Sa sút trí tuệ là một tập hợp các triệu chứng làm giảm khả năng suy nghĩ, giao tiếp và giảm trí nhớ, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.
Chứng sa sút trí tuệ là gì?
Chứng sa sút trí tuệ không phải là một bệnh cụ thể mà là một tập hợp các triệu chứng do những sự rối loạn ảnh hưởng đến não bộ gây ra. Sa sút trí tuệ ảnh thưởng đến suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện những công việc hàng ngày. Chức năng của não bộ bị ảnh hưởng đủ để gây cản trở đến cuộc sống xã hội hay làm việc bình thường của người bệnh.
Dấu hiệu phân biệt sa sút trí tuệ là việc mất khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như là hậu quả của tình trạng suy giảm khả năng nhận thức.
>> Xem thêm Bất ngờ về khả năng cải thiện sức khỏe não bộ khi dùng lượng cồn thấp
Các triệu chứng ban đầu sa sút trí tuệ
1. Suy giảm trí nhớ ngắn hạn
Rắc rối về trí nhớ có thể là một triệu chứng ban đầu của chứng sa sút trí tuệ. Những thay đổi thường không rõ ràng và có xu hướng liên quan đến trí nhớ ngắn hạn. Một người lớn tuổi có thể nhớ những sự kiện đã diễn ra nhiều năm trước nhưng không nhớ được những gì họ đã ăn sáng.
Các triệu chứng khác của những thay đổi trong trí nhớ ngắn hạn bao gồm quên nơi họ để một món đồ, cố gắng nhớ lý do tại sao họ vào một căn phòng nào đó hoặc quên những gì họ phải làm vào bất kỳ ngày nào.
2. Khó khăn trong việc lựa chọn từ thích hợp
Một triệu chứng khác của chứng sa sút trí tuệ là khó khăn để truyền đạt suy nghĩ. Người bị sa sút trí tuệ có thể gặp vấn đề khi giải thích điều gì đó hoặc tìm từ thích hợp để diễn đạt suy nghĩ. Trò chuyện với một người bị sa sút trí tuệ có thể khó khăn và có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường.
3. Thay đổi tâm trạng
Thay đổi tâm trạng cũng là triệu chứng sớm phổ biến với người bị sa sút trí tuệ. Nếu bạn bị sa sút trí tuệ, không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng nhận ra sự thay đổi tâm trạng của mình, nhưng bạn có thể nhận thấy sự thay đổi này ở người khác.
Cùng với thay đổi tâm trạng, bạn cũng có thể thấy sự thay đổi trong tính cách. Một dạng thay đổi tính cách điển hình được thấy ở chứng sa sút trí tuệ là chuyển từ nhút nhát sang hòa đồng.
>> Xem thêm Suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi là do đâu
4. Sự thờ ơ
Sự thờ ơ thường xảy ra khi bị sa sút trí tuệ giai đoạn đầu. Một người có thể mất hứng thú với các sở thích hoặc hoạt động. Họ có thể không muốn đi chơi nữa, không muốn dành thời gian cho bạn bè, gia đình hoặc làm bất cứ điều gì vui vẻ.
5. Khó khăn khi hoàn thành nhiệm vụ bình thường
Một sự thay đổi nhỏ trong khả năng hoàn thành các công việc bình thường có thể chỉ ra rằng một người nào đó mắc chứng sa sút trí tuệ sớm. Cùng với việc khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc, họ có thể gặp khó khăn trong việc học cách làm những điều mới hoặc làm theo các thói quen mới.
6. Lẫn lộn
Khi trí nhớ, suy nghĩ hoặc khả năng phán đoán mất hiệu lực, sự nhầm lẫn có thể phát sinh vì họ không còn nhớ được khuôn mặt, tìm đúng từ hoặc tương tác với mọi người một cách bình thường.
7. Ý thức định hướng kém đi
Ý thức về phương hướng và định hướng không gian thường bắt đầu kém đi khi bắt đầu sa sút trí tuệ. Điều này được biểu hiện như: không nhận ra các địa danh quen thuộc và quên các con đường thường đi. Việc làm theo các chỉ dẫn và hướng dẫn cũng trở nên khó khăn hơn.
8. Hành động lặp lại
Sự lặp lại thường gặp ở người bị sa sút trí tuệ vì mất trí nhớ và thay đổi hành vi. Người bị sa sút trí tuệ có thể lặp lại các công việc hàng ngày, chẳng hạn như cạo râu, có thể lặp lại các câu hỏi tương tự trong một cuộc trò chuyện sau khi họ đã được trả lời.
DS Phan Thu Hiền