Những điều chưa biết về viêm cơ tim: Nguyên nhân và cách điều trị

Có thể bạn đã nghe tới một số tác dụng phụ hiếm gặp khi tiêm vắc xin Covid-19 có người gặp phải tình trạng viêm cơ tim. Vậy đây là bệnh gì và có nguy hiểm hay không?

bệnh viêm cơ tim
Viêm cơ tim là tình trạng bệnh có thể do vi rút gây ra

Viêm cơ tim là gì?

Viêm cơ tim là tình trạng cơ tim bị viêm. Tình trạng viêm cơ tim có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim và gây ra nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường (loạn nhịp tim).

Nhiễm vi rút thường là nguy cơ hàng đầu gây ra viêm cơ tim. Đôi khi viêm cơ tim có thể là do phản ứng phụ khi sử dụng thuốc hoặc là một phần của tình trạng viêm nói chung. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh bao gồm đau ngực, mệt mỏi, tức ngực, khó thở và nhịp tim nhanh hoặc đập không đều.

Viêm cơ tim thể nặng có thể khiến cho tim suy yếu khiến phần còn lại của cơ thể không nhận đủ lượng máu để hoạt động bình thường. Các cục máu đông có thể hình thành trong tim, dẫn đến đột quỵ hoặc cơn đau tim.

Dấu hiệu nhận biết viêm cơ tim

Nếu viêm cơ tim ở giai đoạn đầu thì người bệnh có thể chỉ xuất hiện một số triệu chứng nhẹ như: đau ngực, tim đập nhanh hoặc không đều có thể kèm theo khó thở. Một số người bị viêm cơ tim giai đoạn đầu không hề có bất kỳ triệu chứng nào khác.

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm cơ tim ở mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng viêm cơ tim phổ biến nhất bao gồm:

  • Tức ngực
  • Nhịp tim nhanh hoặc bất thường (loạn nhịp tim)
  • Khó thở khi nghỉ ngơi hoặc trong khi đang hoạt động
  • Chất lỏng tích tụ như sưng chân, sưng mắt cá chân và bàn chân
  • Mệt mỏi
  • Một số dấu hiệu tương tự với các triệu chứng nhiễm vi rút như đau đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, sốt, đau họng hoặc tiêu chảy

Đôi khi các triệu chứng viêm cơ tim có thể tương tự như một cơn đau tim. Nếu bạn bị tức ngực không rõ nguyên nhân và khó thở hãy liên lạc với cơ sở y tế gần nhất có thể.

Tình trạng viêm cơ tim ở trẻ em

bệnh viêm cơ tim
Trẻ nhỏ viêm cơ tim có thể xảy ra triệu chứng sốt cao, ngất

Đối với trẻ nhỏ bị viêm cơ tim thì có thể xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng gồm:

  • Sốt cao
  • Ngất xỉu
  • Khó thở
  • Thở nhanh
  • Tức ngực
  • Nhịp tim nhanh hoặc bất thường (loạn nhịp tim).

Nguyên nhân gây ra viêm cơ tim

bệnh viêm cơ tim
Nguyên nhân gây ra viêm cơ tim thường do vi rút

Thông thường, nguyên nhân của viêm cơ tim rất khó xác định. Bởi có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn nhưng có nguy cơ dẫn đến phát triển bệnh viêm cơ tim.

Một số nguyên nhân tiềm ẩn dẫn tới viêm cơ tim bao gồm:

  • Nhiễm vi rút: Nhiều loại vi rút thường liên quan đến viêm cơ tim, gồm vi rút gây cảm lạnh (adenovirus); viêm gan B và C; parnovirus, virus herpes simplex.
  • Vi khuẩn: Vi khuẩn có thể gây viêm cơ tim bao gồm tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn gây bệnh bạch cầu và vi khuẩn do ve gây ra bệnh Lyme.
  • Ký sinh trùng: Một số loại ký sinh trùng như Trypanosoma cruzi và toxoplasma, bao gồm một số loại được truyền qua côn trùng và có thể gây ra tình trạng là bệnh Chagas.
  • Nấm: Nhiễm trùng nấm men, như nấm candida; nấm mốc, chẳng hạn như aspergillus và các loại nấm khác như histoplasma, thường tìm thấy trong phân chim, đôi khi có thể gây viêm cơ tim, đặc biệt như những người suy giảm hệ miễn dịch.

Viêm cơ tim cũng xảy ra nếu như bạn tiếp xúc với:

  • Thuốc hoặc các loại thuốc bất hợp pháp có thể gây dị ứng hoặc có độc: bao gồm các loại thuốc để điều trị ung thư, thuốc kháng sinh, chẳng hạn như thuốc penicillin và sulfonamide; một số loại thuốc chống co giật.
  • Hóa chất hoặc bức xạ: tiếp xúc với một số hóa chất như carbon monoxide và bức xạ đôi khi có thể gây viêm cơ tim.
  • Những bệnh khác: một số rối loạn như lupus, u hạt Wegener, viêm động mạch tế bào khổng lồ và viêm động mạch Takayasu.

Mối liên hệ giữa tiêm vắc xin Covid-19 và nguy cơ viêm cơ tim

bệnh viêm cơ tim
Phát hiện một tỷ lệ hiếm gặp bị viêm cơ tim ở nam thanh niên dưới 30 tuổi tiêm vắc xin COVID-19

Theo CDC Hoa Kỳ, các chuyên gia đang theo dõi một lượng nhỏ các trường hợp bị viêm cơ tim sau khi tiêm chủng vắc xin COVID-19 mRNA. Tình trạng viêm cơ tim phát sinh trong khoảng 12,6 trường hợp trên 1 triệu liều vắc xin thứ 2 đã được tiêm.

Ủy ban Cố vấn về Thực hành tiêm chủng của CDC cho rằng có mối liên quan giữa việc tiêm vắc xin Pfizer và Moderna với các trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm. Tình trạng viêm có thể xảy ra ở cơ tim (vêm cơ tim) hoặc ở màng tim (viêm màng ngoài tim).

Phần lớn trường hợp xảy ra ở những người từ 30 tuổi trở xuống, chủ yếu thường gặp ở nam giới. Và tình trạng viêm thường gặp sau liều thứ 2 của vắc xin.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học vẫn cho rằn còn quá sớm để liên kết tình trạng viêm cơ tim và tiêm vắc xin COVID-19. Cũng như bất kỳ can thiệp y tế nào, các bác sĩ khuyến cáo bất kể ai tiêm vắc xin COVID-19 đều cần theo dõi kĩ sức khỏe của mình sau 1 tháng.

Các bác sĩ cũng cho rằng những người đảm bảo sức khỏe và trên 12 tuổi nên tiêm vắc xin COVID-19. Bởi lợi ích của tiêm vắc xin COVID-19 vượt xa nguy cơ rất nhỏ bị viêm cơ tim.

Biến chứng của viêm cơ tim đối với sức khỏe

bệnh viêm cơ tim sẽ tự khỏi
Thường bệnh viêm cơ tim sẽ tự khỏi mà không có biến chứng

Thông thường, bệnh viêm cơ tim sẽ tự khỏi mà không có biến chứng vĩnh viễn. Tuy nhiên, viêm cơ tim ở mức độ nặng có thể gây tác động xấu tới hoạt động của cơ tim về sau, cụ thể:

  • Suy tim: Nếu không được điều trị, viêm cơ tim có thể làm hỏng cơ tim khiến cho tim không thể bơm máu hiệu quả. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, suy tim liên quan đến viêm cơ tim có thể yêu cầu cần thiết bị hỗ trợ tâm thất hoặc cấy ghép tim.
  • Đau tim hoặc đột quỵ: Nếu cơ tim bị thương và không thể bơm máu, việc tích tụ cục máu đông trong tim có thể bị hình thành cục màu đông. Nếu cục máu đông làm tắc nghẽn một trong những động mạch của tim có thể bị đau tim. Nếu cục máu đông trong tim di chuyển đến động mạch trong não, người bệnh có thể bị đột quỵ.
  • Nhịp tim đập nhanh hoặc bất thường (loạn nhịp tim): Tổn thương cơ tim có thể gây ra nhịp tim bất thường.
  • Đột tử do tim: Một số chứng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có thể khiến tim ngừng đập (ngừng tim đột ngột). Bệnh có thể gây chết người nếu không được điều trị ngay lập tức.

Phòng ngừa viêm cơ tim bằng cách nào?

Không có biện pháp cụ thể để phòng ngừa viêm cơ tim. Tuy nhiên, hãy thực hiện các bước sau để ngăn ngừa nhiễm trùng có thể giúp:

  • Tránh xa người bị nhiễm vi rút hoặc cúm cho đến khi họ khỏi bệnh: Nếu bị ốm với các triệu chứng của nhiễm vi rút, hãy cố gắng tránh để người khác tiếp xúc.
  • Tuân thủ vệ sinh thật tốt: Rửa tay thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa bệnh lây lan.
  • Tránh hành vi gây ra nguy cơ: Giảm nguy cơ nhiễm trùng cơ tim liên quan tới HIV bằng cách thực hiện tình dục an toàn và không sử dụng ma túy bất hợp pháp.
  • Tiêm vắc xin đúng theo lịch: Luôn tiêm đúng và đủ các loại vắc xin để bảo vệ chống lại các bệnh như COVID-19, rubella và cúm.

Chấn đoán và điều trị viêm cơ tim

Chẩn đoán viêm cơ tim cần một số xét nghiệm
Chẩn đoán viêm cơ tim cần một số xét nghiệm do bác sĩ chỉ định

Chẩn đoán viêm cơ tim

Khi có các triệu chứng giống viêm cơ tim bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu kiểm tra nhiễm trùng, kháng thể hoặc số lượng tế bào máu
  • Chụp X-quang ngực để nhìn thấy tim, phổi và các cấu trúc ngực khác
  • Điện tâm đồ (EKG) để ghi lại hoạt động điện của tim
  • Siêu âm tim để tạo hình ảnh của tim và cấu trúc

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI tim hoặc sinh thiết cơ tim để giúp xác nhận tình trạng bệnh.

Điều trị viêm cơ tim

Nếu bị viêm cơ tim, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân của bệnh nếu có thể. Họ sẽ cố gắng giảm tải thêm cho trái tim, nếu cần và thực hiện các bước để ngăn ngừa hoặc kiểm soát các biến chứng.

Thông thường, người bệnh sẽ được kê đơn các loại thuốc để giúp tim hoạt động tốt hơn. Một số loại thuốc bao gồm:

  • Chất gây ức chế ACE
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc lợi tiểu

Bác sĩ cũng đề nghị nghỉ ngơi hoặc giảm hoạt động. Họ cũng có thể khuyến nghị chế độ ăn ít muối để chất lỏng không bị tích tụ.

Người bệnh có thể bị nhập viện nếu gặp các biến chứng, như cục máu đông hoặc suy tim. Nếu nhịp tim bất thường nghiêm trọng, người bệnh có thể cần dùng các loại thuốc khác như máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim cấy ghép.

Đào Tâm