Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Tìm hiểu về nguyên nhân cũng như những biến chứng nguy hiểm sẽ giúp người bệnh chủ động tìm kiếm các biện pháp điều trị phù hợp.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Cột sống của con người giữ vai trò như trụ cột để nâng đỡ cơ thể, giữa đốt sống là các đĩa đệm có tính đàn hồi. Nhờ hình dạng gần giống chữ S, cột sống giúp phân tán các lực tác động lên thân mình, giảm chấn động lên 2 chân trong tư thế đứng thẳng.
Đĩa đệm là cấu trúc nằm giữa hai đốt sống kề cận, hoạt động như một tấm đệm hấp thụ xung động (lực ma sát khi di chuyển), từ đó bảo vệ cột sống. Đĩa đệm có dạng hình tròn và dẹt, gồm có: lớp vỏ bao xơ bên ngoài dày và chắc, phần nhân nhầy nằm ở trung tâm (như gel, thạch hoặc lòng trắng trứng).
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường, xuyên qua dây chằng chèn ép vào các rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức.
>> Xem thêm 10 Bài tập hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp bàn tay
Các giai đoạn của thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm được chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Đĩa đệm bắt đầu biến dạng nhưng vòng bao xơ chưa rách. Người bệnh thỉnh thoảng bị tê tay, tê chân, không đau nhức nên hầu hết không phát hiện mình đang mắc bệnh.
- Giai đoạn 2: Vòng xơ rách một phần, nhân nhầy bắt đầu thoát ra ngay chỗ vòng xơ bị suy yếu, đĩa đệm phình to, tuy nhiên cơn đau vẫn chưa rõ ràng.
- Giai đoạn 3: Vòng xơ rách toàn phần, nhân nhầy lồi ra ngoài và chèn ép rễ thần kinh gây đau đớn. Đa số khi đến giai đoạn này, người bệnh mới bắt đầu điều trị.
- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất. Tình trạng chèn ép rễ thần kinh diễn ra lâu ngày gây biến chứng nguy hiểm. Cơn đau nhức dữ dội và dai dẳng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý người bệnh.
>> Xem thêm Lời khuyên giúp bạn tránh đau nhức xương khớp
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh thoát vị đĩa đệm
Nguyên nhân gây bệnh
- Do chấn thương: Yếu tố chấn thương cấp (thay đổi tư thế đột ngột, ngã, tai nạn…) cùng những yếu tố vi chấn thương (sang chấn không đủ mạnh nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần) có thể là nguyên nhân khởi phát ban đầu.
- Do tuổi cao: Tuổi càng cao thì sức đề kháng của vòng sợi càng kém, khả năng tổng hợp mucopolysaccharide và collagen của đĩa đệm càng giảm, tế bào mâm sụn cũng mất đi khả năng tự tái tạo. Lúc này nếu cột sống vẫn phải chịu trọng tải lớn cùng sự ảnh hưởng của các chấn thương và vi chấn thương thì thoát vị đĩa đệm sẽ xảy ra.
- Do tư thế sai: Làm việc, vận động sai tư thế hoặc quá sức đều khiến cột sống và đĩa đệm bị tổn thương.
- Do di truyền: Nếu trong gia đình có người bị thoát vị đĩa đệm thì tỷ lệ bạn mắc bệnh cũng tăng cao.
Các yếu tố nguy cơ
- Cân nặng: Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên cột sống. Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ thoát vị đĩa đệm gấp 2 lần so với những người khác.
- Bệnh lý bẩm sinh: Gù vẹo cột sống, gai đôi hoặc thoái hóa cột sống là những yếu tố làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
- Đặc tính nghề nghiệp: Những người phải làm việc trong tư thế gò bó, quá ưỡn, quá gù hoặc vận động quá giới hạn sinh lý của cột sống như lái xe, công nhân khuân vác, thợ may, thợ quét vôi, nha sĩ, dân văn phòng… có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.
- Do thói quen sinh hoạt: Ngồi gập cổ, gù lưng, ngủ gối quá cao, cúi người nâng vật nặng… là những thói quen xấu khiến đĩa đệm bị tổn thương. Đi giày cao gót thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ bị lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, biến dạng cơ bắp chân và dây chằng ở chân.
Biến chứng của thoát vị đĩa đệm
Trong những trường hợp nặng, thoát vị đĩa đệm có thể gây đau, tê dữ dội ở vùng cơ thể bị ảnh hưởng thậm chí gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Các biến chứng của thoát vị đĩa đệm không xảy ra đột ngột mà diễn biến từ từ. Nếu không điều trị hoặc điều trị sai cách có thể dẫn đến các hệ lụy sau:
- Teo cơ: Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện các triệu chứng đau, hạn chế vận động. Lâu ngày, phần ít vận động sẽ bị teo cơ. Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm còn gây chèn ép các dây thần kinh, mạch máu dẫn đến lưu thông mạch máu kém, giảm cung cấp dinh dưỡng đến các cơ quan bị đau, lâu ngày dẫn đến teo cơ.
- Mất khả năng vận động: Đây được xem là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của thoát vị đĩa đệm, xảy ra khi khối thoát vị chèn ép vào tủy sống làm cho người bệnh bị liệt vận động 1 hoặc 2 chân, nặng hơn nữa có thể chèn ép vào tủy cổ gây liệt tứ chi, dẫn đến tàn phế.
- Tê bì, dị cảm, rối loạn cảm giác: Thoát vị đĩa đệm chèn ép vào các dây thần kinh, gây rối loạn cảm giác, đặc biệt là cảm giác nông như không phân biệt được nóng, lạnh, đau, thường xuyên cảm thấy tê bì, cảm giác bứt rứt như kiến bò…
- Rối loạn chức năng đại tiểu tiện: Thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng gây chèn ép vào cơ tròn làm rối loạn chức năng của cơ tròn, khiến người bệnh đại tiểu tiện không tự chủ, hoặc bí tiểu ngay cả khi bàng quang đã đầy, để lâu có thể gây căng, vỡ bàng quang.