Chửa trứng: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và dự phòng

Chửa trứng được xem là một biến chứng thai sản hiếm, gặp ở 1/1200 phụ nữ mang thai. Bệnh thường được phát hiện ở thời gian đầu của thai kỳ, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng và cần được điều trị ngay khi phát hiện.

chửa trứng
Hình ảnh tử cung chửa trứng và tử cung bình thường

Chửa trứng là gì?

Là tình trạng phát triển nhanh và bất thường của một phần hoặc toàn bộ nhau thai tương ứng với 2 nhóm:

  • Chửa trứng bán phần: Nhau thai và bào thai đều phát triển bất thường do sự kết hợp giữa trứng bình thường với 2 tinh trùng. Bào thai tuy vẫn hình thành và phát triển nhưng thường chỉ sống sót được trong thời gian 3 tháng.
  • Chửa trứng toàn phần: Nhau thai phát triển bất thường và không có bào thai gây ra do sự thụ tinh giữa tinh trùng bình thường với trứng không mang thông tin di truyền.

Nhau thai trở nên to dần và chứa nhiều nang (túi dịch). Do đó, khối nhau thai trên siêu âm có hình ảnh giống chùm nho.

chửa trứng
Nhau thai trở nên to dần và chứa nhiều túi dịch trong chửa trứng

Tại sao chửa trứng lại hình thành?

Các chuyên gia vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Tuy nhiên, những phụ nữ chửa trứng có một số đặc điểm tương đồng, bao gồm:

  • Tuổi dưới 18 hoặc trên 35;
  • Người gốc Á hoặc Mexico;
  • Chế độ ăn ít caroten (tiền chất của vitamin A);
  • Tiền sử sản khoa: tiền sử thai trứng hoặc bệnh lý nguyên bào nuôi do thai nghén khác.

Triệu chứng của chửa trứng là gì?

  • Triệu chứng nghén nặng (nôn, buồn nôn): gặp trong 25-30% trường hợp.
  • Rong huyết: chiếm trên 90% trường hợp chửa trứng. Máu ra ở âm đạo tự nhiên, máu sẫm đen hoặc đỏ loãng, ra kéo dài.
  • Có các triệu chứng cường giáp (10%): Tim đập nhanh, đánh trống ngực, phân lỏng, hồi hộp, lo lắng, da ấm và ẩm, sụt cân.
  • Triệu chứng tiền sản giật (10%): Tăng huyết áp, phù (cẳng chân, mắt cá chân, bàn chân).
chửa trứng
25-30% các trường hợp chửa trứng có biểu hiện ốm nghén nặng

Cần làm những xét nghiệm hay kiểm tra nào để chẩn đoán chửa trứng?

  • Khám thực thể: Tử cung mềm, kích thước tử cung lớn hơn tuổi thai, không sờ được phần thai, không nghe được tim thai.
  • Siêu âm: Trên siêu âm thấy hình ảnh tuyết rơi hoặc lỗ chỗ như tổ ong, có thể thấy nang hoàng tuyến hai bên, không thấy phôi thai (chửa trứng toàn phần). Trong chửa trứng bán phần thì khó phân biệt hơn với thai lưu, có thể thấy một phần bánh nhau bất thường.
  • Định lượng β-hCG: Là xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán và theo dõi chửa trứng. Lượng β-hCG tăng trên 100.000mUI/ml.
chửa trứng
Siêu âm giúp phát hiện chửa trứng

Điều trị chửa trứng như thế nào?

Chửa trứng thường không gây hại và biện pháp điều trị là loại bỏ khối phát triển bất thường này trong tử cung. Phương pháp chủ yếu được áp dụng đó là nạo hút trứng. Nạo hút cần được thực hiện ngay sau khi chẩn đoán để dự phòng sẩy tự nhiên gây băng huyết.

Bên cạnh đó, cắt tử cung toàn phần cả khối hoặc cắt tử cung toàn phần sau nạo hút trứng thường được áp dụng ở các phụ nữ không muốn có con nữa hoặc trên 40 tuổi và trường hợp chửa trứng xâm lấn làm thủng tử cung.

chửa trứng
Nạo hút là phương pháp chủ yếu được áp dụng trong điều trị chửa trứng

Khi nào có thể quan hệ tình dục và mang thai trở lại sau khi bị chửa trứng?

Bạn có thể bắt đầu quan hệ tình dục trở lại ngay khi cảm thấy cơ thể hồi phục về mặt thể lực và cảm xúc. Nếu bạn bị chảy máu sau khi điều trị chửa trứng, bạn nên kiêng quan hệ cho đến khi khỏi hoàn toàn.

Tiền sử chửa trứng không hề ảnh hưởng đến khả năng mang thai trở lại, và nguy cơ tái chửa chứng là rất thấp (khoảng 1 trong 80 trường hợp). Tuy nhiên, bạn không nên cố gắng mang thai ngay sau khi điều trị chửa trứng. Lý do là thai mới hình thành sẽ làm nồng độ hCG tăng cao, dẫn đến khó khăn trong chẩn đoán phân biệt hCG tăng do thai mới hay do bệnh lý chửa trứng vẫn còn tồn dư. Bạn nên chờ tối thiểu đến khi có kinh nguyệt trở lại. Trong thời gian chờ đó bạn nên sử dụng khác biện pháp tránh thai phù hợp.

chửa trứng
Tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm mang thai trở lại sau khi điều trị chửa trứng

Chửa trứng có nguy cơ tái phát không?

Tái phát chửa trứng khá ít gặp (tỉ lệ khoảng 1%). Nếu bạn có tiền sử chửa trứng, bạn nên báo với bác sĩ để thực hiện siêu âm thai sớm nhằm phát hiện sớm nếu tình trạng này thái phát. Bên cạnh đó, 6 tuần sau khi sinh em bé, bạn nên làm xét nghiệm định lượng hCG để chắc chắn rằng nồng độ hCG giảm xuống và bạn không hình thành thai trứng nào khác (đây là tình trạng rất hiếm).

Tài liệu tham khảo:

1. “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa”, Ban hành kèm theo Quyết định số 315/QĐ-BYT ngày 29/01/2015

2. “Hydatidiform mole”, The Royal Woman’s Hospital, June 2014

3. “Hydatidiform mole”, MedlinePlus, last reviewed: 25 September 2018

4. “Molar Pregnancy”, American Pregnancy Association, last updated: October 10, 2019

5. “Molar pregnancy”, National Health Service (NHS), last reviewed: 20 July 2017