Những điều bạn chưa biết về răng giả: Phân loại, giá thành và thời hạn sử dụng

Răng giả là một phần thay thế cho răng bị mất và các mô xung quanh. Tìm hiểu khi nào cần phải trồng răng giả, các loại răng giả hiện nay được sử dụng và cách làm quen với chúng.

trông răng giả
Hàm răng giả tháo lắp được nhiều người cao tuổi bị mất răng lựa chọn

Răng giả là gì?

Khi bạn bị sâu răng quá nặng hoặc bị tai nạn gây ra mất răng sẽ ảnh hưởng tới ngoại hình và khả năng nhai nuốt nên cần phải làm răng giả. Răng giả giúp cho chúng ta tự tin hơn và dễ dàng ăn uống nhiều loại thực phẩm.

Răng giả được chế tạo tùy theo hàm răng của mỗi người để thay thế những chiếc răng bị mất, giúp khôi phục hình dáng và chức năng răng miệng như trước khi bị mất răng.

Có thể phân loại răng giả thành hai loại:

  • Răng giả toàn phần: Là cả hàm răng giả áp dụng khi bị mất tất cả răng của một hàm răng.
  • Răng giả bán phần: Là chỉ cần thay một số răng ở một hàm răng chứ không phải cả hàm.

Các loại răng giả khác nhau

răng giả
Có hai loại hàm răng giả toàn phần và bán phần

Răng giả hoàn chỉnh

Là hàm răng giả làm từ một nền nhựa có màu để tái tạo mô nướu và toàn bộ răng của một hàm bằng nhựa hoặc sứ. Hàm răng giả toàn phần truyền thống được giữ trong miệng bằng cách tạo một miếng nhựa gắn với nướu.

Răng giả toàn phần cũng có thể gắn cố định vào hàm bằng cách phẫu thuật nha khoa đặt vào xương hàm. Tuy nhiên, phương pháp này đắt hơn nhiều so với hàm răng giả toàn phần truyền thống

Răng giả bán phần

Răng giả bán phần có thể được làm bằng đế nhựa hoặc khung kim loại hỗ trợ số lượng răng bị mất. Hai bên hàm là các mối nối giúp cố định hàm, trên nền răng là các răng nhựa hoặc răng sứ.

Cách làm răng giả như thế nào?

răng giả
Thông thường chỉ lắp được hàm răng giả sau khoảng 8 – 12 tuần sau khi nhổ răng

Sau khi răng bị nhổ hoặc bị mất thì ổ răng bắt đầu bị tiêu xương và mô nướu lành lại và thay đổi hình dạng. Quá trình này diễn ra trong vài tháng cho tới khi nướu và xương đã đạt được tình trạng ổn định. Sau thời gian này, hàm giả toàn phần thông thường sẽ được thực hiện. Tường sau khoảng 8 – 12 tuần sau khi nhổ răng hoặc bị gãy răng.

Quá trình này sẽ bắt đầu bằng cách lấy một loạt các dấu ấn hoặc khuôn của các mô miệng để tạo hình răng giả. Phòng khám nha khoa sẽ dùng khuôn này để làm mô hình miệng của người bệnh. Sau đó, nha sĩ và kỹ thuật viên sẽ chế tạo răng giả dựa trên mô hình này và chuyển chúng vào miệng của bệnh nhân để đảm bảo vừa khít, thiết lập khớp cắn thích hợp và đảm bảo hình dáng và tính thẩm mỹ của răng giả như mong đợi.

Thường bệnh nhân cần được nha sĩ thăm khám mỗi tuần trong khoảng 4 – 5 tuần cho tới khi hoàn thiện hàm răng giả. Sau đó, trong tháng đầu người bệnh có thể cần tái khám để điều chỉnh hàm răng cho phù hợp.

Một hàm răng giả tạm thời có thể được làm ngay để người bệnh có thể đeo ngay sau khi nhổ răng. Đây là loại răng giả được làm trước khi nhổ răng và đặt vào vị trí ngay sau khi nhổ răng. Loại răng giả này không vừa khít với xương và mô nướu như răng giả thông thường vì vậy cần nhiều điều chỉnh hơn trong giai đoạn lành vết thương sau khi nhổ răng. Tốt nhất nên sử dụng hàm giả tạm thời cho tới khi làm được hàm răng giả thông thường sau khi nướu và xương đã lành vết thương.

Các lựa chọn thay thế hàm răng giả

răng giả
Có thể thay hàm răng giả tháo lắp bằng cách gắn implant cho răng bị mất

Bên cạnh việc sử dụng hàm răng giả thì có thể thay thế bằng hai cách sau:

  • Cầu răng sứ: Đây là phương pháp trồng răng giả cố định thay thế một hoặc vài răng đã mất bằng cách mài hai răng thật kế cận để làm trụ đỡ cho dãy cầu sứ. Dãy cầu sứ gồm nhiều răng sứ được chế tác dính liền nhau và đặt cố định trên 2 trụ răng thật. Cầu răng chỉ có thể thay thế liên tiếp khoảng 2 – 3 chiếc răng đã mất tùy thuộc vào vị trí của răng bị mất.
  • Cấy ghép implant cho răng: Phương pháp phẫu thuật cấy ghép implant là cách đưa một trụ kim loại vào trong xương hàm. Trụ này sau đó được sử dụng để thay thế một răng đã mất bằng cách gắn mão răng vào đó. Cấy ghép implant cho răng là một phương pháp thay thế răng đắt tiền nhất. Tuy nhiên đây là cách mô phỏng răng tự nhiên tốt hơn bất kỳ lựa chọn nào khác.

Răng giả có ảnh hưởng tới khả năng ăn uống và giao tiếp không?

Răng giả có thể khôi phục hoặc thậm chí giúp tăng diện mạo của một người và hầu như không thể phát hiện. Tuy nhiên, bạn sẽ phải mất một thời gian để làm quen với việc tháo và lắp răng giả ra mỗi khi ăn bởi ban đầu nướu sẽ hơi đau.

Quan trọng là bạn cần tái khám nha sĩ định kỳ để điều chỉnh các phần của hàm răng giả có khả năng gây kích ứng mô miệng.

Ăn với răng giả cần có thời gian làm quen. Tốt nhất nên bắt đầu với thức ăn mềm, nhai thức ăn đều ở hai bên miệng và từ từ đưa thức ăn rắn vào. Nên tránh các loại thức ăn dai hoặc dính. Khi má và lưỡi đã quen với hàm giả chúng sẽ bắt đầu tự động giữ hàm răng giả ở đúng vị trí.

Việc nói khi đeo hàm răng giả cũng sẽ bị ảnh hưởng nên cần có sự luyện tập. Đối với một số động tác quá mức như ngáp, cười có thể khiến hàm giả bị bung ra vào thời gian đầu. Nếu đeo lâu vẫn bị tình trạng bung ra thì hàm giả cần được điều chỉnh lại. Khi mới đeo hàm giả có thể tăng sản xuất nước bọt tuy nhiên sau đó sẽ giảm trở lại bình thường.

Liệu có cần phải đeo hàm giả cả ngày không?

Răng giả thường phải được đeo vào ban ngày và tháo ra vào ban đêm để các mô miệng có thời gian thư giãn. Tuy nhiên, trong vài ngày đầu tiên đeo hàm giả thì có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cần đeo trong miệng ngay cả khi ngủ để xác định rõ nhất những vùng cần điều chỉnh.

Phương pháp làm sạch hàm răng giả

răng giả
Cần làm sạch hàm răng giả mỗi ngày để tránh bị hôi

Răng giả cần phải được làm sạch cẩn thận và đặt trong hộp đựng nước hoặc chất làm sạch răng giả khi không đeo. Không được đổ nước nóng vào răng giả bởi chúng có thể bị hỏng hoặc cong vênh.

Bạn cần làm sạch hàm răng giả hàng ngày bằng bàn chải đánh răng mềm với xà phòng và nước. Nên súc miệng hàng ngày khi không đeo răng giả để làm sạch mảng bám và giảm nguy cơ nhiễm trùng khoang miệng.

Chi phí làm hàm răng giả là bao nhiêu?

Tùy thuộc vào vật liệu được sử dụng mà chi phí làm hàm răng giả sẽ ở trong khoảng 3 – 10 triệu cho một hàm răng. Có thể sử dụng hàm bằng nhựa dẻo, hàm bisoft hoặc hàm khung liên kết. Đối với răng có thể làm răng nhựa thì chi phí 2-300.000đ/ răng hoặc răng sứ thì chi phí 1 – 2 triệu/răng.

Tuổi thọ của hàm răng giả là bao lâu?

Nếu được chăm sóc đúng cách, hàm răng giả sẽ có tuổi thọ tối thiếu là trong 5 năm nhưng thậm chí có người dùng tới hàng chục năm. Theo thời gian, tuổi tác tăng lên khiến xương bị co lại và làm cho hàm giả bị lung lay. Tỷ lệ này đều xảy ra với những ai từng làm răng giả tuy nhiên có thể kiểm soát được bằng cách đi khám răng thường xuyên để điều chỉnh hàm. Nếu hàm giả không vừa với hàm có thể khiến xương co lại nhanh hơn. Để kéo dài tuổi thọ của hàm răng giả, nha sĩ sẽ thường dùng một lớp lót răng giả để gắn lên bề mặt bên trong răng giả tiếp xúc với mô miệng.

Hàm răng giả bị gãy có thể sửa chữa được trong phòng thí nghiệm nha khoa chỉ trong 1 – 2 ngày. Bộ dụng cụ sửa chữa răng giả có thể tìm thấy ở các nhà thuốc để tự mình sửa các vết nứt nhỏ trên răng. Tuy nhiên, tốt nhất nếu răng giả có vấn đề bạn nên đưa cho các nha sĩ.

Đào Tâm