Bệnh gút là một loại viêm khớp phổ biến gây đau dữ dội kèm theo sưng và cứng khớp. Bệnh thường sẽ gây đau khớp ở gốc ngón chân cái. Nhận biết sớm nguyên nhân gây ra bệnh để có cách điều trị hiệu quả.
Bệnh gút là loại bệnh thường gặp ở nam giới và rất hiếm khi xuất hiện ở phái nữ. Các cuộc tấn công do bệnh gút thường xảy ra nhanh chóng và dễ tái phát theo chu kỳ. Cơn đau tái diễn sẽ gây hại cho các mô trong vùng viêm và gây ra đau đớn.
Nguyên nhân gây ra bệnh gút
Tăng axit uric máu, nơi có nhiều axit uric trong cơ thể – chính là nguyên nhân gây ra bệnh gút.
Bệnh gút xảy ra khi các tinh thể urat tích tụ trong khớp, gây ra viêm và đau dữ dội do cơn gút tấn công. Các tinh thể urat hình thành khi có nồng độ axit uric trong máu cao. Cơ thể tạo ra axit uric khi phải phân hủy purin – chất tìm thấy tự nhiên trong cơ thể.
Purin cũng tìm thấy trong một số loại thực phẩm, gồm thịt đỏ và nội tạng động vật, như gan. Một số hải sản giàu purin như cá cơm, trai, sò điệp, cá hồi và cá ngừ. Đồ uống có cồn như bia và nước ngọt từ fructose cũng làm tăng nồng độ axit uric.
Thông thường, khi axit uric hòa tan trong máu và đi qua thận sẽ thải ra ngoài qua nước tiểu. Nhưng nếu cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric hoặc thận bài tiết ra quá ít axit uric. Khi đó, axit uric sẽ tích tụ lại, tạo thành các tinh thể urat sắc nhọn như kim trong khớp hoặc mô xung quanh gây đau, viêm và sưng.
Bệnh gút có gây biến chứng như hình thành sỏi thận và hạt tophi. Hạt tophi là các tinh thể axit hình thành khối lượng màu trắng phát triển xung quanh vùng bị đau.
Triệu chứng của bệnh gút
Các triệu chứng bệnh gút hầu như xảy ra đột ngột vào ban đêm. Chúng bao gồm:
- Đau khớp dữ dội: Bệnh gút thường ảnh hưởng tới ngón chân cái, nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào. Các khớp thường bị ảnh hưởng gồm mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay. Cơn đau có thể nghiêm trọng nhất trong vòng 4 giờ cho tới 12 giờ đầu tiên sau khi khởi phát.
- Khó chịu kéo dài: Khi giảm đau người bệnh thường cảm thấy khó chịu ở các khớp. Hệ quả kéo dài hơn cơn đau dữ dội ban đầu và ảnh hưởng tới nhiều khớp hơn.
- Viêm và tấy đỏ: Khớp bị sưng, mềm, nóng và đỏ.
- Khó vận động: Bệnh gút tiến triển sẽ ảnh hưởng đến vận động thường ngày của người bệnh.
Nguy cơ mắc bệnh gút
Một số đối tượng có khả năng bị tăng axit uric trong máu dễ dẫn tới bệnh gút, như:
- Độ tuổi: Bệnh gút phổ biến hơn ở người lớn tuổi và hiếm khi ảnh hưởng tới trẻ em.
- Giới tính: Thường những người dưới 65 tuổi, nam giới sẽ có khả năng bị bệnh gút nhiều gấp 4 lần so với nữ giới. Tỷ lệ này giảm xuống ở người trên 65 tuổi là gấp 3 lần.
- Di truyền: Bệnh gút cũng có tính di truyền trong gia đình.
- Ăn đồ ăn nhiều đạm, uống rượu: Uống rượu cản trở việc loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể. Chế độ ăn nhiều purin cũng làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. Cả hai yếu tố này đều dễ dẫn tới bệnh gút.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể. Chúng có thể bao gồm một số loại thuốc lợi tiểu và thuốc chứa salicylate.
Chấn đoán bệnh gút
Các bác sĩ thường chẩn đoán bệnh gút dựa trên các triệu chứng và sự xuất hiện của khớp bị ảnh hưởng. Các xét nghiệm sẽ giúp chẩn đoán bệnh gút có thể bao gồm:
- Kiểm tra dịch khớp: Bác sĩ có thể dùng kim hút dịch khớp đang bị đau. Các tinh thể urat có thể nhìn thấy khi chất lỏng được kiểm tra dưới kính hiển vi.
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu đo nồng độ axit uric trong máu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu có thể bị sai lệch. Một số người có nồng độ axit uric cao, nhưng không bị bệnh gút. Nhưng một số người có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự bệnh gút, nhưng không có nồng độ axit uric bất thường trong máu.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang khớp giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây viêm khớp.
- Siêu âm: Sử dụng sóng âm sẽ phát hiện các tinh thể urat trong khớp hoặc trong hạt tophi.
Phương pháp điều trị bệnh gút
Thuốc điều trị bệnh gút hiện nay có hai loại và tập trung vào hai vấn đề khác nhau do nguyên nhân gây ra bệnh gút. Loại đầu tiên giúp giảm viêm và đau do các cơn gút cấp. Loại thứ hai có tác dụng ngăn ngừa biến chứng bệnh gút bằng cách giảm thấp lượng axit uric trong máu.
Bác sĩ sẽ phụ thuộc vào tần suất và mức độ nghiêm trọng từng triệu chứng mà người bệnh gặp phải để kê thuốc cho phù hợp.
Thuốc điều trị cơn gút
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bùng phát bệnh gút và ngăn ngừa các cuộc tấn công trong tương lai bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Bao gồm các thuốc không kê đơn như ibuprofen, naproxen cũng như các NSAID theo toa mạnh hơn. Tuy nhiên dùng một số loại thuốc này sẽ có nguy cơ bị chảy máu, đau dạ dày.
- Colchicine: Thuốc chứa colchicine, một loại thuốc chống viêm có tác dụng giảm đau do gút hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc có thể được bù đắp bởi các tác dụng phụ khác như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
- Thuốc corticoid: Thuốc corticosteroid, như prednisone, có thể kiểm soát tình trạng viêm và đau do bệnh gút. Corticosteroid có thể ở dạng thuốc viêm hoặc chúng có thể được tiêm vào khớp. Các tác dụng phụ của corticosteroid có thể làm thay đổi tâm trạng, tăng lượng đường trong máu và tăng huyết áp.
Thuốc ngăn ngừa biến chứng bệnh gút
Nếu người bệnh thường bị tái phát bệnh gút mỗi năm hoặc nếu các cơn đau do gút cực kỳ đau đớn thì nên sử dụng thuốc để giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng liên quan tới gút.
Nếu người bệnh đã bị tổn thương do bệnh gút như đã có hạt tophi, bị bệnh thận mạn tính hoặc sỏi thận, thì nên dùng thuốc để giảm mức axit uric của cơ thể như:
- Thuốc ngăn chặn sản xuất axit uric: Các loại thuốc như allopurinol (Aloprim, Lopurin, Zyloprim) và febuxostat (Uloric) giúp hạn chế lượng axit uric mà cơ thể tạo ra. Các tác dụng phụ của allopurinol bao gồm sốt, phát ban, viêm gan và các vấn đề về thận. Tác dụng phụ của Febuxostat bao gồm phát ban, buồn nôn và giảm chức năng gan. Thuốc này cũng có thể làm tăng nguy cơ tử vong liên quan tới tim.
- Thuốc cải thiện loại bỏ axit uric: Các loại thuốc như probenecid (Probalan) giúp cải thiện khả năng loại bỏ axit uric của thận. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc bao gồm phát ban, đau dạ dày và sỏi thận.
Giải pháp phòng ngừa bệnh gút
Để ngăn ngừa mắc bệnh gút và phòng ngừa cơn đau gút tái phát bạn nên thay đổi thói quen như sau:
- Hạn chế uống rượu
- Hạn chế ăn các thực phẩm giàu purin như: động vật có vỏ, thịt cừu, thịt bò, thịt lợn và nội tạng
- Ăn chế độ ăn ít chất béo và ăn nhiều rau củ
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Tránh hút thuốc lá
- Tập thể dục thường xuyên
- Uống nhiều nước
Nếu bạn mắc bệnh mãn tính phải sử dụng thuốc kéo dài, hãy kiểm tra lại với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp phải khi uống thuốc. Nếu có nguy cơ làm tăng axit uric trong cơ thể thì nên xin ý kiến để đổi thuốc khác.
Đào Tâm