Chế độ vận động và dinh dưỡng giúp chống lại bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hoá não mạn tính tiến triển, thường thấy ở người cao tuổi (tuổi khởi bệnh trung bình từ 58 đến 60), xu hướng mắc bệnh tăng lên do tuổi thọ trung bình tăng. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, việc thay đổi lối sống cũng góp phần cải thiện bệnh.

Vai trò của chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống cân bằng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và tăng khả năng đối phó với các triệu chứng của bệnh. Ăn nhiều thực phẩm như trái cây và rau củ, protein, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt, uống đủ nước là những cách quan trọng để duy trì năng lượng cho cơ thể. Cần lưu ý một số điều trong chế độ ăn của bệnh nhân Parkinson như sau:

Chế độ ăn giảm táo bón: Nhiều bệnh nhân mắc bệnh Parkinson có thể bị táo bón do hệ thống tiêu hóa bị ảnh hưởng. Có thể cải thiện táo bón với chế độ ăn giàu chất xơ từ các nguồn như trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, rau, các loại đậu.

Chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm táo bón ở bệnh nhân Parkinson

Cung cấp đủ nước: Các loại thuốc điều trị bệnh Parkinson có thể khiến cơ thể mất nước. Mất nước không chỉ khiến người bệnh mệt mỏi hơn, theo thời gian, nó còn có thể dẫn đến sự nhầm lẫn, suy nhược, các vấn đề cân bằng và thận. Bệnh nhân Parkinson cần được đảm bảo cung cấp đủ nước từ nước tinh khiết và các dịch lỏng khác trong suốt cả ngày.

Người bệnh Parkinson nên  uống đủ nước trong ngày

Thận trọng với tương tác thuốc – thức ăn: Carbidopa-levodopa là thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh Parkinson. Loại thuốc này được hấp thu ở ruột non tại cùng vị trí hấp thu protein từ thức ăn. Sự hấp thụ thuốc có thể bị ảnh hưởng nếu dùng thuốc ngay sau bữa ăn giàu protein. Để giúp tối ưu tác dụng của thuốc, hãy ăn thực phẩm giàu protein vào những thời điểm khác trong ngày. Ví dụ, nếu dùng thuốc vào buổi sáng, hãy ăn bột yến mạch thay vì trứng cho bữa sáng.

Vai trò của việc tập luyện

Tập thể dục có thể ảnh hưởng rất lớn đến diễn tiến của bệnh. Các bài tập vận động, đặc biệt là các bài tập về sự cân bằng và sự tương hỗ (Các động tác đòi hỏi sự phối hợp của cả hai bên cơ thể) có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Luyện tập thể dục có thể cải thiện các chức năng về vận động, tư duy và trí nhớ. Ngoài ra, thể dục cũng có những tác động tích cực lên diện mạo, khí sắc và các tương tác về mặt xã hội. Người bệnh có thể cải thiện được lực cơ tay chân, tăng sức cơ thân trục, tăng độ dẻo dai của cơ.

Một số động tác tập luyện đơn giản cho bệnh nhân Parkinson:

+ Đi bộ và xoay người: Đi bộ giúp cho sự linh hoạt của cơ thể người bệnh tăng lên. Người bệnh có thể tập đi theo đường thẳng, bước từng bước dài và dạng tách hai chân để giữ thăng bằng tốt hơn, đong đưa hai tay đều đặn, khi cần xoay lại hãy đi thành đường cung tròn.

>> Xem thêm: Những bài tập giúp giảm đau xương khớp, phục hồi chức năng vận động

Đi bộ giúp bệnh nhân Parkinson cải thiện sự linh hoạt và thăng bằng

+ Tập “đi” khi đang ngồi: ngồi trên ghế có lưng tựa, lần lượt nhấc đầu gối phải và trái lên cao như khi đang đi bộ. Lặp lại động tác này 10 lần.

+ Ngồi dậy khi đang nằm: xoay người nằm nghiêng và co hai đầu gối lại. Sau đó, đặt hai chân ra khỏi giường và dùng hai tay để chống trên mặt giường để ngồi dậy.

+ Kéo vai: Giữ thẳng lưng, hai tay để phía trước, hai bàn tay và hai khuỷu tay áp sát nhau. Đưa hai tay ra hai bên càng xa càng tốt sao cho hai bả vai sau lưng co lại gần nhau. Đưa tay về vị trí cũ ở trước mặt. Lặp lại động tác này 10 lần.

+ Đứng lên và ngồi xuống: chọn những loại ghế tựa có tay vịn và chỗ ngồi chắc chắn. Khi đứng lên, nghiêng người về phía trước và dùng hai tay vịn vào bờ ghế để đẩy lên. Khi ngồi xuống, quay lưng về phía ghế và nghiêng người về phía trước rồi từ từ ngồi xuống, dùng hai tay vịn trên tay nắm của ghế.

+ Động tác vặn người: ngồi trên ghế, hai tay để trên vai và xoay phần trên của cơ thể từ phải qua trái và ngược lại. Làm càng nhanh càng tốt. Lặp lại động tác này 10 lần.

DS Phan Hiền