Áp xe vú sau sinh: dễ biến chứng nặng nếu không biết cách điều trị và phòng ngừa

Áp xe vú sau sinh là tình trạng viêm, sưng đỏ, có hạch ấn đau và tích tụ dịch mủ do vi khuẩn gây ra. Đây là biến chứng nặng nề nhất, hậu quả của viêm ống dẫn sữa không được điều trị tốt.

Áp xe vú xảy ra sau khi tia sữa bị tắc, viêm hóa mủ tạo nên những ổ mủ tại vú. Vi khuẩn gây bệnh từ ngoài ra hoặc từ miệng của bé có thể xâm nhập trực tiếp vào tuyến vú qua các ống dẫn sữa hoặc các vết xây xát ở núm vú và quầng vú. Áp xe vú thường gặp ở phụ nữ sau sinh, đang cho con bú hoặc không thể cho con bú do một lý do nào khác.

Nguyên nhân gây áp xe vú

Nguyên nhân áp xe vú thường gặp nhất là do vi khuẩn Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) và liên cầu (Streptococcus). Đây là những loại vi khuẩn quần cư sẵn trên bề mặt da.

Ngoài ra, vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn thương hàn cũng có thể gây nên áp xe vú.

Hình ảnh áp xe vú sau sinh

Triệu chứng áp xe vú sau sinh

  • Sốt cao 40 độ, rét run
  • Vú sưng nóng đỏ đau, khi nắm thấy các nhân mềm, cảm giác có ổ chứa dịch ấn lõm. Hạch nách ấn đau, vắt sữa lên miếng bông thấy có mảnh nhỏ vàng nhạt (có mủ trong sữa).
  • Siêu âm: nhiều ổ chứa dịch, xét nghiệm máu ghi nhận bạch cầu trung tính tăng, CRP tăng (đây là protein rất nhạy với tình trạng viêm, nồng độ protein này tăng rất sớm ngay sau khi tình trạng viêm xảy ra).
  • Bác sĩ có thể tiến hành chọc dò ổ viêm có mủ, cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ, nhằm lựa chọn loại kháng sinh đặc hiệu để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn.

Vú sưng, nóng, đỏ, đau và ấn thấy ổ dịch là những triệu chứng thường gặp ở áp xe vú

Điều trị áp xe vú sau sinh

  • Nghỉ ngơi, không cho bú bên tổn thương, vắt bỏ sữa.
  • Kháng sinh phối hợp các thuốc chống viêm. Thuốc diệt nấm cho cả mẹ và con.
  • Giảm đau paracetamol 500mg/lần. Tối đa 3g trong 24g
  • Vật lý trị liệu: xoa bóp, chườm nóng.
  • Can thiệp ngoại khoa: Nếu những biện pháp trên không làm thuyên giảm tình trạng viêm, người bệnh có thể được chỉ định chích áp xe, dẫn lưu, chú ý phá vỡ các ổ mủ.

Xoa bóp và chườm nóng có thể giúp giảm đau, hỗ trợ giảm viêm trong áp xe vú

Tiến triển và nguy cơ biến chứng nặng

  • Dò sữa: do tổn thương ống dẫn sữa.
  • Hết sữa do tắc tia sữa, không cho con bú.
  • Loét vú, đầu vú: để hở vú, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vệ sinh và bôi các mỡ có chứa vitamin A, E và các thuốc sát khuẩn
  • Ổ áp xe tồn dư, tái phát.
  • Viêm xơ tuyến vú, ung thư vú.

>> Xem thêm: Rối loạn estrogen ảnh hưởng gì đến mang thai và sinh con

Phòng ngừa áp xe vú sau sinh

  • Cho bú sớm và bú hết sữa cả 2 vú, không hết phải hút hết sữa tránh đọng sữa và kích thích tạo sữa mới.

Mẹ nên cho bé bú sớm và bú đều 2 bên để tránh hình thành áp xe vú

  • Phương pháp làm bớt căng đau vú: dùng gạc ấm áp lên vú trước khi cho bú, xoa bóp cổ và lưng người mẹ, người mẹ nặn ít sữa trước khi cho bú và làm ướt đầu vú để giúp trẻ bú dễ dàng hơn. Sau khi cho bú phải nâng đỡ vú bằng một băng ngực, dùng gạc lạnh áp lên vú giữa những lần cho bú, dùng thuôc giảm đau nếu cần thiết.
  • Cai sữa: giảm dần cho bú, uống ít nước, mặc áo con chặt. Thuốc giảm đau nếu cần (Paracetamol 500mg uống 4viên/ ngày trong 3 ngày). Có thể cần tới các loại thuốc làm giảm tiết sữa hoặc gây mất sữa như:

Parlodel 2,5mg 2v/ ngày tối thiểu 5 ngày, tối đa 20 ngày.

Estradiol 2mg 2v/ngày x 3 ngày

DS Phạm Hảo

Tài liệu tham khảo

“Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa”, ban hành kèm theo quyết định số 315/QĐ-BYT ngày 29/01/2015)