Bệnh Celiac dị ứng lúa mì nguy hiểm như thế nào?

Celiac là bệnh tự miễn gây ra do tình trạng dị ứng với gluten – loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

Bệnh Celiac dị ứng lúa mì
Bệnh Celiac không phổ biến nhưng cần phát hiện và điều trị sớm

Bệnh Celiac là gì?

Bệnh Celiac hay còn gọi là bệnh không dung nạp gluten, là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô của chính cơ thể khi ăn gluten.

Gluten là một loại protein được tìm thấy trong 3 loại ngũ cốc:

  • Lúa mì
  • Lúa mạch
  • Lúa mạch đen

Gluten được tìm thấy trong bất kỳ thực phẩm nào có chứa các loại ngũ cốc đó, bao gồm:

  • Mỳ ống
  • Bánh
  • Ngũ cốc ăn sáng
  • Hầu hết các loại bánh mì
  • Một số loại nước sốt
  • Hầu hết các loại bia đều được làm từ lúa mạch

Bệnh làm tổn thương đường ruột thường gây tiêu chảy, mệt mỏi, sụt cân, đầy bụng và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Ở trẻ em, kém hấp thu có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển.

Không có cách chữa khỏi bệnh Celiac nhưng tuân theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt không chứa gluten có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và giúp chữa lành đường ruột.

Bệnh Celiac dị ứng lúa mì
Gluten là một loại protein có trong hầu hết các loại bánh mì

Các triệu chứng của bệnh Celiac

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Celiac có thể rất khác nhau ở mỗi người. Các dấu hiệu và triệu chứng tiêu hóa ở người lớn bao gồm:

  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Đầy bụng, đau bụng
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Mệt mỏi
  • Giảm cân

Tuy nhiên, hơn một nửa số người lớn mắc bệnh Celiac có các dấu hiệu và triệu chứng không liên quan đến hệ tiêu hóa, bao gồm:

  • Thiếu máu, thường là do thiếu sắt.
  • Giảm mật độ xương (loãng xương) hoặc mềm xương (nhuyễn xương).
  • Phát ban da, ngứa, phồng rộp (viêm da herpetiformis).
  • Loét miệng.
  • Nhức đầu và mệt mỏi.
  • Tổn thương hệ thần kinh, bao gồm tê và ngứa ran ở bàn chân và bàn tay.
  • Suy giảm nhận thức do tổn thương hệ thần kinh.
  • Đau khớp.
  • Giảm chức năng của lá lách (giảm thể tích).

Trẻ em bị bệnh Celiac có nhiều khả năng gặp các vấn đề về tiêu hóa hơn người lớn, bao gồm:

Giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng ở trẻ có thể dẫn đến:

  • Chậm phát triển, trẻ sơ sinh không tăng cân
  • Hỏng men răng
  • Giảm cân
  • Thiếu máu
  • Cáu gắt
  • Thấp còi
  • Chậm dậy thì

Các triệu chứng thần kinh, bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), đau đầu, thiếu phối hợp cơ và co giật.

Không dung nạp gluten có thể gây ra viêm da dạng herpes. Phát ban thường xuất hiện trên khuỷu tay, đầu gối, thân mình, da đầu và mông. Tình trạng này thường liên quan đến những thay đổi của niêm mạc ruột non giống như những thay đổi của bệnh Celiac. Các bác sĩ điều trị viêm da dạng herpes bằng chế độ ăn uống không chứa gluten kết hợp với thuốc để kiểm soát phát ban.

Bệnh Celiac dị ứng lúa mì
Người bị bệnh Celiac bị sụt cân do suy giảm khả năng hấp thu

Các biến chứng của bệnh Celiac

Các biến chứng của bệnh Celiac thông thường chỉ ảnh hưởng đến những người tiếp tục ăn gluten hoặc những người chưa được chẩn đoán mắc bệnh.

Các biến chứng lâu dài có thể xảy ra bao gồm:

  • Suy yếu xương (loãng xương)
  • Thiếu máu do thiếu sắt
  • Thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folate.

Các biến chứng ít phổ biến hơn và nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư ruột
  • Các vấn đề ảnh hưởng đến thai kỳ như sinh con nhẹ cân.

Nguyên nhân gây bệnh Celiac

Bệnh Celiac là một bệnh tự miễn dịch, là tình trạng hệ thống miễn dịch tức cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng, tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh. Ở bệnh Celiac, hệ thống miễn dịch nhầm gluten là mối đe dọa đối với cơ thể và tấn công chúng, làm hỏng bề mặt của ruột non, làm gián đoạn khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn của cơ thể.

Hiện vẫn chưa hiểu rõ chính xác nguyên nhân khiến hệ miễn dịch phản ứng như vậy, nhưng sự kết hợp giữa di truyền và môi trường dường như đóng một vai trò nào đó.

Đối tượng dễ bị mắc bệnh Celiac?

Theo các nghiên cứu, phụ nữ có nguy cơ bị bệnh Celiac cao gấp 3 lần nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng các triệu chứng thường xuất hiện ở:

  • Từ 8 đến 12 tháng tuổi
  • Từ 40 đến 60 tuổi
  • Những người mắc một số bệnh nhất định, bao gồm bệnh tiểu đường loại 1, bệnh tuyến giáp tự miễn, hội chứng Down và hội chứng Turner
  • Những người có người thân ruột thịt trong gia đình bị bệnh Celiac
Bệnh Celiac dị ứng lúa mì
Dị ứng gluten có thể xảy ra với bất cứ ai

Phòng ngừa và điều trị bệnh Celiac bằng cách nào?

Không có cách chữa khỏi bệnh Celiac, nhưng việc tuân theo chế độ ăn không có gluten sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.

Ngay cả khi bạn có các triệu chứng nhẹ, việc thay đổi chế độ ăn vẫn được khuyến khích vì tiếp tục ăn gluten có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Điều này cũng có thể xảy ra nếu các xét nghiệm cho thấy bạn mắc bệnh Celiac ở một mức độ nào đó ngay cả khi bạn không có các triệu chứng nào cả.

Lên thực đơn không chứa gluten có thể sẽ khó khăn, bởi gluten có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là các món ăn chế biến sẵn. Do vậy, bạn nên đọc kỹ bảng thành phần của từng sản phẩm. Nếu sản phẩm nào không có bảng thành phần thì nên hỏi kỹ người bán hàng xem món ăn đó có chứa lúa mì, lúa mạch hay không.

DS. Phan Hiền