Phụ nữ mắc bệnh tim khi có thai cần lưu ý những gì?

Nhiều phụ nữ mắc bệnh tim không dám có thai vì mang thai tạo áp lực lớn lên tim và hệ tuần hoàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phụ nữ mắc bệnh tim khi có thai vẫn có thể sinh con hoàn toàn khỏe mạnh, nếu tìm hiểu và lường trước những rủi ro có thể gặp phải để chủ động phòng ngừa.

mắc bệnh tim khi có thai
Phụ nữ mắc bệnh tim vẫn có thể sinh con hoàn toàn khỏe mạnh

Hoạt động của tim thay đổi thế nào khi phụ nữ có thai?

Mang thai tạo áp lực lên tim và hệ tuần hoàn. Trong thời gian mang thai, thể tích máu cần tăng từ 30 – 50% để đủ nuôi dưỡng thai nhi trong bụng phát triển. Lượng máu tim bơm mỗi phút cũng tăng từ 30 – 50%. Nhịp tim của người mẹ theo đó cũng tăng theo. Để bắt kịp những thay đổi này của cơ thể, trái tim phải làm việc chăm chỉ hơn để cung cấp máu nuôi cơ thể.

Quá trình chuyển dạ và sinh con cũng tạo thêm áp lực và trái tim phải hoạt động nhiều hơn. Trong thời gian chuyển dạ, đặc biệt khi trong cơn rặn đẻ, lưu lượng máu và áp suất trong khoang ổ bụng sẽ thay đổi đột ngột. Khi em bé được sinh ra, lưu lượng máu qua tử cung bị mất đi cũng sẽ dồn về tim, tạo áp lực bắt tim phải hoạt động nhiều hơn.

Những rủi ro có thể gặp phải ở phụ nữ mắc bệnh tim khi mang thai

Độ rủi ro mà phụ nữ mang thai gặp phải sẽ phụ thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tim mạch.

  • Các vấn đề về nhịp tim: Trong thai kỳ, bà bầu thường bị rối loạn nhịp tim. Rất may là những bất thường này không đáng kể.
  • Van tim có vấn đề: Nếu đã từng thay van tim nhân tạo hay tim hoặc van tim bị sẹo hoặc bị dị tật, bà bầu có nguy cơ cao gặp phải biến chứng. Nếu van tim không hoạt động tốt, tim sẽ không thể chịu đựng được lượng máu tăng lên trong cơ thể suốt quá trình mang thai.
  • Suy tim sung huyết: Khi khối lượng máu tăng, tình trạng bệnh suy tim sung huyết có thể trở nên nặng hơn.
  • Tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Bệnh nhiễm trùng các lớp lót bên trong của tim (màng trong tim) và van tim, thường xảy ra với những người có van nhân tạo và van tim dị thường có khả năng đe dọa đến tính mạng. Hầu hết các loại van tim nhân tạo cơ học đều gây ảnh hưởng xấu đến phụ nữ mang thai và thai nhi. Nguyên nhân là do phụ nữ có thai thường phải sử dụng các chất kháng đông kèm theo dẫn đến ảnh hưởng đến khả năng đông máu có thể đe dọa tính mạng.
  • Khuyết tật bẩm sinh tim: Nếu mẹ bị dị tật tim bẩm sinh, thai nhi cũng có nguy cơ mắc phải một số loại khuyết tật tim.
  • Sinh non: Nguy cơ sinh non của những phụ nữ bị bệnh tim cũng cao hơn những người khác.
mắc bệnh tim khi có thai
Phụ nữ mắc bệnh tim mạch khi mang thai dễ gặp phải các biến chứng thai kỳ

Những biến chứng có thể gặp phải liên quan đến tim và thai kỳ

Một số dạng bệnh tim, bao gồm cả các bệnh tim liên quan đến van hai lá hoặc van động mạch chủ đều có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của mẹ và bé. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, một số phụ nữ mắc bệnh tim có thể cần phải phẫu thuật tim trước khi muốn mang thai.

Những phụ nữ mắc hội chứng bẩm sinh hiếm gặp Eisenmenger hoặc bị huyết áp cao trong các mạch máu phổi không nên mang thai vì áp lực máu ở các động mạch phổi cũng như phía bên phải của tim (tăng huyết áp động mạch phổi) thường tăng quá cao đến nỗi không thể mang thai được.

>> Xem thêm Khuyến cáo mới của Hội tim châu Âu về bệnh tim mạch trong thai kỳ

Phụ nữ mắc bệnh tim mạch cần chuẩn bị những gì trước khi mang thai?

Trước khi cố gắng thụ thai, người bệnh nên thảo luận trước với bác sĩ tim mạch. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh tim và xem xét để điều chỉnh cách điều trị bệnh trước khi mang thai.

Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh tim không được sử dụng trong thai kỳ. Tùy thuộc vào từng trường hợp, bác sĩ có thể điều chỉnh liều dùng hoặc dùng các loại thuốc thay thế khác và tư vấn trước những rủi ro có thể gặp phải.

Bà bầu mắc bệnh tim cần kiểm tra những gì trong thai kỳ?

mắc bệnh tim khi có thai
Bà bầu mắc bệnh tim cần đi khám thai thường xuyên hơn

Trong thời gian mang thai, bà bầu mắc bệnh tim cần đi khám thai thường xuyên hơn. Bác sĩ sẽ kiểm tra trọng lượng và huyết áp thường xuyên ở mỗi lần thăm khám. Ngoài ra, bác sĩ cũng chỉ định xét nghiệm máu và nước tiểu thường xuyên hơn.

Bà bầu mắc bệnh tim cũng cần thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau để đánh giá hoạt động và tình trạng bệnh tim, bao gồm:

  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh tim của bạn.
  • Điện tâm đồ: Biện pháp ghi lại hoạt động và nhịp đập của trái tim.

Phụ nữ mắc bệnh tim mạch khi có thai nên dùng các loại thuốc nào?

Bà bầu nên nhớ, bất kỳ loại thuốc nào mà bạn dùng cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Nếu buộc phải dùng thuốc, thông thường bác sĩ sẽ đánh giá những lợi ích khi dùng thuốc sẽ lớn hơn những rủi ro có thể gặp phải. Nếu phụ nữ có thai cần dùng thuốc để điều trị và kiểm soát bệnh tình, các bác sĩ sẽ kê toa thuốc ở liều thích hợp nhất để đảm bảo an toàn cho bạn.

Bởi vậy, điều quan trọng là bà bầu cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Khi dùng thuốc, nên uống đúng theo quy định, không được tự ý ngưng dùng thuốc hoặc tự ý điều chỉnh liều dùng thuốc.

Những lưu ý quan trọng giúp phòng ngừa biến chứng thai kỳ

Để đảm bảo sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ, bà bầu bị mắc bệnh tim cần lưu ý những điều sau:

  • Khám thai theo lịch, có thể khám thường xuyên hơn nếu có bất thường.
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn: Bạn nên ngủ trưa hàng ngày. Bất cứ khi nào cảm thấy mệt, khó thở, nên nằm xuống nghỉ ngơi.
  • Theo dõi cân nặng thường xuyên: Nếu bạn tăng cân quá nhiều, tim sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn.
  • Giảm bớt căng thẳng và lo lắng: Tìm hiểu những rủi ro, biến chứng có thể gặp phải khi mang thai và chuyển dạ, sẽ giúp bạn chủ động phòng tránh và có thể cảm thấy thoải mái, bớt lo lắng hơn nhiều.
  • Hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích khác.

Khi nào cần đi khám ngay?

  • Khó thở
  • Thở dốc khi gắng sức
  • Tim đập nhanh hoặc đập bất thường
  • Ho ra máu hoặc ho vào ban đêm
  • Đau tức ngực.

Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào như trên, bà bầu nên đi khám ngay, tránh biến chứng nguy hiểm.