Di chứng của Covid-19 hoặc hội chứng hậu Covid-19 có thể khiến nhiều người lo lắng và ái ngại. Những di chứng này cụ thể là gì?
Di chứng của Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa di chứng của Covid-19 là tình trạng xảy ra ở những người từng bị nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu nhiễm bệnh, và kéo dài ít nhất 2 tháng.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức nhưng cũng có những triệu chứng khác và thường có ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng cũng có thể tái phát theo thời gian.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến những di chứng sau Covid-19 là người cao tuổi, người có nhiều bệnh nền và béo phì. Các di chứng để lại sau Covid-19 có thể xuất hiện ở cả những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khi nhiễm bệnh.
Phân biệt các di chứng sau Covid-19 với bệnh lý khác
Có thể khó phân biệt các di chứng sau Covid-19 với các triệu chứng xảy ra vì các lý do khác. Vì vậy, cần phải kiểm tra xem đây là do vấn đề sức khỏe đã có từ trước, hay tái nhiễm Covid-19.
Cũng có một số bệnh nhân mắc các di chứng sau Covid-19 không có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vì xét nghiệm không chính xác trong giai đoạn tái nhiễm, hoặc do mức độ kháng thể suy giảm hoặc xét nghiệm kháng thể âm tính giả nên cần phải theo dõi thêm.
Các di chứng của Covid-19 gồm những gì?
SARS-CoV-2 đã được ghi nhận là gây tác động lên đa cơ quan của cơ thể, bao gồm tim mạch, phổi, thận, da liễu, thần kinh và tâm thần.
Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS) và các tình trạng tự miễn dịch cũng có thể xảy ra sau Covid-19.
Hội chứng viêm đa hệ thống có thể dẫn đến các triệu chứng lâu dài hơn do các biến chứng chưa được giải quyết từ căn bệnh này. Một loạt các triệu chứng có thể vẫn tồn tại sau khi bệnh cấp tính đã khỏi (ví dụ viêm phổi, viêm cơ tim). Vẫn chưa biết các triệu chứng có thể kéo dài bao lâu và liệu có kéo dài thành mạn tính hay không.
Danh mục các di chứng này không giống nhau ở tất cả bệnh nhân và cũng có thể thay đổi trong tương lai do virut liên tục biến chủng.
- Khó thở hoặc gắng sức để thở
- Mệt mỏi
- Khó chịu sau khi gắng sức
- “Sương mù não” hoặc suy giảm nhận thức
- Ho
- Đau ngực
- Đau đầu
- Đánh trống ngực, nhịp tim nhanh
- Đau khớp
- Đau cơ
- Có cảm giác kiến bò
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Mất ngủ và khó ngủ
- Sốt
- Cảm giác lâng lâng
- Suy giảm chức năng và khả năng vận động
- Phát ban (ví dụ mày đay)
- Thay đổi tâm trạng
- Mất khứu giác hoặc rối loạn vị giác
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng như oxy máu giảm thấp, đau ngực, khó thở cần thông báo với cơ quan y tế ngay.
Các di chứng Covid xuất hiện khi nào và kéo dài bao lâu?
1. Sau 1 tháng
Một đánh giá cho thấy 63,2% số người sống sót sau Covid-19 có một hoặc nhiều di chứng sau 30 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. Các triệu chứng thường gặp nhất là ho, mất khứu giác hoặc vị giác, khó thở, mệt mỏi và lú lẫn.
Khoảng 40% số người bị ho dai dẳng từ hai đến ba tuần sau các triệu chứng ban đầu. Các triệu chứng này thường sẽ suy giảm sau 3 tháng.
Khoảng 40% số người bị giảm khứu giác và vị giác. Đa số phục hồi hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn sau một tháng.
2,5% người xuất hiện huyết khối tĩnh mạch.
Các phương pháp điều trị:
- Dùng thuốc giảm ho không kê đơn
- Tự theo dõi độ bão hòa oxy bằng máy đo oxy
- Triệu chứng về khứu giác và vị giác sẽ tự cải thiện trong vài tuần mà không cần điều trị
- Với triệu chứng huyết khối thì cần điều trị tương tự như các bệnh nhân bị huyết khối khác, bao gồm thuốc chống đông máu và heparin trọng lượng phân tử thấp là những chất chống đông máu được ưu tiên hơn thuốc đối kháng vitamin K.
2. Sau 3 tháng
Một nghiên cứu của Lancet Regional Health Europe cho thấy 55% người tham gia báo cáo không cảm thấy hồi phục hoàn toàn sau 3 tháng xuất viện, và 93% báo cáo các triệu chứng dai dẳng hoặc xuất hiện mới.
Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở, đau cơ và khớp, mất khứu giác hoặc vị giác và khó ngủ.
Khó chịu ở ngực vẫn tồn tại ở 12%-22% bệnh nhân kéo dài khoảng 2-3 tháng sau khi nhiễm Covid-19.
Một đánh giá có hệ thống về di chứng tim sau Covid-19 cho thấy xuất hiện các vấn đề như rối loạn chức năng tâm trương, suy tim, loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim.
Các triệu chứng thần kinh phổ biến bao gồm đau đầu, chóng mặt và suy giảm nhận thức (hay còn gọi là “sương mù não”).
Các triệu chứng tâm lý như lo lắng, trầm cảm cũng thường gặp sau khi nhiễm Covid-19. Hơn 20% số người được khảo sát cho biết có các triệu chứng tâm lý hoặc trầm cảm. Tỷ lệ này cao hơn (trên 45%) ở những người đã ở trong ICU.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch, bệnh thận mạn tính và rụng tóc cũng được báo cáo.
Các trường hợp nhiễm toan ceton do đái tháo đường được báo cáo 2-3 tháng sau khi nhiễm Covid-19.
Để đánh giá các triệu chứng này, các chuyên gia thường yêu cầu người bệnh đi bộ trong 6 phút, kiểm tra chức năng phổi, chụp X-quang phổi, tình trạng tắc mạch phổi, siêu âm tim và chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao ở ngực trong tuần thứ 4-6 và 12 tuần sau khi xuất viện.
Các phương pháp điều trị:
Để giảm mệt mỏi, nên nghỉ ngơi, cố gắng ngủ đủ giấc và có các biện pháp để giảm căng thẳng.
- Để khắc phục tình trạng khó thở, cần tập các bài tập thở và xem xét phục hồi chức năng phổi.
- Khó chịu ở ngực nói chung không cần điều trị. Đối với những trường hợp khó chịu nghiêm trọng, có thể cần sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
- Các biến chứng thần kinh cần được kiểm soát tương tự như các bệnh tâm thần khác. Những người có các triệu chứng tâm thần nghiêm trọng hoặc có nguy cơ tự làm hại bản thân hoặc tự tử nên đi khám và điều trị tâm lý.
- Bệnh nhân vẫn bị rối loạn chức năng khứu giác 3 tháng sau khi bị Covid-19 nên đi khám tai mũi họng.
3. Sau 6 tháng
Có khoảng 54% người gặp ít nhất một di chứng sau Covid-19 từ 6 tháng trở lên.
Một đánh giá có hệ thống đã báo cáo rằng bệnh nhân sau Covid-19 có thể bị khó chịu ở ngực kéo dài, giảm chức năng phổi, mệt mỏi, các triệu chứng hô hấp, giảm khả năng hoạt động và giảm chất lượng cuộc sống lên đến 6 tháng sau khi bắt đầu có triệu chứng hoặc xuất viện.
Một đánh giá cho thấy mệt mỏi, yếu cơ, khó thở, đau và khó chịu, lo lắng, trầm cảm và suy giảm khả năng tập trung xuất hiện ở hơn 20% bệnh nhân.
Các triệu chứng kéo dài dai dẳng khác là mất khứu giác, vị giác và khó ngủ.
Trong một nghiên cứu về những bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp cấp liên quan đến Covid-19 cho thấy có hơn 90% người bệnh có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần.
3% bệnh nhân ghi nhận phát ban trên da sau sáu tháng theo dõi.
Ở trẻ nhỏ, có khoảng 42,6% (29 trong 68 trẻ) vẫn có ít nhất một di chứng Covid hơn bốn tháng sau khi đã khỏi bệnh.
Một nghiên cứu của Iran còn phát hiện ra rằng 44,8% trẻ em và thanh thiếu niên xuất hiện các di chứng ít nhất 3 tháng sau khi xuất viện, bao gồm mệt mỏi, khó thở, suy nhược.
Một nghiên cứu ở Anh cho thấy 1 trong 7 người (14%) vẫn có thể có các triệu chứng sau 3-4 tháng.
Các phương pháp điều trị:
- Điều trị các triệu chứng mệt mỏi, khó thở và các biến chứng thần kinh tương tự như ở những bệnh nhân không bị Covid khác.
- Phục hồi chức năng bao gồm các bài tập aerobic nhẹ và bài tập thở.
- Để hạ sốt và giảm đau, có thể cần dùng thuốc paracetamol và thuốc chống viêm không steroid.
4. Sau 12 tháng
Khoảng 50% số người khảo sát vẫn có ít nhất một triệu chứng sau 12 tháng. Các triệu chứng thường là mệt mỏi, khó thở, sương mù não, đau đầu, kiểm soát nhiệt độ kém, ngứa ran ở mặt, sưng hạch và buồn nôn.
Một nghiên cứu so sánh các triệu chứng sau 6 tháng và 12 tháng cho thấy rằng bệnh nhân có ít nhất một triệu chứng hậu Covid giảm từ 68% xuống 49%, khó thở tăng nhẹ từ 26% lên 30% và nhiều bệnh nhân bị lo âu hoặc trầm cảm sau 12 tháng tăng cao hơn so với 6 tháng (26% so với 23%).
Gần 10% người bị đau cơ xương tại một số thời điểm trong 12 tháng đầu tiên sau khi nhiễm bệnh.
Hầu hết những người sống sót sau Covid-19 đã hồi phục tốt về thể chất và chức năng trong thời gian theo dõi 1 năm, và đã trở lại công việc và cuộc sống ban đầu (88%).
Các phương pháp điều trị:
Việc dùng thuốc và các phương pháp điều trị triệu chứng tương tự như các giai đoạn trước.
Lưu ý: Trên đây là những thông tin từ các nghiên cứu nhỏ tại một số quốc gia, chỉ có tính chất tham khảo, không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp và mọi vùng lãnh thổ. Do vậy, không nên quá lo lắng với Covid-19 và các di chứng mà căn bệnh này gây ra. Việc cần làm là luôn tuân thủ 5K, tiêm vaccine đầy đủ khi đến lịch, ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe tổng thể. Luôn đề phòng nhưng không lo lắng, vui vẻ sống sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Vân Anh