Hiểu đúng, điều trị đúng trào ngược axit dạ dày thực quản

Trào ngược axit xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác nóng rát khó chịu ở ngực, cổ và họng. Để điều trị thành công trào ngược axit dạ dày thực quản cần lưu ý một số vấn đề.

Trào ngược axit dạ dày thực quản
Trào ngược axit dạ dày thực quản gây cảm giác nóng rát, khó chịu

Các triệu chứng trào ngược axit dạ dày thực quản

Triệu chứng chính của tình trạng này là trào ngược axit, cảm giác nóng rát khó chịu ở ngực, di chuyển lên cổ và họng. Người bệnh có thể cảm thấy chua hoặc đắng ở phía cuống họng. Ngoài axit, thức ăn hoặc chất lỏng từ dạ dày cũng có thể bị trào lên miệng.

Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện gồm:

  • Buồn nôn
  • Đau ngực
  • Đau khi nuốt
  • Khó nuốt
  • Ho dai dẳng
  • Giọng nói khàn
  • Hơi thở hôi

Nguyên nhân gây bệnh trào ngược axit dạ dày thực quản

Hoạt động bất thường của cơ vòng thực quản dưới

Đây là nguyên nhân chính gây trào ngược axit. Bình thường, khi cơ vòng thực quản dưới (một dải cơ tròn ở cuối thực quản) hoạt động sẽ giãn và mở ra khi nuốt, sau đó sẽ thắt chặt và đóng lại. Nếu cơ vòng thực quản không thắt chặt hoặc không đóng lại đúng cách, dịch tiêu hóa và các chất khác từ dạ dày sẽ trào lên thực quản.

Trào ngược axit dạ dày thực quản
Cơ vòng thực quản hoạt động bất thường là nguyên nhân gây trào ngược

Theo các chuyên gia, chưa xác định được chính xác nguyên nhân khiến cơ vòng thực quản dưới hoạt động bất thường. Tuy nhiên, có một số vấn đề ảnh hưởng đến sự hoạt động của cơ vòng thực quản, như:

Thoát vị khe hoành

Thoát vị khe hoành là một phần của dạ dày di chuyển trên cơ hoành về phía vùng ngực. Nếu màng ngăn bị chèn, nó có thể làm tăng nguy cơ bị trào ngược axit dạ dày.

Thường xuyên ăn quá no

Ăn quá no có thể làm căng phần trên của dạ dày. Phần trên của dạ dày quá căng đôi khi gây áp lực khiến cơ vòng thực quản không đóng lại đúng cách.

Nằm ngay sau khi ăn

Nằm xuống ngay sau khi ăn khiến cơ vòng thực quản giảm khả năng thắt chặt và đóng lại bình thường.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến trào ngược axit

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng trào ngược axit dạ dày. Những yếu tố đó gồm:

  • Bị thừa cân, béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Ăn một số loại thực phẩm dễ gây trào ngược axit
  • Uống soda, cà phê hoặc rượu
  • Có thai
  • Dùng nhiều loại thuốc chống viêm như aspirin hoặc ibuprofen
Trào ngược axit dạ dày thực quản
Ăn thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán làm tăng nguy cơ trào ngược axit

Các yếu tố khiến tình trạng trào ngược axit thêm trầm trọng

Các triệu chứng của trào ngược axit dạ dày thực quản có thể trở nên trầm trọng hơn do các vấn đề khác như:

Lo lắng

Theo nghiên cứu từ năm 2015, lo lắng và ợ chua có mối liên hệ với nhau. Khi lo lắng gia tăng thì tình trạng ợ chua cũng xuất hiện thường xuyên hơn, và ngược lại.

Nếu bạn nghi ngờ những lo lắng, căng thẳng trong cuộc sống khiến tình trạng trào ngược axit dạ dày thực quản ngày càng trầm trọng, thì hãy tìm cách để kiểm soát căng thẳng.

Mang thai

Mang thai có thể làm tăng khả năng bị trào ngược axit. Nếu đã bị trào ngược axit trước khi mang thai thì các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi có thai.

Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai khiến các cơ trong thực quản giãn ra thường xuyên hơn. Thai nhi lớn dần cũng gây áp lực lên dạ dày của người mẹ, làm tăng nguy cơ axit dạ dày xâm nhập vào thực quản.

Không phải mọi loại thuốc điều trị trào ngược axit dạ dày đều an toàn với phụ nữ mang thai. Do vậy, bạn nên đi khám để được bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp.

Hen suyễn

Hen suyễn và trào ngược axit dạ dày thường xảy ra đồng thời. Các chuyên gia cho rằng, trào ngược axit dạ dày có thể làm cho các triệu chứng của bệnh hen suyễn trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, bệnh hen suyễn và một số loại thuốc điều trị hen suyễn cũng có thể làm tăng nguy cơ gây trào ngược axit dạ dày.

Nếu bạn bị hen suyễn và cả trào ngược axit dạ dày thì cần phải điều trị đồng thời cả hai căn bệnh này.

Các biến chứng của trào ngược axit dạ dày thực quản

Ở hầu hết mọi người, trào ngược axit dạ dày thực quản không gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Nhưng trong một số trường hợp hiếm, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Các biến chứng của trào ngược axit dạ dày thực quản gồm:

  • Viêm thực quản
  • Hẹp thực quản
  • Barrett thực quản (tổn thương tế bào niêm mạc thực quản)
  • Ung thư thực quản
  • Mòn men răng, bệnh nướu răng hoặc các vấn đề răng miệng khác

Để giảm nguy cơ biến chứng, cần điều trị và kiểm soát tốt tình trạng trào ngược axit dạ dày thực quản.

Các biện pháp điều trị trào ngược axit dạ dày

1. Dùng thuốc

Thuốc kháng axit

Thuốc kháng axit thường được sử dụng cho các triệu chứng nhẹ và không thường xuyên. Nếu nhận thấy cần phải dùng thuốc kháng axit mỗi ngày, thì nên đổi loại thuốc khác mạnh hơn.

Thuốc chẹn thụ thể H2

Thuốc chẹn H2 như Pepcid AC có tác dụng làm giảm lượng axit trong dạ dày. Thuốc chẹn H2 có cả loại kê đơn và không kê đơn.

Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Thuốc ức chế bơm proton làm giảm lượng axit trong dạ dày, tác động mạnh hơn thuốc chẹn H2. Thuốc ức chế bơm proton còn giúp chữa lành niêm mạc thực quản bị tổn thương do axit trào ngược lên trong thời gian dài.

Tuy nhiên, dùng thuốc ức chế bơm proton trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ. Chúng có thể làm cạn kiệt vitamin B12 trong cơ thể, tăng nguy cơ nhiễm trùng và gãy xương. Vì axit dạ dày là một trong những chất bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng, nên các chất ức chế bơm proton làm giảm lượng axit, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Do đó, người bệnh không nên tự ý dùng nhóm thuốc này khi không có chỉ định hoặc hướng dẫn của bác sĩ, thầy thuốc.

2. Thay đổi chế độ ăn và lối sống

Thay đổi một số thói quen ăn uống và lối sống sẽ giúp giảm nguy cơ và giảm các triệu chứng trào ngược axit.

  • Giảm cân nếu đang bị thừa cân béo phì
  • Bỏ thuốc lá
  • Nâng cao đầu trong khi ngủ
  • Tránh mặc áo bó sát cơ thể gây khó chịu
  • Tránh ăn nhiều vào buổi tối
  • Tránh nằm xuống ngay sau khi ăn
  • Tránh ăn một số thực phẩm gây kích thích trào ngược axit

Một số thực phẩm gây kích thích trào ngược axit gồm: thức ăn nhanh, thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ, trái cây họ cam quýt, cà chua, nước sốt cà chua, hành, bạc hà, cà phê, soda…

Trào ngược axit dạ dày thực quản
Kê cao đầu khi ngủ làm giảm nguy cơ trào ngược axit dạ dày thực quản

3. Cẩn trọng với các biện pháp truyền miệng

Nên cẩn trọng với một số biện pháp được truyền miệng, chưa được kiểm chứng, có thể gây hại nhiều hơn là lợi bao gồm:

Dung dịch baking soda và nước

Baking soda có tính kiềm, có khả năng giúp trung hòa axit, và hầu hết là an toàn khi dùng với liều lượng nhỏ. Nhưng baking soda có hàm lượng natri cao và dễ gây tác dụng phụ nếu dùng quá nhiều.

Dùng gừng

Gừng là một nguyên liệu phổ biến cho các vấn đề như buồn nôn và khó chịu ở dạ dày, nhưng vẫn chưa rõ liệu nó có thực sự giúp chữa trào ngược axit dạ dày hay không. Trên thực tế, ợ chua là một triệu chứng khi dùng quá nhiều gừng.

Uống sữa

Do có tính kiềm nên nhiều người cho rằng uống sữa sẽ giúp giảm bớt axit dạ dày. Tuy nhiên, khi được tiêu hóa, chất béo và protein trong sữa sẽ khiến các triệu chứng trào ngược axit dạ dày trở nên tồi tệ hơn.

Thay vì áp dụng một số biện pháp này, người bệnh nên tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thay đổi chế độ ăn uống phù hợp thì tình trạng trào ngược axit sẽ thuyên giảm.

4. Phẫu thuật

Với hầu hết bệnh nhân, dùng thuốc và thay đổi lối sống sẽ giúp ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng trào ngược axit dạ dày thực quản. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng ngày càng nặng, xuất hiện biến chứng, bác sĩ sẽ khuyên nên phẫu thuật.

Có nhiều loại phẫu thuật để điều trị trào ngược axit dạ dày, như phẫu thuật tạo hình vành khăn (đỉnh dạ dày được khâu quanh thực quản) và phẫu thuật cắt lớp đệm (thường được khuyến nghị nếu hiện tượng trào ngược axit là do thừa cân béo phì gây ra).

Vân Anh