Tác giả: Thinh Ta
Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Thường Hanh.
Trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, các bậc phụ huynh cần chú ý tới những hội chứng tâm thần ở trẻ phổ biến để phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Trong suốt những năm tháng phát triển, trẻ đều phải trải qua những thay đổi nhất định về mặt thể chất và tinh thần. Một vài vấn đề bất thường có thể phát sinh dẫn đến những thay đổi tiêu cực ở trẻ, khiến trẻ mắc phải các hội chứng rối loạn.
Hội chứng tự kỷ
Hội chứng tự kỷ là một hội chứng diễn ra ở não, ảnh hưởng đến các kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội của trẻ.
Triệu chứng tự kỷ thường xuất hiện sớm khi trẻ còn nhỏ. Trẻ tự kỷ sống trong thế giới riêng của mình. Trẻ sẽ không có khả năng biểu đạt cảm xúc khi giao tiếp với người khác.
- Ngôn ngữ và giao tiếp: Khả năng diễn đạt cảm xúc trong khi trò chuyện của trẻ tự kỷ rất kém. Kỹ năng giao tiếp bằng lời nói kém. Trẻ không có khả năng sử dụng câu hoặc từ ngữ. Phát âm của trẻ có thể không bình thường và trẻ cứ nói liên tục, không lắng nghe khi người khác đang nói;
- Tương tác xã hội: Trẻ tự kỷ thiếu khả năng tương tác bằng hành động, cử chỉ như ngôn ngữ cơ thể hay ánh mắt. Trẻ gặp vấn đề khi chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và ý tưởng với người khác. Trẻ rất khó kết bạn và không thể hiểu được cảm xúc cũng như mong muốn của người khác;
- Thái độ: Trẻ tự kỷ thực hiện những hành động lặp đi lặp lại như quay tròn, lúc lắc người hay đập đầu. Trẻ di chuyển liên tục và chỉ ăn một loại thức ăn nhất định. Những trẻ này rất nhạy cảm với những tiếp xúc cơ thể, sự sắp xếp, âm thanh và ánh sáng;
Tiền sử bệnh lý gia đình, các vấn đề của não, giới tính hoặc tuổi của bố mẹ có thể góp phần làm phát triển bệnh tự kỷ. Tự kỷ là hội chứng tồn tại suốt đời, nhưng nếu được chẩn đoán sớm, bạn hoàn toàn có thể điều trị và cải thiện bệnh cho trẻ hiệu quả.
Hội chứng tăng động giảm tập trung chú ý (ADHD)
Hội chứng tăng động giảm chú ý là một hội chứng mạn tính thường gặp ở trẻ em. Khi mắc hội chứng này, não bộ của trẻ không thể hoạt động bình thường. Bệnh thường xuất hiện khi trẻ còn nhỏ và hết khi trưởng thành.
. Ở một số trẻ, triệu chứng có thể được ghi nhận vào lúc lên 3. Triệu chứng của ADHD có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng và khác nhau tùy vào giới tính. Trẻ em bị ADHD thường có các biểu hiện:
- Nói quá nhiều;
- Gặp vấn đề khi tổ chức các hoạt động;
- Gặp vấn đề khi phải tập trung;
- Thường hay quên;
- Không thể chờ đợi;
- Hay mơ màng;
- Bỏ mất đồ vật;
- Đi vòng vòng khi không cần thiết;
- Gặp khó khăn khi ở với người khác;
- Khó hướng dẫn người khác;
- Khó giữ yên lặng.
Tổn thương não, di truyền, sinh nhẹ cân, mẹ lạm dụng rượu và thuốc lá khi mang thai, sinh non… chính là những nguyên nhân phổ biến gây nên hội chứng tăng động giảm chú ý.
Hội chứng lo âu
Hội chứng lo âu gây cho trẻ những nỗi lo lắng, sợ hãi thái quá, trẻ cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Trẻ em bị hội chứng này thường xuất hiện những cơn hoảng sợ đột ngột. Trẻ cũng có những biểu hiện lâm sàng như lo lắng thái quá, rối loạn và hành vi bất thường. Một ví dụ của hội chứng lo âu là hội chứng ám ảnh cưỡng chế. Người mắc bệnh này thường lặp lại những suy nghĩ và hành động mà không thể dừng lại.
Hội chứng rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là một bệnh tâm thần gây chuyển đổi cảm xúc và làm xáo trộn cảm hứng trong những hoạt động thường nhật của người bệnh.
Người bị rối loạn lưỡng cực có những cơn thay đổi cảm xúc, thay đổi mức độ hoạt động, năng lượng và chu kỳ ngủ cũng như biểu hiện các hành vi bất thường. Trẻ em có thể trầm cảm và cảm thấy xuống tinh thần, không còn sức sống và trở nên thụ động. Trẻ cũng có những triệu chứng hưng phấn ở cảm xúc đan xen giai đoạn trầm cảm.
Cấu trúc não, gen và tiền sử gia đình được xem là nhân tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực. Bệnh này không thể chữa khỏi nhưng điều trị có thể làm giảm triệu chứng và giúp trẻ kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Hội chứng rối loạn xử trí thính giác trung ương (CADP)
Hội chứng rối loạn xử trí thính giác trung ương CADP, hay gọi tắt là rối loạn xử trí thính giác là một hội chứng rối loạn về khả năng tiếp nhận âm thanh, xảy ra khi não không làm việc bình thường. CAPD có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi độ tuổi nhưng thường khởi phát bệnh ở đối tượng trẻ em.
Trẻ bị CAPD thường bộc phát các triệu chứng khi còn rất nhỏ. Trẻ gặp vấn đề về nghe, thích ứng với âm thanh, ghi nhớ, đánh vần và đọc.
CAPD có thể xuất hiện do bệnh lý về thính giác hoặc não bị tổn thương do khối u hay đột quỵ. CAPD cũng có thể di truyền trong gia đình.
Mặc dù không có cách trị khỏi CAPD, trẻ em vẫn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống nếu được hướng dẫn những kỹ năng thích nghi với bệnh này.
Bại não
Bại não gây ra tình trạng rối loạn di chuyển và duy trì tư thế thăng bằng.
Triệu chứng của bại não thường xuất hiện ở trẻ trước tuổi đi học hoặc ở giai đoạn sơ sinh. Trẻ có thể giảm khả năng vận động của cơ bắp, cứng cơ, di chuyển chậm, đi khó, chậm nói và khó phát âm, co giật, khó ăn.
Trẻ cũng có thể gặp vấn đề khi nuốt hoặc cầm đồ vật như muỗng hay bút chì màu. Trong vài trường hợp, trẻ có thể mắc bệnh ở miệng, có vần đề về thính giác và thị giác cũng như sức khỏe tâm thần.
Bại não xuất hiện do sự phát triển bất thường ở não hoặc những tổn thương ở não trong quá trình phát triển.
Trẻ bại não cần nhiều thời gian chăm sóc. Thuốc và các phương pháp trị liệu thường giúp cải thiện chức năng, giảm đau, hạn chế những biến chứng ở não đối với trẻ.
Rối loạn cảm xúc
Rối loạn cảm xúc là hội chứng thay đổi cảm xúc và hành vi thường gặp phải ở trẻ vị thành niên. Trẻ ở độ tuổi này gặp rối loạn về mặt cảm xúc và hành vi là điều bình thường do những thay đổi về hormone trong độ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, điều này sẽ trở thành bất thường nếu các hành vi trên kéo dài và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thường nhật của trẻ và gia đình.
Triệu chứng của rối loạn cảm xúc bao gồm:
- Hành vi hung hăng với động vật và người khác như đánh nhau, bắt nạt, sử dụng vũ khí hoặc ép buộc quan hệ tình dục;
- Dùng rượu và thuốc gây nghiện;
- Ăn cắp;
- Không có tự trọng;
- Dễ kích động;
- Bất cần, không tuân theo luật lệ, quy tắc.
Rối loạn cảm xúc có thể liên quan đến tình trạng kinh tế xã hội thấp, cuộc sống gia đình, lạm dụng tình dục lúc nhỏ, khiếm khuyết di truyền, có người thân bị hội chứng lo âu hay rối loạn cảm xúc.
Điều trị rối loạn cảm xúc mang lại hiệu quả cao nếu bạn bắt đầu sớm. Phác đồ điều trị bao gồm thuốc và trị liệu tâm lý. Mục đích của trị liệu tâm lý là giúp trẻ diễn đạt và làm chủ sự giận dữ. Bố mẹ cũng cần học cách giúp trẻ làm chủ các hành vi rối loạn.
Chăm sóc trẻ là công việc không hề dễ dàng với bậc làm cha mẹ. Ngoài sức khỏe thể chất, bố mẹ cũng cần quan tâm nhiều đến đời sống tâm lý cũng như các bệnh lý tâm thần cơ bản ở trẻ để có thể sớm phát hiện các vấn đề bất thường và kịp thời điều trị nhé.
Theo hellobacsi.com