Covid-19 gây ra cục máu đông, đột quỵ và cả những nốt phát ban trên da ngày càng khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ về cách thức mà coronavirus gây ra với các mạch máu. Covid-19 liệu có phải là bệnh về mạch máu?
SARS-CoV-2 làm hỏng tế bào nội mô mạch máu
Khi các nhà khoa học hiểu rõ hơn về Covid-19, họ đã tìm hiểu hệ thống mạch máu – mạng lưới động mạch, tĩnh mạch và mao mạch của cơ thể, trải dài hơn 60.000 dặm – để hiểu về Covid-19 trên diện rộng và tìm ra các phương pháp điều trị có thể ngăn chặn nó.
Một số nghiên cứu về hậu quả mà bệnh Covid-19 gây ra cho thấy virus làm cong một phần quan trọng của mạch máu: lớp tế bào lót bên trong mỗi mạch máu, được gọi là tế bào nội mô hoặc đơn giản là nội mô.
Vai trò, chức năng của tế bào nội mô là ngăn ngừa đông máu, kiểm soát huyết áp, điều chỉnh stress oxy hóa và chống lại các tác nhân gây bệnh.
Tiến sĩ William Li – một nhà sinh học mạch máu, làm việc tại Angiogenesis Foundation (Một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ được thành lập để nghiên cứu về sự hình thành mạch) cho biết: “Khi virus làm hỏng tế bào nội mô mạch máu và làm vỡ lớp niêm mạc sẽ gây ra tác động với dòng chảy của máu”.
Báo cáo nghiên cứu được đăng tải trên khn.org (Kaiser Health News – là tòa soạn báo quốc gia Mỹ chuyên đưa các tin tức về các vấn đề sức khỏe).
Trong một nghiên cứu mới đây, tiến sĩ Li cùng cộng sự đã so sánh các mô phổi của những người chết vì Covid-19 với những mô phổi của những người tử vong vì bệnh cúm. Họ phát hiện ra sự khác biệt rõ rệt: Các mô phổi của các nạn nhân Covid có số lượng cục máu đông nhỏ nhiều gấp 9 lần so với các nạn nhân mất vì bệnh cúm và phổi bị nhiễm coronavirus cũng có biểu hiện “tổn thương nội mô nghiêm trọng”.
Các nhà khoa học nhận thấy các mạch máu bị tắc nghẽn và hình thành cục máu đông do lớp niêm mạc bị tổn thương.
Tiến sĩ Li đưa ra giả thuyết cho rằng virus tấn công trực tiếp vào các tế bào nội mô. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng coronavirus có thể lây nhiễm sang các tế bào nội mô. Nhưng cũng có thể các vấn đề bắt đầu từ nơi khác và các tế bào nội mô chịu tổn thương phụ trong quá trình hệ thống miễn dịch phản ứng (đôi khi phản ứng quá mức với virus).
Các nhà khoa học cho biết việc phát hiện ra cách virus gây nguy hiểm cho tế bào nội mô có thể phần nào hiểu được mối liên kết với các biến chứng mà Covid-19 gây ra: cục máu đông trong phổi và ngón chân, vấn đề với thận và thậm chí cả tim mạch.
Một nghiên cứu ở Tây Ban Nha cũng cho thấy: sinh thiết phần da có màu đỏ trên ngón chân đã tìm thấy các hạt virus trong tế bào nội mô. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng “tổn thương nội mô do virus gây ra có thể là cơ chế chính gây ra các tổn thương”.
Covid-19 tấn công các mạch máu não
Các triệu chứng thần kinh có thể xảy ra ở cả giai đoạn cấp tính và giai đoạn cuối của bệnh. Điển hình là động kinh, co giật, đột quỵ, mất ý thức. Làm thế nào coronavirus gây ra những triệu chứng này?
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng coronavirus tấn công các mạch máu – bao gồm cả những mạch máu trong não.
Nghiên cứu cho thấy coronavirus thực sự có thể xâm nhập vào tế bào thông qua thụ thể ACE2 do một số tế bào nội mô tạo ra và gây ra một bệnh lý đặc trưng có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi. Trong tế bào nội mô, enzyme Mpro của virus phá hủy protein nội sinh NEMO, kích hoạt chương trình chết tế bào. Một phát hiện quan trọng của nghiên cứu là các tế bào nội mô và hàng rào máu não bị phá hủy theo cách này.
Do đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra cơ chế mà SARS-CoV-2 gây hại trực tiếp cho các vi mạch trong não.
Tổn thương mạch máu liệu có phải biến chứng Covid-19?
Lớp nội mạc mạch máu sẽ cảnh báo cơ thể khi có sự tấn công của virus, vi khuẩn. Lúc này, các tế bào nội mô sẽ thay đổi cách thức hoạt động, giúp duy trì sức khỏe và chống lại những tác nhân xâm lược. Tuy nhiên, đôi khi việc này vượt quá tầm kiểm soát, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Trong những trường hợp này, các tế bào nội mô chống lại vật chủ và bắt đầu thúc đẩy quá trình đông máu và huyết áp cao.
Tiến sĩ Gaetano Santulli – nhà nghiên cứu tim mạch tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở Thành phố New York (Mỹ) nhận thấy cả hai dấu hiệu rối loạn chức năng này ở những bệnh nhân Covid-19.
Thậm chí, tiến sĩ Gaetano Santulli còn cho rằng, rối loạn chức năng nội mô chính là “nền tảng” của rối loạn chức năng cơ quan ở bệnh nhân Covid-19.
Tổn thương mạch máu là kết quả của phản ứng miễn dịch?
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ tổn thương hệ thống mạch máu cũng có thể đến từ phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với coronavirus.
Tiến sĩ Yogen Kanthi – chuyên gia y học mạch máu tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cho biết: Loại virus này tạo ra chứng viêm và điều này gây ra những hậu quả tai hại. Khi tình trạng viêm lan truyền qua lớp màng bên trong của mạch máu – viêm nội mạc – cục máu đông có thể hình thành khắp cơ thể, dẫn đến thiếu oxy đến các mô và khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý một số bệnh tự miễn dịch có thể dẫn đến sự tác động của quá trình đông máu và viêm nhiễm được gọi là chứng huyết khối miễn dịch.
Các nhà khoa học cho biết tổn thương lớn ở các mạch máu có thể giải thích tại sao những bệnh nhân Covid-19 có vấn đề về hô hấp nghiêm trọng không giống với những bệnh nhân cúm. Những bệnh nhân Covid bị khó thở, nhưng cần phải hiểu rằng phổi không chỉ là đường dẫn khí, mà nó còn liên quan đến các mạch máu. Đó là lý do tại sao bệnh nhân Covid-19 phải vật lộn để cung cấp oxy cho máu, ngay cả khi không khí đang được bơm vào phổi của họ.
Các bác sĩ điều trị Covid-19 còn lưu ý rằng các biến chứng như đột quỵ và các vấn đề về tim có thể xuất hiện ngay cả sau khi bệnh nhân khỏe hơn và nhịp thở của họ được cải thiện. Một số bệnh nhân có thể chuẩn bị xuất viện về nhà, nhưng tình trạng tắc mạch vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các mạch máu vẫn bị viêm, có thể do các cục máu đông.
Những ai có nguy cơ bị tổn hại mạch máu khi mắc Covid-19?
Theo đánh giá của các chuyên gia, những người đã bị tổn thương mạch máu do bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao có thể có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn.
Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ xuất hiện triệu chứng về mạch máu khi bị Covid-19, bao gồm:
- Béo phì
- Có chỉ số BMI cao
- Bệnh động mạch vành
- Tăng huyết áp động mạch phổi
- Bệnh hồng cầu hình liềm…
Những nghiên cứu về tác động của Covid-19 đến mạch máu được đánh giá là sẽ góp phần “mở đường” cho các nghiên cứu sâu hơn về các loại thuốc cũng như phương pháp ngăn chặn những nguy cơ này.
Nhận biết và tìm hiểu về các nguy cơ cũng sẽ giúp ích cho mọi người trong việc chủ động phòng ngừa, điều trị Covid-19, chăm sóc hậu Covid-19 để tăng cường sức khỏe.
Vân Anh