Nguyên nhân và cách điều trị nhiệt miệng ít người biết

Nhiều người quan niệm nhiệt miệng là do nóng trong, nhưng có người lại cho rằng do virus gây ra. Để điều trị nhiệt miệng nhanh chóng, hiệu quả, cần xác định được nguyên nhân chính xác.

Nhiệt miệng gây đau đớn, ảnh hưởng đến việc ăn uống và giao tiếp

Nhiệt miệng là gì?

Nhiệt miệng (Canker sores) hay còn gọi là loét miệng, là hiện tượng xuất hiện các vết loét bên trong niêm mạc miệng, lợi, dưới lưỡi hoặc phía trong họng gây đau, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và giao tiếp.

Dấu hiệu và triệu chứng nhiệt miệng

Hầu hết các vết nhiệt miệng đều có hình tròn hoặc gần tròn với viền đỏ, phần trung tâm màu trắng hoặc vàng. Bạn có thể có cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát trong 1 – 2 ngày trước khi nhìn thấy nốt nhiệt miệng xuất hiện. Tình trạng này không lây từ người này qua người khác, kể cả khi hôn hoặc ăn chung đồ ăn.

Tùy thuộc vào mức độ nặng và số lượng vết loét, nhiệt miệng được chia thành 3 loại:

– Nhiệt miệng thể nhẹ:

  • Đây là dạng nhiệt miệng phổ biến nhất, chiếm tới 85%.
  • Gồm 1 hoặc một số vết loét với đường kính nhỏ hơn 1cm.
  • Những vết này thường tự khỏi sau 1 – 2 tuần mà không để lại sẹo.

– Nhiệt miệng thể nặng:

  • Khoảng 10% số trường hợp nhiệt miệng có những biểu hiện này.
  • Gồm các vết loét sâu và lớn với đường kính trên 2cm.
  • Thường rất đau.
  • Vết loét lâu lành (có thể mất 6 tuần), có thể để lại sẹo.

– Nhiệt miệng thể đám:

  • Đây là dạng hiếm gặp, chiếm 5% trong tổng số ca nhiệt miệng.
  • Thường gồm nhiều vết loét li ti (10 – 100 vết) tụ thành cụm hoặc hợp lại thành một vết loét lớn, bờ không đều.
  • Tự khỏi sau 1 – 2 tuần mà không để lại sẹo.


Hầu hết các vết nhiệt miệng đều có hình tròn hoặc gần tròn

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây nhiệt miệng

Nhiệt miệng ảnh hưởng tới 25% dân số trên toàn thế giới. Các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nhiệt miệng. Có những người chỉ bị nhiệt miệng 1- 2 lần/năm, tuy nhiên một số người khác có thể bị tái phát chỉ sau vài tuần. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có nhiều yếu tố góp phần gây khởi phát tình trạng này, bao gồm:

  • Vết thương nhỏ trong khoang miệng do kiểm tra nha khoa, đánh răng quá mạnh hoặc khi bạn vô tình cắn vào má.
  • Do dùng kem đánh răng hoặc nước súc miệng có chứa sodium lauryl sulfate.
  • Do cơ địa dị ứng với một số loại thức ăn, đặc biệt là: socola, cà phê, dâu tây, trứng, hạt, đồ ăn chua hoặc cay.
  • Chế độ ăn thiếu vitamin B12, kẽm, sắt và acid folic.
  • Cơ thể phản ứng lại một số vi khuẩn có trong khoang miệng.
  • Thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Căng thẳng.
  • Hệ miễn dịch suy giảm.


Chải răng quá mạnh hoặc bàn chải cứng dễ làm tổn thương niêm mạc miệng, lợi

Các biện pháp điều trị nhiệt miệng

Mục tiêu điều trị nhiệt miệng là giảm nhẹ triệu chứng và đẩy nhanh quá trình tự lành vết thương của cơ thể. Có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Sử dụng nước súc miệng: nếu bị nhiều nốt nhiệt miệng đồng thời, bạn có thể sử dụng nước súc miệng chứa Dexamethasone có tác dụng chống viêm hoặc lidocain để giảm đau.
  • Dùng thuốc bôi tại chỗ: các thuốc này có thể ở dạng kem, gel hoặc lỏng có tác dụng giảm đau, ngăn sự tiếp xúc của thức ăn với vết thương, giúp vết thương nhanh lành. Các sản phẩm này có thể chứa một trong các thành phần: Benzocaine, Fluocinonide, Hydrogen peroxide.

Có thể dùng thuốc bôi để điều trị nhiệt miệng

  • Thuốc uống: một số người bị nhiệt miệng thể nặng, dùng thuốc bôi không có hiệu quả có thể dùng thuốc uống, như thuốc chống viêm steroid.
  • Bổ sung chất dinh dưỡng: đặc biệt là vitamin B12, kẽm, sắt và acid folic giúp điều trị loét miệng và giảm nguy cơ tái phát
  • Bài thuốc y học cổ truyền: Theo quan điểm đông y, nguyên nhân chính gây nhiệt miệng là do tâm hỏa cang thịnh và do tỳ vị bị tích nhiệt. Do đó, các bài thuốc với cơ chế thanh nhiệt, giải độc, chống viêm, tiêu sưng rất có tác dụng trong điều trị bệnh lý này.

Có thể điều trị nhiệt miệng bằng các bài thuốc y học cổ truyền

Phòng ngừa nhiệt miệng

Nhiệt miệng thường tái phát nhiều lần, bạn có thể áp dụng một số biến pháp sau để phòng ngừa bệnh:

  • Thận trọng với đồ ăn: tránh những loại thức ăn gây kích ứng miệng hoặc những đồ ăn mà bạn dị ứng.
  • Lựa chọn thực phẩm lành mạnh: bạn nên ăn nhiều rau, củ, quả (hạn chế vứt bỏ vỏ) để ngăn ngừa thiếu vitamin và khoáng chất.
  • Có thói quen vệ sinh răng miệng tốt: nên lựa chọn bàn chải đánh răng mềm để tránh gây tổn thương niêm mạc miệng, tránh các loại kem đánh răng và nước súc miệng có chứa sodium lauryl sulfate.

Lựa chọn bàn chải mềm và đánh răng đúng cách giúp giảm nguy cơ nhiệt miệng

  • Bảo vệ niêm mạc miệng: Nếu bạn sử dụng niềng răng hoặc một dụng cụ nha khoa nào khác, bạn cần trao đổi với bác sĩ để bọc phần sắc nhọn của dụng cụ nhằm hạn chế tối đa tổn thương miệng có thể xảy ra.
  • Giảm căng thẳng: nếu tình trạng nhiệt miệng của bạn có liên quan đến căng thẳng, bạn nên có những biện pháp để hạn chế tình trạng này, như đọc sách, nghe nhạc, ngồi thiền hay tập yoga…

Hảo Phạm

Tài liệu tham khảo:

  1. “Canker sore” , Mayo Clinic, April 03, 2018
  2. “Canker Sore (Aphthous Ulcer) – Information for Adults”, Skinsight, accessed date: 20 February 2020
  3. “Canker sores (mouth ulcers): Overview”, Cologne, Germany: Institute for Quality and Efficiency in Health Care (IQWiG), 15 Aug 2019