Bệnh gút và viêm khớp dạng thấp đều gây ra các cơn đau tại khớp đi kèm với triệu chứng viêm sưng. Nếu không hiểu rõ về hai bệnh có thể dẫn đến điều trị nhầm lẫn.
Những điểm giống nhau của bệnh gút và viêm khớp dạng thấp dễ gây nhầm lẫn
- Cả hai tình trạng bệnh lý đều có triệu chứng là đau, sưng, nóng, đỏ tại khớp
- Vị trí khớp đau: có thể viêm sưng tại các khớp ngón tay, ngón chân, cổ tay, cổ chân, khớp gối…
- Đều có thể dẫn đến biến dạng khớp
- Đều có thể gây ra viêm gân
- Đều làm tăng các xét nghiệm phản ứng viêm trong cơ thể: tăng bạch cầu, tăng CRP, tốc độ máu lắng.
Cả hai bệnh lý đều dẫn đến viêm nhưng bệnh gút và viêm khớp có bản chất hoàn toàn khác nhau và có những triệu chứng giúp nhận biết được. Nếu không có các triệu chứng bên ngoài dễ phân biệt, thì bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm.
Phân biệt triệu chứng của bệnh gút và viêm khớp dạng thấp
Triệu chứng bệnh gút
- Triệu chứng toàn thân: sốt cao
- Vị trí khớp sưng đau: ban đầu thường sưng, nóng, đỏ, đau khớp ngón chân cái. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp không đau ở khớp ngón tay, cổ tay…
- Tính chất đau: đau dữ dội, chỉ cần chạm nhẹ hoặc vận động nhẹ cũng khiến người bệnh đau đớn vô cùng.
- Gút mạn tính có thể hình thành các hạt tophi tại các khớp khủy tay, ngón tay, ngón chân, mu bàn tay, gót chân, sờ thấy lạo xạo. Ở giai đoạn nặng các tinh thể urat có thể gây cứng khớp, khớp sưng to, hạn chế vận động.
Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp
- Triệu chứng toàn thân: gầy sút, mệt mỏi, chán ăn, da xanh nhợt do thiếu máu, ít khi bị sốt.
- Vị trí khớp sưng đau: thường xuất hiện sớm tại các khớp xa như cổ tay, ngón tay, gối, cổ chân, bàn chân, ngón chân. Sưng đau thường có tính đối xứng cả hai bên.
- Tính chất đau: sưng đau gây hạn chế vận động, đau nhiều về đêm và sáng sớm.
- Hiện tượng cứng khớp buổi sáng.
- Các hạt dưới da: nổi gồ lên khỏi bề mặt da, chắc, không đau, thường gặp ở gần khớp khuỷu, gần khớp gối, số lượng không nhiều từ một tới vài hạt.
- Ở giai đoạn muộn thì viêm, sưng đau các khớp khuỷu tay, vai, háng, đốt sống cổ gây biến dạng khớp, dính khớp.
- Một số dấu hiệu khác như da khô, teo, hồng ban lòng bàn tay, teo cơ quanh khớp, viêm gân achille…
Phân biệt nguyên nhân gây bệnh gút và viêm khớp dạng thấp
Nguyên nhân gây bệnh gút
Bệnh gút hình thành do rối loạn chuyển hóa acid uric. Acid uric là sản phẩm chuyển hóa của purin. Purin là thành phần cấu tạo nhân tế bào đồng thời cũng có mặt rất nhiều trong các loại thực phẩm giàu đạm. Khi acid uric trong máu tăng quá cao có thể kết tinh lại thành dạng tinh thể. Các tinh thể này nếu lắng đọng ở khớp sẽ gây các cơn gút cấp.
Ngoài ra, tinh thể urat cũng có thể lắng đọng ở nhiều cơ quan khác như tại da tạo ra các hạt tophi, lắng đọng tại thận gây hình thành sỏi urat. Sự tăng acid uric máu có thể dẫn đến việc hình thành các triệu chứng bệnh hoặc không, vì chỉ khi các tinh thể urat xuất hiện và lắng đọng gây tổn thương các cơ quan mới làm phát sinh các triệu chứng.
Những yếu tố nguy cơ làm tăng acid uric gây phát sinh bệnh gút gồm:
- Tăng hấp thu các chất sinh acid uric: thực phẩm giàu đạm, thực phẩm chứa nhiều nhân purin đặc biệt là nội tạng động vật, tôm, cua, hải sản, uống nhiều bia rượu…
- Mắc bệnh thận làm giảm đào thải acid uric
- Các bệnh lý làm tăng phá hủy tế bào quá mức: bệnh ác tính, vẩy nến…
- Một số thuốc làm tăng acid uric như corticoid, thuốc lợi tiểu (furosemide), aspirin, thuốc chống lao (Ethambutol, Pyrazinamid)…
- Bệnh di truyền ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa purin.
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp, do rối loạn hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn tấn công phá hủy chính các mô của hệ khớp.
Ngoài ra, hệ miễn dịch có thể gây tổn thương các cơ quan khác như da, mắt, phổi, tim và mạch máu đi kèm với biểu hiện của viêm đa khớp dạng thấp. Nguyên nhân vì sao gây ra các phản ứng tự miễn này thì chưa được biết rõ.
Đối tượng nào dễ bị bệnh gút và viêm khớp dạng thấp
Với bệnh gút, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là:
- Người trưởng thành, ở độ tuổi trung niên
- Ăn uống mất cân bằng
- Uống nhiều rượu bia
- Mắc các bệnh lý như bệnh thận, suy giáp, bệnh tim mạch
- Dùng thuốc corticoid kéo dài
- Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới, với tỷ lệ là 90%
Với bệnh viêm khớp dạng thấp, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là:
- Người trưởng thành, ở độ tuổi trung niên
- Bệnh có tính di truyền
- Người béo phì, hút thuốc lá
- Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới, với tỷ lệ là 80%
Các xét nghiệm phân biệt bệnh gút và viêm khớp
Cả bệnh gút và viêm khớp dạng thấp có một số xét nghiệm chung như:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra lượng bạch cầu, tốc độ máu lắng
- Dịch khớp để kiểm tra vi khuẩn
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh gút:
- Tăng acid uric
- Dịch khớp nhiều bạch cầu, soi thấy các tinh thể urat
- X- Quang: lắng đọng urat tại các khớp, giai đoạn muộn có thể khuyết xương, hẹp khe xương, gai xương
- Yếu tố dạng thấp trong huyết thanh dương tính
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp:
- Dịch khớp chứa nhiều bạch cầu đa nhân trung tính, ít lympho…
- X-Quang: Ở giai đoạn đầu chỉ sưng tấy mô mềm, mất vôi xương ở khoảng gần khớp. Giai đoạn sau có loét bờ xương, phá hủy sụn khớp, bờ xương nham nhở, trục khớp lệch, khe khớp hẹp dần rồi dính khớp…
Thuốc điều tri bệnh gút và viêm khớp dạng thấp
Các thuốc điều trị bệnh gút bao gồm:
- Thuốc hạ acid uric như colchicine
- Thuốc ức chế tổng hợp acid uric như Allopurinol
- Thuốc giảm đau không steroid (NSAID): diclofenac, piroxicam để giảm các cơn đau cấp tính.
Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Thuốc chống thấp khớp DMARDs kinh điển hoặc DMARDs sinh học
- Thuốc giảm đau không steroid để giảm đau cấp tính
- Acid hyaluronic hoặc corticoid nội khớp giúp giảm triệu chứng và sự xuất hiện các đợt cấp.
Gút và viêm khớp dạng thấp đều là các bệnh rất phổ biến nhưng do những nguyên nhân khác nhau, có những triệu chứng khác biệt, vì vậy việc điều trị cũng hoàn toàn khác nhau. Bài viết cung cấp các thông tin giúp người bệnh hiểu rõ hơn từng bệnh lý. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ nên thăm khám bác sĩ sớm để điều trị chính xác.
DS Thanh Loan