Nhìn lưỡi chẩn bệnh theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, lưỡi phản ánh sức khỏe của ngũ tạng. Nhìn lưỡi phán bệnh là cách quan sát các biểu hiện trên lưỡi có thể giúp nhận biết được một số tình trạng bệnh lý bên trong cơ thể.

Nhìn lưỡi chẩn bệnh
Lưỡi phản ánh sức khỏe ngũ tạng trong cơ thể

Y học cổ truyền “nhìn lưỡi phán bệnh” là cách quan sát lưỡi trên các yếu tố về màu sắc lưỡi, hình dáng thân lưỡi, viền lưỡi, lớp phủ lưỡi và độ ẩm của lưỡi. Các vị trí trên lưỡi cũng tương quan với các tạng khác nhau của cơ thể.

Các vị trí khác nhau ứng với các tạng khác nhau

  • Đầu lưỡi biểu hiện cho tạng Tâm
  • Bên trái và phải tương ứng với phủ Đảm và tạng Can
  • Ở nửa phần từ đầu lưỡi trở lên đối ứng với tạng Phế
  • Trung tâm lưỡi là đối ứng Tỳ, Vị
  • Cuống lưỡi phản chiếu tình trạng của Thận
Nhìn lưỡi chẩn bệnh
Các vị trí tương ứng ngũ tạng trong cơ thể

Màu sắc của lưỡi

Bình thường lưỡi có màu hồng, quá nhạt màu hoặc quá đỏ đều là biểu hiện của sự bất thường trong cơ thể. Bạn có thể nhìn lưỡi phán bệnh thông qua màu sắc như sau:

  • Nếu chất lưỡi trắng nhạt là biểu hiện của chứng hư, hàn – Tức là do cơ thể suy nhược từ bên trong như huyết hư, khí hư.
  • Lưỡi đỏ: Cơ thể nóng, chủ về nhiệt.
  • Lưỡi sáng bóng, hồng đậm chủ về sinh huyết nhiệt, hao tổn âm. Phần nhiều liên quan đến sốt cao mất nước hoặc chứng âm hư hỏa vượng.
  • Lưỡi màu tím: Do huyết ứ lâu ngày.

Hình thể và độ dày lưỡi

  • Lưỡi cứng, có loét là do tác nhân gây bệnh bên ngoài.
  • Lưỡi thô to, mềm là biểu hiện của bệnh lý do cơ thể suy nhược.
  • Chất lưỡi to, dầy, đỏ thường là biểu hiện của Tâm – Tỳ nhiệt độc.
  • Lưỡi to, có vết hằn răng là tỳ hư.
  • Lưỡi nhỏ, mỏng là biểu hiện thiếu khí huyết.

Rêu lưỡi

  • Rêu lưỡi trắng: chủ hàn lạnh. Rêu lưỡi trắng, dầy là khó tiêu, ăn uống trì trệ. Ngoài ra có thể gặp ở những bệnh nhân có tràn dịch màng phổi, cổ trướng, viêm thận, viêm phế quản, hen suyễn nguyên nhân theo y học cổ truyền là do thấp trọc hoặc đàm ẩm tích tụ.
  • Rêu lưỡi vàng là biểu hiện chứng nhiệt thường liên quan đến các bệnh nhiễm trùng, từ nhiễm trùng hô hấp như cảm mạo, viêm phế quản, viêm hầu họng đến các nhiễm trùng đường tiêu hoa như viêm đường ruột, viêm gan, viêm tụy, các bệnh viêm não, thương hàn, bạch hầy đều xuất hiện rêu lưỡi vàng. Khi điều trị cần sử dụng các thuốc có tính mát.
  • Rêu lưỡi xám đen, nâu đen thậm chí đen sạm thường là biểu hiện do mắc bệnh lâu ngày, bệnh tình phức tạp nghiêm trọng do nhiệt cực hỏa gây ra.

Cách nhìn lưỡi phán bệnh hiệu quả

Viền mép lưỡi có vết lằn răng

Ít ai nghĩ rằng các vết lằn răng lại là biểu hiện bệnh lý vì khi mới xuất hiện cơ thể không có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, viền mép lưỡi có in dấu răng thường liên quan đến chức năng tì vị (dạ dày, lá lách) hư, tỳ thận dương hư hoặc khí hư, tiêu hóa thực phẩm khó khăn. Đông y thường cho rằng, hiện tượng này do dư thừa đờm ẩm mà ra, hay gặp ở người có thể chất béo phì.

Nếu có biểu hiện này, bạn nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, thực phẩm khó tiêu, bổ sung nhiều hơn các thực phẩm từ rau xanh, hoa quả, đồ thanh đạm, tăng cường vận động thể thao để nâng cao sức khỏe.

Nếu trên lưỡi có nhiều mảng bám dày màu trắng, viền lưỡi in dấu hình răng, ăn uống kém, đầy bụng khó tiêu, đi ngoài phân lỏng thì đờm ẩm đang quá mức nên thăm khám bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.

Nhìn lưỡi chẩn bệnh
Vết lằn răng thường là biểu hiện của tỳ vị hư

Rêu lưỡi dày và hơi thở có mùi

Nếu lưỡi có mảng phủ bám dày, có mùi khó chịu thường do dạ dày đang có vấn đề. Đông y gọi là trường vị thực nhiệt tích trệ. Trường hợp này nếu cơ thể vẫn thấy bình thường, không có dấu hiệu bất thường nào khác, chỉ cần điều chỉnh lại thói quen ăn uống, hạn chế uống rượu bia, không ăn các thực phẩm cay nóng, uống nhiều nước, tăng cường thể dục chăm sóc sức khỏe.

Nhưng nếu có những biểu hiện khác của đường tiêu hóa do lâu ngày tích tụ khí gây đau rát miệng hoặc hôi miệng, miệng đắng, mảng bám lưỡi dày, nhiệt miệng, cản trở tuyến nước bọt hoạt động, đường ruột sẽ mất đi độ ẩm, dẫn đến đi ngoài phân khô cứng, táo bón, ngoài ra có thể đi ngoài nước tiểu vàng đậm. Khi có những biểu hiện này người bệnh nên đi khám để điều trị.

Rêu lưỡi dày thành mảng màu trắng hoặc hơi vàng

Đây thường là biểu hiện của nấm miệng do Candida albicans gây ra. Những người có khả năng đề kháng suy giảm, đặc biệt là đang sử dụng hóa chất trị ung thư, tiểu đường, dùng thuốc kháng sinh kéo dài, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao bị nấm miệng.

Nhìn lưỡi chẩn bệnh
Nấm miệng tạo ra các mảng rêu lưỡi dày màu trắng hoặc vàng nhạt

Trên lưỡi có vết nứt

Ở một số người lưỡi có xuất hiện các vết nứt trên bề mặt, vị trí nứt lưỡi có thể gợi ý các bệnh lý ở các tạng khác nhau.

Thông thường những vết nứt ngang dọc trên lưỡi có thể là biểu hiện của nhiệt và tỳ âm hư hoặc tỳ khí hư. Trong khi vết nứt dọc, sâu ở chính giữa thường biểu hiện vấn đề của tạng tâm (tim mạch).

Lưỡi có màu đen và dính

Một số người xuất hiện tình trạng lưỡi đen và dính ở trên bề mặt rêu lưỡi, hay gặp ở người hút thuốc hoặc vệ sinh chưa tốt. Nếu thấy cơ thể bình thường nên hạn chế hút thuốc, súc miệng họng thường xuyên để tránh hiện tượng “bị nhuộm lưỡi”.

Nhưng hiện tượng lưỡi đen cũng thường gặp ở người có vấn về dạ dày, đặc biệt nếu bên cạnh viền xuất hiện màu đỏ sẫm, xanh, hoặc tím thì bệnh lý có thể đang tiến triển nặng hơn.

Vấn đề ở lưỡi phổ biến nhất là dấu hiệu vấn đề đường tiêu hóa, dễ sinh đàm ẩm khiến rêu lưỡi dày nhớt, ban đầu màu trắng sau đó chuyển vàng, đen. Một số người có khối u ác tính khi bệnh chuyển biến nặng sẽ có triệu chứng này.

Ngoài ra người thường xuyên căng thẳng cao độ, hút thuốc cũng có thể xuất hiện tình trạng rêu lưỡi xám đen.

Nhìn chung, nhìn lưỡi phán bệnh là dựa vào việc quan sát thể chất, màu sắc, hình dạng và tình trạng rêu lưỡi có thể là dấu hiệu tình trạng sức khỏe bên trong cơ thể.

Mỗi người có thể quan sát cơ thể hàng ngày giúp phát hiện sớm những triệu chứng bất thường qua đó can thiệp điều trị hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt để nâng cao sức khỏe tổng thể.

DS Thanh Loan