Mất thính lực, nghe kém không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ mà còn khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và hạn chế giao tiếp. Do đó, cần phát hiện sớm để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Tại sao trẻ nghe kém/mất thính lực?
Mất thính lực xảy ra khi bất kỳ một cấu phần nào của tai không hoạt động bình thường, bao gồm: tai ngoài, tai giữa, tai trong, thần kinh thính giác và hệ dẫn truyền âm thanh. Bệnh có thể gây ra bởi một số nguyên nhân/yếu tố nguy cơ sau:
- Yếu tố di truyền: đây là nguyên nhân gây ra 50% các trường hợp mất thính lực. Một số trẻ điếc do trong gia đình có người mắc bệnh, một số khác điếc bẩm sinh do các hội chứng bệnh, ví dụ như hội chứng Down hoặc Usher.
- Mẹ bị nhiễm khuẩn trong quá trình mang thai, biến chứng sau sinh, trẻ bị chấn thương đầu hoặc trẻ mắc các bệnh lý như: viêm tai giữa, viêm màng não.
- 25% các trường hợp điếc bẩm sinh không rõ nguyên nhân.
Biểu hiện của trẻ nghe kém/mất thính lực
Dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng nghe kém khác nhau ở các trẻ.
- Trẻ dưới 1 tuổi:
- Không bị giật mình bởi âm thanh lớn
- Không có phản xạ hướng về phía nguồn âm thanh khi trẻ đã 6 tháng tuổi
- Trẻ không nói được những từ đơn khi đã 1 tuổi
- Trẻ có vẻ chỉ nghe được một số âm nhất định, số khác thì không.
- Trẻ trên 1 tuổi:
- Chậm nói, nói không rõ
- Không làm theo hướng dẫn
- Bật tivi với tiếng to nhất
Sàng lọc và chẩn đoán
Sàng lọc thính giác có thể cho biết liệu trẻ có mất thính lực hay không. Sàng lọc này rất dễ thực hiện, không hề gây đau và có thể hoàn thành trong vài phút.
Trẻ dưới 1 tuổi:
Tất cả trẻ đều cần sàng lọc thính lực trong 1 tháng đầu sau sinh. Tốt nhất nên thực hiện sàng lọc này khi trẻ con đang nằm tại bệnh viện sau khi sinh.
Nếu trẻ không đạt yêu cầu sau sàng lọc, trẻ cần thực hiện kiểm tra thính lực toàn diện sớm nhất có thể nhưng không nên sau 3 tháng tuổi. Bởi trẻ bắt đầu tiếp nhận ngôn ngữ trước khi bắt đầu nói, do vậy, cần cân nhắc việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ nghe và giao tiếp cho trẻ trước 6 tháng tuổi để đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ.
Trẻ trên 1 tuổi:
Nếu mất thính lực xảy ra sau khi sinh được gọi là tình trạng mất thính lực khởi phát chậm. Trẻ cần được kiểm tra thính lực toàn diện sớm nhất có thể để có hướng xử trí phù hợp.
Xử trí nghe kém ở trẻ em như thế nào?
Để điều trị nghe kém ở trẻ cần xác định chính xác nguyên nhân.
- Nghe kém do nhiễm trùng tai
Điều trị nhiễm trùng tai sẽ giúp khôi phục lại tình trạng nghe kém. Nếu mất thính lực vẫn còn hiện diện sau khi đã điều trị nhiễm trùng, có thể cho bé sử dụng máy trợ thính.
- Nghe kém không do viêm nhiễm nên trợ thính phù hợp theo mức độ khiếm thính và dạng khiếm thính.
Các phương pháp trợ thính cho trẻ
Điếc nhẹ và vừa
Mang máy nghe và học ở trường bình thường.
Điếc nặng và sâu
Sau khi chẩn đoán xác định, nên cho bé mang ngay loại máy nghe có mức khuyếch đại và độ rõ lời tốt nhất hiện có trên thị trường khoảng 3 đến 6 tháng.
Sau đó đánh giá lại tiến triển về nói và phát triển ngôn ngữ nếu mức phát triển tương đối tốt có khả năng sẽ đuổi kịp hoặc gần kịp các bạn cùng tuổi không bị nghe kém, bé sẽ tiếp tục mang máy nghe và học ở trường bình thường.
Nếu đánh giá lại không đạt yêu cầu, tốt nhất nên gửi bé đi đánh giá xem có phải cấy điện ốc tai không.
Những trường hợp không đủ tiêu chuẩn để cấy điện ốc tai, hay kinh phí gia đình không đáp ứng nổi để cấy điện ốc tai sẽ tiếp tục mang máy nghe và học ở trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính. Khi đó, bố mẹ cũng cần học các phương pháp học của trẻ để có thể giao tiếp và dạy con.
Tài liệu tham khảo:
1. “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng”, Bộ Y tế, Ban hành năm 2016
2. “Hearing Problems in Children”, Medline Plus, last reviewed: 15 September 2014
3. “Hearing Loss in Children”, Centers of Disease Control and Prevention (CDC), last reviewed: March 21, 2019