Chín mé do virus herpes là bệnh nhiễm trùng ngoài da thường gặp, thường gây viêm, nhiễm trùng ở đầu ngón tay, ngón chân. Chín mé nếu không biết cách xử lý có thể gây ra hậu quả trên các cơ quan khác.
Chín mé do virus herpes là bệnh gì?
Chín mé do virus herpes là tình trạng viêm, nhiễm trùng đầu ngón tay do virus herpes simplex (HSV) gây ra dẫn đến mẩn đỏ, đau nhức và mụn nước chứa đầy dịch. Đây là loại virus gây bệnh phổ biến, ảnh hưởng tới hơn 90% dân số trên thế giới. HSV có 2 loại là HSV-1 và HSV-2 trong đó HSV-1 gây chín mé chiếm khoảng 60%.
Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và cả hai giới đều có thể bị chín mé do herpes. Tuy nhiên, bệnh phổ biến hơn ở trẻ em, nhân viên nha khoa và nhân viên y tế. Trẻ em thường bị nổi mụn rộp do mút ngón tay cái hoặc các ngón tay khác khi chúng bị nhiễm herpes ở môi hoặc miệng. Nhân viên nha khoa và nhân viên y tế có thể mắc bệnh khi chạm vào các tổn thương dễ lây lan của bệnh nhân bị nhiễm HSV.
Triệu chứng của bệnh chín mé do virus herpes
Khoảng 2–20 ngày sau khi tiếp xúc lần đầu với virus herpes simplex, khu vực bị nhiễm trùng sẽ phát triển các triệu chứng nóng rát, ngứa ran và đau. Trong 1 hoặc 2 tuần tiếp theo, ngón tay trở nên đỏ và sưng lên. Các mụn nước nhỏ (1-3 mm) chứa đầy dịch, thường tụ lại với nhau trên nền màu đỏ tươi. Các mụn nước thường vỡ ra và đóng vảy, khoảng sau 2 tuần mới lành lại.
Các triệu chứng khác có thể gặp khi bị chín mé do herpes như: sưng hạch bạch huyết ở nách hoặc khuỷu tay, sốt.
Cách điều trị và xử trí ngón tay bị chín mé do virus herpes
Chín mé do virus có thể tự lành trong vài tuần mà không cần dùng thuốc, nhưng thuốc kháng virus kê đơn có thể rút ngắn thời gian bùng phát và lây nhiễm virus cho người khác. Tuy nhiên thuốc kháng virus chỉ có hiệu quả khi sử dụng trong vòng 24 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng.
Nếu vết phồng rộp bị vỡ và nhiễm trùng, người bệnh có thể cần phải dùng kháng sinh. Các thuốc bôi tại chỗ lên vùng da bị tổn thương nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh có thể tự điều trị chín mé cho virus herpes bằng những biện pháp sau:
- Dùng thuốc giảm đau – chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen để giúp giảm đau và sốt trong trường hợp thân nhiệt tăng cao.
- Chườm lạnh vùng da bị nhiễm trùng nhiều lần trong ngày để giảm sưng
- Làm sạch vùng da bị sưng đau bằng cách rửa với các dung dịch sát khuẩn như thuốc tím pha loãng với nước, betadin…
- Quấn vùng da bị chín mé bằng băng gạc y tế để tránh nhiễm trùng lây lan
- Không cố gắng trích rạch chất lỏng ở vết phồng rộp vì có thể làm nhiễm trùng lan rộng. Nếu có hiện tượng mưng mủ cần đến ngay cơ sở y tế để được rạch mủ và xử trí phù hợp, tránh để lâu hoặc tự ý điều trị không đúng cách gây biến chứng.
Hậu quả của bệnh chín mé do virus herpes
Do tính chất dễ lây lan của virus, người bệnh nên che vùng bị phồng rộp cho đến khi lành, nếu không virus có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể hoặc lây truyền sang người khác.
Mang găng tay trong quá trình vệ sinh vùng da bị chín mé để ngăn ngừa tình trạng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Nếu chạm vào mắt bằng ngón tay bị nhiễm trùng, virus có thể lây lan sang mắt gây viêm nhiễm.
Các phương pháp phòng bệnh chín mé do virus herpes
Để tránh bị chín mé do virus herpes cần lưu ý:
- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay
- Cần hạn chế tối đa thói quen mút tay ở trẻ
- Không ngâm tay, chân quá lâu trong nước
- Tránh đi chân trần, đặc biệt là ở vùng đất cát
- Không cắt móng tay, móng chân sát vào da. Các vết rách khi cắt móng tay móng chân dễ tạo điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập.
DS Phan Thu Hiền