Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi thận có thể gây nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, áp xe thận rất nguy hiểm. Do vậy, nhận biết các dấu hiệu đầu tiên của sỏi thận để điều trị là điều vô cùng quan trọng.
Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là tập hợp các khoáng chất và muối hình thành bên trong thận và có thể đi khắp đường tiết niệu, đọng lại và gây nhiễm trùng hoặc biến chứng. Kích thước của sỏi thận có thể vài mm đến vài cm.
Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao. Khi tình trạng trên kéo dài trong nhiều ngày sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Sỏi thận có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, những viên sỏi lớn khi di chuyển trong thận, niệu quản, bàng quang… gây cọ xát dẫn tới tổn thương thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu để lại những biến chứng rất nguy hiểm.
Một số dấu hiệu đầu tiên của sỏi thận cần để ý
Đau bụng, lưng, bên hông
Mức độ đau có thể so sánh với cơn đau khi chuyển dạ. Khi sỏi di chuyển vào niệu quản sẽ gây tắc nghẽn, tạo áp lực cho thận. Cơn đau có thể bắt đầu đột ngột và khác nhau về cường độ và vị trí. Cơn đau có thể đến từng đợt, kéo dài vài phút. Đau lưng có xu hướng lan rộng ra xung quanh.
Cần lưu ý rằng đau lưng có thể do nhiều vấn đề khác nhau. Do đó hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh.
Đau khi đi tiểu
Khi sỏi di chuyển đến điểm giao giữa bàng quang và niệu quản, khi đi tiểu sẽ có cảm giác đau, kèm bỏng rát. Triệu chứng này thường bị nhầm với nhiễm trùng đường tiết niệu.
Có máu trong nước tiểu
Máu thường khiến cho nước tiểu có màu hồng, nâu hoặc đỏ. Đôi khi các tế bào máu quá nhỏ còn gọi là đái máu vi thể, mắt thường không thể nhìn thấy được, chỉ có thể kiểm tra bằng xét nghiệm nước tiểu.
Nước tiểu đục, có mùi
Nước tiểu có mùi hôi có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng ở thận hoặc đường tiết niệu. Nguyên nhân nước tiểu đục có thể là do có mủ trong nước tiểu.
Không có khả năng làm rỗng bàng quang
Sự tắc nghẽn do sỏi thận gây ra có thể làm ngưng trệ, làm chậm dòng chảy của nước tiểu, khiến bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn khi đi tiểu.
Buồn nôn, nôn mửa
Những dây thần kinh kết nối đường tiêu hóa, thận và não có thể bị sỏi thận làm ảnh hưởng. Buồn nôn và nôn là những triệu chứng thường gặp.
Sốt, ớn lạnh
Sốt và ớn lạnh cảnh báo nhiễm trùng ở thận hoặc đường tiết niệu.
Các dấu hiệu đầu tiên của sỏi thận khác nhau theo độ tuổi và giới tính
Nam giới có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận cao gấp đôi so với nữ giới do ở nam giới cấu tạo đường niệu dài hơn, thời gian để đưa nước tiểu ra ngoài lâu hơn.
Di truyền đóng một vai trò lớn đối với cả hai giới. Nếu người thân ruột thịt trong gia đình mắc sỏi thận, nguy cơ mắc bệnh này ở nam giới cao gấp 2-3 lần.
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ hình thành sỏi gồm: chế độ ăn uống, mất nước, trời nóng nực và tác dụng phụ của thuốc.
Sự khác biệt trong giải phẫu cơ thể ở nam và nữ cũng có thể dẫn đến các triệu chứng khác nhau. Đối với nam giới, sỏi thận có thể dẫn đến đau bụng, lưng dưới hoặc háng, khó chịu ở dạ dày, đau vùng bụng trên, có thể đau âm ỉ, đau nhức hoặc đau nhói.
Cơn đau do sỏi thận ở phụ nữ có thể so sánh với những cơn đau bụng kinh, đau âm ỉ hoặc đau quằn quại.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa sỏi thận
Uống nhiều nước
Để phòng tránh sỏi thận, nên uống nhiều nước bởi nước là “chìa khóa” quan trọng để ngăn ngừa hình thành sỏi. Khi cơ thể bị mất nước, nước tiểu sẽ trở nên cô đặc hơn, các chất khoáng khó đào thải ra bên ngoài hơn. Nồng độ các chất khoáng càng cao thì nguy cơ hình thành sỏi thận càng cao.
Bên cạnh nước lọc, bạn có thể bổ sung chất lỏng khác như trà, nước chanh, tránh đồ uống có ga và rượu bia. Bạn cũng nên uống nhiều hơn khi trời nóng hoặc khi tập thể dục để bổ sung bù lượng chất lỏng bị mất qua mồ hôi.
Cắt giảm đạm động vật
Thực phẩm giàu đạm động vật có tính axit, làm tăng axit trong nước tiểu. Axit trong nước tiểu cao có thể gây ra sỏi thận.
Cắt giảm muối
Ăn nhiều muối dẫn đến lượng muối trong nước tiểu cao, khiến canxi không được tái hấp thu từ nước tiểu vào máu. Canxi trong nước tiểu cao dễ dẫn đến sỏi thận.
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều oxalat
Oxalat có thể liên kết với canxi trong nước tiểu để tạo thành sỏi thận. Hạn chế thực phẩm chứa oxalat sẽ giúp ngăn ngừa hình thành sỏi. Những thực phẩm chứa oxalat gồm: rau bina, khoai lang, socola, cà phê, củ cải, lạc, hạt điều, hạnh nhân…
Tránh bổ sung vitamin C quá nhiều
Bổ sung vitamin C sẽ tăng hấp thu canxi từ ruột vào, khiến canxi trong máu cao, lâu dần sẽ gây ra sỏi thận.
Ăn nhiều trái cây và rau củ
Ăn nhiều trái cây và rau củ sẽ giúp tăng khả năng đào thải citrate, nhờ vậy sẽ giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalat.
DS Phan Thu Hiền