Giải đáp băn khoăn của cộng đồng về virus Corona mới (2019-nCoV)

Hiện nay tình hình dịch bệnh do chủng mới của vi-rút corona 2019-nCoV gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm. Tính đến 9:30 ngày 10/2/2020, đã có 40.554 trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới, tăng khoảng 3000 ca so với 24 giờ trước đó. Trong đó, số trường hợp tử vong là 910, chiếm tỉ lệ 2,24% và số trường hợp đã khỏi bệnh là 3310, chiếm 8,16%.

virus corona mới
Dịch bệnh viêm phổi do chủng mới của vi-rút corona 2019-nCoV gây ra vẫn diễn biến phức tạp

Chính do tính chất phức tạp của dịch bệnh đã khiến cho quá nhiều thông tin được lan truyền trong cộng đồng, gây những hoang mang không cần thiết về bệnh dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm phòng và kiểm soát bệnh Hoa kỳ (CDC) đã đưa ra những khuyến cáo nhằm giải đáp phần nào băn khoăn của cồng đồng về nhiều khía cạnh liên quan tới vi-rút corona mới và cách phòng bệnh hữu hiệu.

Vi-rút nCoV có lây truyền qua đường không khí không?

Với những dự liệu hiện có, chưa thể khẳng định được vấn đề này. Theo thông tin từ CDC, vi-rút corona mới thường lây từ người sang người qua đường giọt bắn từ dịch hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi. Những giọt này có thể dính vào niêm mạc mũi, miệng của những người đứng gần hoặc thậm chí có thể bị hít phải.

virus corona mới
Giọt bắn ra từ dịch hô hấp của người bệnh là nguồn lây vi-rút

Ngày 08/02/2020, Ủy ban sức khỏe thành phố Thượng Hải đã cảnh báo về khả năng truyền bệnh qua aerosol (giọt ẩm lơ lửng) của vi-rút corona mới. Thông tin này đã khiến nhiều người lo ngại hoặc hiểu sai về việc vi-rút có thể lây qua đường không khí hoặc đường khí dung trong chăm sóc y tế. Aerosol ở đây là các giọt ẩm có kích thước rất nhỏ có chứa vi sinh vật gây bệnh.

Nếu những giọt này có đường kính > 10 µm (= 10-5 m) thì sẽ rơi xuống sau vài giây. Ngược lại, những giọt nhỏ hơn (<10 µm) có thể lơ lửng trong không khí từ vài phút đến hàng giờ và di chuyển xa hơn. Để bệnh có thể lây truyền qua không khí, ngoài điều kiện về kích thước hạt nhỏ đủ để lơ lửng thì vi sinh vật cần phải tồn tại được đủ lâu ngoài môi trường với số lượng đủ lớn trong mỗi giọt nhỏ đó. Do đó lây qua aerosol không có nghĩa là lây truyền qua đường không khí.

Máy sấy tay có làm tác dụng diệt vi-rút nCoV không?

Không. Máy sấy tay không có hiệu quả diệt nCoV. Để bảo vệ cơ thể khỏi loại vi-rút này, bạn cần rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn chứa cồn hoặc với xà phòng và nước.

Thiết bị quét thân nhiệt có hiệu quả như thế nào trong việc phát hiện người nhiễm nCoV

Thiết bị quét thân nhiệt có tác dụng phát hiện những người có hiện tượng sốt, đây là một trong những biểu hiện của nhiễm nCoV. Tuy nhiên, nCoV có thời gian ủ bệnh dài 2 – 10 ngày mới bắt đầu có triệu chứng ốm hoặc dần tăng thân nhiệt. Do đó, những thiết bị này không hiệu quả trong phát hiện sớm người mang vi-rút.

Xịt cồn hoặc Clo khắp người có diệt được nCoV không?

Không. Xịt chất sát khuẩn xung quang người chỉ diệt được vi sinh vật đang khu trú trên bề mặt da chứ không diệt được vi-rút đã xâm nhập vào cơ thể. Ngược lại, xịt những chất này có thể gây hại cho niêm mạc hoặc quần áo. Chúng chỉ nên dùng để sát khuẩn bề mặt dưới sự hướng dẫn phù hợp.

>> Xem thêm Cách phòng ngừa lây lan virus lạ gây chết người ở Trung Quốc

Liệu thú cưng nuôi trong nhà có làm lây lan, phát tán nCoV không?

Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy vật nuôi trong nhà như chó, mèo,… có thể bị nhiễm nCoV. Tuy nhiên, bạn cũng cần rửa tay với xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với vật nuôi để tránh những vi khuẩn như E.coli và Salmonella gây nên các bệnh lý đường tiêu hóa.

Những nghiên cứu gần đây tại Trung Quốc cho thấy trình tự gen của chủng vi-rút corona được tách ra từ tê tê giống tới 99% với trình tự bộ gen của nCoV ở người nhiễm bệnh. Từ đó, các chuyên gia cho rằng tê tê có thể là vật chủ trung gian lan truyền vi-rút này.

virus corona mới
Chưa có bằng chứng về việc thú cưng là trung gian truyền nCoV

Vắc-xin phòng viêm phổi có giúp bảo vệ khỏi vi-rút corona không?

Không. Vi-rút nCoV là chủng mới và khác biệt, do đó chúng cần loại vắc-xin riêng. Tuy nhiên, những vắc-xin này vẫn được khuyến cáo sử dụng nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lý đường hô hấp khác.

Rửa mũi thường xuyên với nước muối sinh lý có thể giúp phòng ngừa nhiễm nCoV không?

Không. Một số bằng chứng cho rằng rửa mũi thường xuyên có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng cảm lạnh. Tuy nhiên, chưa có dữ liệu nào chứng minh hiệu quả của biện pháp này trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp

virus corona mới
Rửa mũi thường xuyên không giúp phòng ngừa nCoV

Súc miệng có giúp bảo vệ bạn khỏi nhiễm vi-rút nCoV không?

Không. Một số loại nước súc miệng có thể tiêu diệt được những vi sinh vật trong khoang miệng sau một vài phút. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chúng có thể bảo vệ bạn khỏi nCoV

Ăn tỏi có giúp phòng ngừa nhiễm nCoV không?

Tỏi là một thực phẩm có lợi cho sức khỏe với một số đặc tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, không có bằng chứng về hiệu quả của loại thực phẩm này trong đại dịch do nCoV gây ra.
virus corona mới

Tỏi tuy có lợi cho sức khỏe nhưng không giúp phòng/ điều trị bệnh do nCoV

Có loại thuốc nào đặc hiệu trong dự phòng hoặc điều trị nCoV không?

Cho đến nay, chưa có có loại thuốc đặc hiệu nào cho nCoV. Tuy nhiên, những người mắc bệnh nên được điều trị phù hợp nhằm giảm triệu chứng, và hỗ trợ tối ưu với trường hợp bệnh nặng. Một số phương pháp điều trị đặc hiệu đang được nghiên cứu và thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng.

Tài liệu tham khảo:

1. “Cập nhật tình hình dịch bệnh đường hô hấp do chủng mới của vi-rút nCoV đến 09 giờ 30, 10/02/2020” Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng – Bộ Y tế

2. “Novel Coronavirus (2019-nCoV) advice for the public: Myth busters”, World Health Organization, accessed date: 11th Feb 2020

3. “Coronavirus came from bats or possibly pangolins amid ‘acceleration’ of new zoonotic infections”, The Washington Post, accessed date: 10th Feb 2020

4. “Shanghai adds aerosol infection to coronavirus risk list”, South China Morning Post, 8th Feb 2020

5. “Routine Practices and Additional Precautions for Preventing the Transmission of Infection in Healthcare Settings”, The Government of Canada, 05th Sep 2017

6. “2019-Novel Coronavirus: How it spreads”, Centers of Disease Control and Prevention”, last reviewed: 5th February 2020