Ngủ ngáy và hội chứng tắc nghẽn đường thở trong khi ngủ

Ngủ ngáy và hội chứng tắc nghẽn thở trong khi ngủ (Obstructive Sleep ApneaSyndrome: OSAS) là một bệnh lý thường gặp. Nam giới thường mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ hơn nữ giới.

Ngáy là tình trạng âm thanh được tạo ra do luồng không khí đi qua một khe hẹp ở vùng hầu-họng làm rung niêm mạc tại chỗ và những mô xung quanh. Ngáy phát sinh là do hẹp đường thở ở vùng hầu-họng.

Ngừng thở là ngừng hoàn toàn dòng không khí thở qua mũi, miệng kéo dài trên 10 giây. Giảm thở là sự giảm trên 50% lưu lượng dòng không khí thở qua mũi – miệng trong ít nhất 10 giây hoặc giảm > 30% lưu lượng dòng không khí kết hợp với giảm bão hòa oxy máu trên 4% hoặc phản ứng tỉnh giấc. Hội chứng ngừng thở/ giảm thở do tắc nghẽn (OSAS) là hiện tượng co xẹp đường hô hấp trên với sự giảm hay mất những hiệu quả gắng sức của cơ hô hấp.

OSAS được định nghĩa theo American Academy of Sleep Medicine Task, Sleep 1999, 22, 667-689 gồm:

  • Có sự buồn ngủ quá mức vào ban ngày hoặc có hai triệu chứng lâm sàng chỉ điểm.
  • Chỉ số ngừng thở-giảm thở (AHI) hay chợt tỉnh giấc thoáng qua liên quan với: một sự gắng sức của hô hấp do tắc nghẽn > 5 lần trong 01 giờ ngủ.

>> Xem thêm Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh dị vật đường thở

Các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng của OSAS

Các dấu hiệu ban ngày:

  • Mệt mỏi vào buổi sáng khi ngủ dậy.
  • Thay đổi tính tình, dễ nổi cáu, dễ bị kích thích, trầm uất.
  • Buồn ngủ quá mức.
  • Suy nhược thần kinh.
  • Đau đầu vào buổi sáng.
  • Rối loạn sự tập trung và trí nhớ.
  • Giảm hoạt động tâm lý-vận động.
  • Trẻ em thì tăng hoạt động, chậm nhận thức, chậm hiểu.
  • Tăng huyết áp động mạch.

Các dấu hiệu ban đêm:

  • Ngủ ngáy (chiếm trên 80 % số người bệnh).
  • Cơn ngừng thở.
  • Thường tỉnh giấc vì cảm giác ngạt thở.
  • Tiểu đêm.
  • Rối loạn tình dục, thường là giảm ham muốn tình dục.
  • Loạn nhịp tim.
  • Ra mồ hôi đêm.

Các yếu tố nguy cơ:

  • Quá cân và béo phì.
  • Giới tính thường là nam giới.
  • Tuổi thường ngoài 35 tuổi, có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
  • Thói quen hút thuốc, uống rượu.
  • Dùng thuốc an thần.
  • Thời kỳ mãn kinh.

Hậu quả của OSAS

Với chuyển hóa:

  • Tăng sự đề kháng với Insulin, gây bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh đái tháo đường typ II
  • Rối loạn chuyển hóa (tăng mỡ máu,..)
  • Tăng cân
  • Tiểu đêm
  • Rối loạn tình dục

Với tim-mạch:

Với nhân cách:

  • Rối loạn nhận thức, hay quên
  • Dễ bị kích thích
  • Khó tập trung
  • Già hóa sớm trước tuổi
  • Trầm cảm

Hậu quả khác:

  • Buồn ngủ quá mức ban ngày
  • Tai nạn liên quan đến sự mệt mỏi
  • Đau đầu

Hướng xử trí OSAS

Xử trí chung:

  • Giảm cân nặng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn.
  • Vệ sinh giấc ngủ và vệ sinh lối sống: bữa ăn tránh xa giấc ngủ, không uống bia, rượu, thuốc ngủ trước khi đi ngủ. Không hút thuốc, …
  • Thay đổi tư thế nằm ngủ: nằm nghiêng.

Điều trị không phẫu thuật:

Đeo máng răng để đưa xương hàm dưới ra trước. Nó là phương pháp điều trị đơn giản, không xâm lấn, rẻ tiền và có hiệu quả rõ rệt. Phương pháp có thể được chỉ định điều trị kết hợp sau phẫu thuật chỉnh hình họng và màn hầu – lưỡi gà UPPP.

Thở áp lực dương liên tục (Continuous Positive Airway Pressue – CPAP) thường được chỉ định trong trường hợp OSAS nặng, bệnh nhân không muốn mổ hoặc điều kiện sức khỏe không mổ được. Đây là một phương pháp điều trị rất hiệu quả.

Điều trị phẫu thuật:

Mục đính làm rộng kích thước đường hô hấp trên ở các mức khác nhau. Ưu điểm của điều trị phẫu thuật là điều trị được nguyên nhân, kết quả ổn định. Loại can thiệp phụ thuộc chặt chẽ vào nguyên nhân của OSAS. Có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị trên cùng một bệnh nhân. Kết quả phẫu thuật phụ thuộc vào việc lựa chọn bệnh nhân, chỉ định đúng, lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp và kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

  • Phẫu thuật điều trị tắc mũi
  • Phẫu thuật chỉnh hình eo họng miệng – UPPP: Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp hẹp ở vị trí họng miệng do màn hầu dài, lưỡi gà dài, amiđan to.
  • Các phẫu thuật xương hàm
  • Phẫu thuật đáy lưỡi và hạ họng: Là phẫu thuật tương đối nặng nề, nó được chỉ định ở bệnh nhân hẹp chính do đáy lưỡi có OSAS nặng. Hiệu quả của phẫu thuật thường rất rõ, cải thiện các triệu chứng từ 50% đến 75% sau mổ.
  • Đốt bằng sóng cao tần (Radiofrequence): Thường được chỉ định trong quá phát cuốn mũi dưới, màn hầu mềm dầy và dài, quá phát amiđan đáy lưỡi.
  • Phương pháp phẫu thuật khác: khâu treo đáy lưỡi vào phía trước của xương hàm, cấy trụ vào màn hầu mềm làm màn hầu mềm vững chắc hơn trong trường hợp OSAS là do co xẹp màn hầu mềm.