng như: thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc giãn mạch, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc làm giảm tuyến nước bọt.
  • Yếu tố di truyền: Trong một số trường hợp, nướu răng yếu, dễ bị nhiễm trùng cũng có thể liên quan đến yếu tố di truyền.

Các biểu hiện của bệnh viêm nha chu

Nướu khỏe mạnh có màu hồng, cứng và vừa khít quanh răng. Ở giai đoạn đầu của bệnh viêm nha chu, các triệu chứng khó nhận biết, các dấu hiệu rõ ràng hơn ở giai đoạn sau bao gồm:

  • Nướu bị sưng
  • Nướu có màu đỏ tươi, đỏ sẫm
  • Nướu dễ chảy máu
  • Nướu không bao chặt răng, làm cho răng trông dài hơn bình thường
  • Có khoảng trống mới phát triển giữa răng và nướu
  • Mủ giữa răng và nướu
  • Hơi thở có mùi khó chịu
  • Răng lung lay

bệnh viêm nha chu

Viêm nha chu có thể gây hôi miệng, hơi thở có mùi rất khó chịu

Điều trị bệnh viêm nha chu như thế nào?

Ở giai đoạn đầu của bệnh, viêm nha chu có thể được điều trị bằng cách cạo sạch vôi răng, chà chân răng để loại bỏ môi trường sinh sống của vi khuẩn, uống thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm kết hợp với thăm khám thường xuyên để nha sĩ theo dõi tình trạng răng miệng.

Nếu tình trạng viêm nha chu đã tiến triển nặng, hình thành các túi nha chu, bệnh nhân sẽ được chỉ định bít, trám tuỷ, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào chân răng và tuỷ răng.

Giai đoạn viêm nha chu nặng, không thể bảo tồn răng thật được nữa, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân nha sĩ sẽ áp dụng các biện pháp như: chỉnh sửa, thay thế những cấu trúc bị vi khuẩn phá hủy; cố định răng lung lay; phẫu thuật cấy ghép mô, nướu răng…

DS Phan Thu Hiền