Mỡ nội tạng hay còn gọi là chất béo nội tạng không chỉ khiến vòng bụng to, gây mất thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe như bệnh tim, sa sút trí tuệ, ung thư, trầm cảm…
Mỡ nội tạng là gì?
Mỡ nội tạng là sự tích tụ mô mỡ thừa trong ổ bụng. Nói cách khác, đây là một dạng chất béo giống như gel bao bọc xung quanh các cơ quan chính, bao gồm gan, tuyến tụy và thận.
Nếu vòng bụng của bạn nhô ra và vòng eo lớn, là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn có chất béo nội tạng nguy hiểm. Điều này dễ nhận thấy nhất và rõ rệt nhất ở những người béo phì, nhưng bất kỳ ai cũng có thể có mỡ nội tạng, nhiều người không hề hay biết.
Mỡ nội tạng đặc biệt nguy hiểm vì những tế bào mỡ này làm thay đổi cách cơ thể hoạt động. Mỡ nội tạng được coi là chất độc hại và có khả năng kích thích các con đường gây viêm và can thiệp vào các chức năng nội tiết tố bình thường của cơ thể.
Tích trữ mỡ thừa xung quanh các cơ quan làm tăng sản xuất các hóa chất gây viêm, còn được gọi là cytokine, dẫn đến viêm; đồng thời, nó can thiệp vào các hormone điều chỉnh sự thèm ăn, cân nặng, tâm trạng và chức năng não.
Mỡ nội tạng làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe sau:
- Bệnh mạch vành
- Ung thư
- Đột quỵ
- Sa sút trí tuệ
- Bệnh tiểu đường
- Viêm khớp
- Béo phì
- Rối loạn chức năng tình dục
- Rối loạn giấc ngủ
Tại sao mỡ nội tạng xuất hiện?
Để ngăn ngừa sự tích tụ chất béo nguy hiểm, cơ thể tiết các hợp chất hóa học cho chúng ta biết khi nào nên ăn và khi nào chúng ta no. Hệ thống phản hồi hóa học này được xây dựng dựa trên sự liên lạc giữa não và các cơ quan chính khác – hay còn gọi là kết nối não bộ/cơ thể – có nhiệm vụ giữ cho chúng ta ở mức cân nặng hợp lý hoặc khiến chúng ta dễ bị tăng cân và tích trữ mỡ nội tạng.
Cân nặng, sự thèm ăn và kiểm soát tâm trạng là do lượng đường trong máu, được kiểm soát phần lớn bởi hormone insulin. Insulin cân bằng lượng đường trong máu bằng cách hạ thấp chúng sau khi chúng ta ăn một bữa ăn có hàm lượng đường hoặc carbohydrate cao. Khi tiêu hóa thức ăn, cơ thể sẽ phá vỡ các phân tử đường và tinh bột thành các đơn vị đơn giản hơn được gọi là glucose hoặc fructose.
Những loại đường đơn này đi vào máu và kích hoạt sự giải phóng insulin từ tuyến tụy, và sau đó insulin có nhiệm vụ quan trọng là dẫn đường trong máu vào các tế bào khắp cơ thể. Quá trình này cung cấp năng lượng cho những thứ như não, mô và chức năng cơ bắp khi nó hoạt động bình thường.
Đồng thời, insulin cũng tương ứng với các kho dự trữ chất béo trong cơ thể, bao gồm cả chất béo nội tạng được lưu trữ sâu bên trong cơ thể. Đây là lý do tại sao mọi người thường gọi insulin là “hormone lưu trữ chất béo”.
Khi có quá nhiều glucose trong máu và các tế bào đã tích trữ đầy glycogen, glucose sẽ được lưu trữ dưới dạng chất béo. Điều này xảy ra nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều khi tiêu thụ carbohydrate đã tinh chế và thực phẩm có đường. Tinh bột đã tinh chế (như bánh mì trắng hoặc gạo trắng) cùng với thực phẩm nhiều đường nhanh chóng được chuyển đổi thành đường đơn đi vào máu và kích hoạt giải phóng insulin lớn hơn từ tuyến tụy. Kết quả là tăng cân, cộng thêm cảm giác đói nhiều hơn, dẫn đến ăn quá nhiều và một vòng luẩn quẩn khiến bạn khó bỏ ăn đồ ngọt.
Tại sao nhiều chất béo được lưu trữ dưới dạng mỡ nội tạng ở một số người mà không phải ở những người khác?
Các cơ chế cụ thể chịu trách nhiệm cho việc tăng tỷ lệ lưu trữ chất béo nội tạng bao gồm ăn quá nhiều calo, hormone sinh dục, sản xuất cortisol, hormone tăng trưởng và đường fructose (đường) trong chế độ ăn uống.
Mỡ nội tạng gây ra những vấn đề gì?
1. Tăng viêm
Chất béo nội tạng tạo ra các phân tử nội tiết tố và viêm nhiễm trực tiếp vào gan, dẫn đến các phản ứng gây viêm. Nếu bạn có nhiều chất béo dự trữ hơn mức cần thiết, đặc biệt là xung quanh các cơ quan nội tạng như gan, tim, thận, tuyến tụy và ruột, cơ thể bạn sẽ bị viêm và quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng.
Mỡ nội tạng không chỉ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm mà tự nó cũng trở nên viêm bằng cách tạo ra một thứ được gọi là interleukin-6, một loại phân tử gây viêm.
Viêm là gốc rễ của hầu hết các bệnh, và đây là lý do tại sao mỡ bụng có liên quan đến suy giảm nhận thức, viêm khớp, tiểu đường…
2. Bệnh tiểu đường
Chất béo nội tạng đóng một vai trò lớn trong việc đề kháng insulin, có nghĩa là tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ví dụ, béo bụng được coi là có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lớn hơn so với mỡ hông hoặc đùi, không chỉ đối với bệnh tiểu đường mà còn đối với nhiều bệnh mãn tính khác.
3. Khó giảm cân hơn
Sự trao đổi chất phần lớn bị chi phối bởi mức độ chất béo dự trữ hiện có của cơ thể. Chất béo gây rối loạn cảm giác thèm ăn và khiến chúng ta dễ ăn quá mức do những thay đổi nội tiết tố diễn ra.
Khi ăn các loại carbohydrate tinh chế như bột mì trắng và đường, các hormone lưu trữ chất béo sẽ được sản xuất dư thừa, điều này lại khiến bạn khó tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh. Đây là lý do tại sao cần phải kiểm soát cân nặng ngay từ sớm, thay vì để mỡ nội tạng hình thành.
4. Nguy cơ cao mắc bệnh tim và đột quỵ
Các cytokine viêm tạo ra từ chất béo là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim và các rối loạn viêm nhiễm khác. Khi bị viêm, gan sẽ bị quá tải với cholesterol và chất độc, dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch.
Mỡ nội tạng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các dấu hiệu bệnh tim mạch như chất béo trung tính cao, huyết áp cao và cholesterol cao.
5. Dễ bị mất trí nhớ
Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa béo phì, bệnh mạch máu, viêm nhiễm và suy giảm nhận thức, bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ. Trên thực tế, có vẻ như cân nặng dư thừa trên cơ thể tương đương với khối lượng não ít hơn.
Các chuyên gia tin rằng mỡ nội tạng liên quan đến hormone leptin, được tiết ra bởi chất béo dự trữ và có tác động xấu đến não, điều hòa sự thèm ăn, học tập và trí nhớ. Leptin và ghrelin là hai trong số những hormone cần chú ý nhất để giảm cân một cách tự nhiên.
6. Tăng nguy cơ trầm cảm và thay đổi tâm trạng
Vì mỡ thừa trong cơ thể có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố, bao gồm cả serotonin, galanin và các chất dẫn truyền thần kinh não khác, nên mỡ thừa trong cơ thể có thể tác động tiêu cực đến tâm trạng.
Những cách tự nhiên để giảm mỡ nội tạng
Phụ nữ có vòng eo lớn hơn 89cm và nam giới có vòng eo hơn 101cm có nhiều nguy cơ mắc các bệnh khác nhau và nên cố gắng giảm lượng mỡ tích trữ càng sớm càng tốt.
1. Giảm đường và carbohydrate tinh chế
Vì tiêu thụ quá nhiều carbohydrate và đường tinh chế sẽ làm tăng insulin, nên việc giảm chúng là bước đầu tiên để tái cân bằng hormone một cách tự nhiên và giảm chất béo.
Sử dụng chất tạo ngọt tự nhiên lành mạnh ở mức vừa phải, ăn các thực phẩm lên men và tăng chất béo lành mạnh đều có thể giúp cắt giảm lượng carbs và đường.
2. Ăn chất béo và protein lành mạnh
Nên tránh thực phẩm đóng gói và có chứa nhiều hóa chất, phẩm màu… Nên lựa chọn chất béo lành mạnh bao gồm dầu dừa, dầu ô liu, các loại hạt. Ngoài chất béo, protein cũng rất quan trọng để giảm đói và giảm tăng đột biến insulin. Các loại protein lành mạnh bao gồm cá tự nhiên, thịt bò ăn cỏ, trứng hữu cơ và sữa tươi.
3. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục giúp cân bằng insulin và làm cho các tế bào sẵn sàng sử dụng glucose hơn. Điều này rất quan trọng vì khi lượng mỡ tích tụ nhiều hơn trên cơ thể, nó sẽ cản trở sự hấp thu insulin vào các mô cơ.
4. Giảm căng thẳng
Căng thẳng kích hoạt sản xuất cortisol và cản trở việc kiểm soát sự thèm ăn, sự trao đổi chất, giấc ngủ và cảm giác thèm ăn. Để giảm căng thẳng, bạn nên tập thể dục, đọc sách, ngồi thiền, nghe nhạc…
>> Xem thêm Nhận biết bệnh đau đầu căng thẳng và cách điều trị hiệu quả
5. Cố gắng ngủ ngon
Ngủ ít nhất 7-8 giờ mỗi đêm (giảm thiểu tiếp xúc với ánh sáng từ Tivi, điện thoại, máy tính) sẽ giúp kiểm soát hormone và cân nặng. Nghỉ ngơi hợp lý cũng giúp giảm căng thẳng, tăng cường trao đổi chất và ngăn cảm giác thèm ăn.
Để ngủ nhanh và ngủ sâu hơn, hãy thử dùng tinh dầu thư giãn trước khi ngủ, tránh uống quá nhiều cà phê và trà…
Vân Anh