Cảnh báo những dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em và chỉ dẫn cách điều trị

Trong nhóm bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần, trầm cảm ở trẻ em đang ngày càng phổ biến và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, nếu gia đình không phát hiện và giúp trẻ điều trị kịp thời.

trầm cảm ở trẻ em
Trầm cảm ở trẻ nên được nhận biết sớm

Thế nào là trầm cảm?

Sức khỏe tâm thần của trẻ ngày càng là vấn đề đáng báo động với nhiều gia đình và xã hội, đặc biệt là sau 2 năm đại dịch Covid-19, trẻ không được đến trường và bị “nhốt” trong 4 bức tường, xem tivi, điện thoại, máy tính bảng thường xuyên…

Tuy nhiên, hiện nay, bệnh trầm cảm vẫn còn là thứ gì đó mới mẻ, xa lạ và khó chấp nhận với nhiều người. Nhiều bậc cha mẹ không nhận ra dấu hiệu trầm cảm của con, và thậm chí có biết những triệu chứng bất thường, nhưng không chấp nhận được thực tế nên cứ lờ đi và mong tình trạng của con sẽ sớm chấm dứt và quay trở lại bình thường.

Tuy vậy, trầm cảm là một căn bệnh có thể dẫn đến nguy hiểm, nên cần được nhìn nhận đúng.

Trầm cảm là tình trạng rối loạn tâm trạng có thể khiến ai đó cảm thấy buồn bã, cáu kỉnh hoặc tuyệt vọng. Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, việc ăn uống hoặc mối quan hệ với những người khác. Trầm cảm cũng có thể gây mất hứng thú với những sở thích hoặc hoạt động mà người bệnh đã từng yêu thích. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, trầm cảm có thể dẫn đến suy nghĩ muốn tự tử. Mặc dù vậy, trầm cảm có thể điều trị được nên cần nhận biết các triệu chứng từ sớm.

trầm cảm ở trẻ em
Trầm cảm ở trẻ có thể gây nguy hiểm nếu không được nhận biết sớm

Hiểu rõ về bệnh trầm cảm ở trẻ em

Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Mặc dù trẻ em thay đổi tâm trạng một cách tự nhiên khi chúng lớn lên và phát triển, nhưng trầm cảm thì khác.

Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến cách trẻ tương tác với bạn bè và gia đình, ảnh hưởng đến việc học tập và các hoạt động khác của trẻ.

Nghiên cứu cho thấy có khoảng 3% trẻ bị trầm cảm. Tỷ lệ trầm cảm có xu hướng tăng lên ở trẻ và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 17.

Dấu hiệu nào cảnh báo trẻ bị trầm cảm?

Các triệu chứng trầm cảm ở trẻ em không giống nhau. Tình trạng này thường không được chẩn đoán và không được điều trị vì các triệu chứng diễn ra như những thay đổi bình thường về cảm xúc và tâm lý.

Theo dõi những dấu hiệu bất thường ở trẻ có thể giúp cha mẹ phỏng đoán và đưa trẻ đi khám để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.

Tâm trạng buồn bã hoặc tồi tệ

Trẻ có vẻ buồn bã, cô đơn, không vui hoặc cáu kỉnh. Tình trạng này có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Trẻ cũng dễ khóc hơn, dễ nổi cáu hơn trước.

trầm cảm ở trẻ em
Trẻ bị trầm cảm có thể cáu kỉnh, phàn nàn về rất nhiều thứ

Trẻ tự phê bình, phàn nàn

Trẻ bị trầm cảm có thể phàn nàn rất nhiều. Chúng có thể nói những câu đại loại như: “Con làm gì cũng không đúng“; “Con không có bất cứ người bạn nào“; “Con không thể làm được bài này“; “Việc này quá khó với con“…

Thiếu cố gắng

Trầm cảm có thể làm tiêu hao năng lượng của trẻ. Chúng ít cố gắng học, dễ bỏ cuộc và khó thực hiện những hoạt động vốn rất đơn giản.

Không thích thú

Trẻ không còn nhiều niềm vui với bạn bè và cũng không thích chơi đùa như trước nữa. Trẻ không cảm thấy muốn làm những việc mà chúng từng yêu thích.

Thay đổi giấc ngủ và ăn uống

Trẻ có thể không ngủ ngon hoặc có vẻ mệt mỏi ngay cả khi đã ngủ đủ giấc. Một số trẻ có thể không muốn ăn, nhưng những trường hợp khác lại có thể ăn quá nhiều.

Đau nhức cơ thể

Một số trẻ có thể bị đau bụng hoặc đau ở vị trí khác. Một số trẻ nghỉ học vì cảm thấy không khỏe, mặc dù chúng không hề bị bệnh.

Lưu ý là không phải tất cả trẻ bị trầm cảm đều có các triệu chứng này. Trên thực tế, hầu hết sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau tại các thời điểm khác nhau. Mặc dù một số trẻ có thể tiếp tục học tập tốt, nhưng hầu hết trẻ bị trầm cảm nặng sẽ có những thay đổi trong các hoạt động xã hội, không muốn đến trường, kết quả học tập kém hoặc thay đổi về ngoại hình.

Trẻ cũng có ý định tự tử, có thể bộc phát khi chúng đang buồn hoặc tức giận. Nếu trong gia đình có người thân bạo lực, lạm dụng rượu hoặc quấy rối tình dục thì nguy cơ trầm cảm và tự tử ở trẻ sẽ cao hơn.

Nguyên nhân gây trầm cảm ở trẻ em

Giống như ở người lớn, trầm cảm ở trẻ em có thể do bất kỳ vấn đề gì liên quan đến sức khỏe thể chất, các sự kiện trong cuộc sống, chuyện buồn của gia đình, môi trường…

Nguy cơ trẻ bị trầm cảm sẽ cao hơn nếu trong gia đình có người bị trầm cảm, gia đình không hạnh phúc, hoặc trẻ bị nghiện rượu, ma túy…

trầm cảm ở trẻ em
Chuyện buồn của gia đình có thể là nguy cơ khiến trẻ bị trầm cảm

Nếu nghi ngờ trẻ bị trầm cảm, cha mẹ cần làm gì?

Hãy nói chuyện với trẻ

Nói chuyện với con về nỗi buồn và sự trầm cảm. Những đứa trẻ có thể không biết tại sao chúng lại buồn như vậy và tại sao mọi thứ lại có vẻ khó khăn đến thế. Hãy cho trẻ biết, bạn cũng đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn và bạn luôn sẵn sàng để giúp đỡ trẻ. Hãy lắng nghe, an ủi, ủng hộ và thể hiện tình yêu thương.

Đưa trẻ đi khám

Nếu những dấu hiệu bất thường của trẻ vẫn tiếp diễn trong một vài tuần, hãy đưa trẻ đi khám.

Bác sĩ sẽ khám sức khỏe tổng quát để kiểm tra các vấn đề có thể gây ra các triệu chứng của trẻ. Họ cũng có thể kiểm tra các triệu chứng trầm cảm bằng cách đặt câu hỏi và lắng nghe.

Sau khi đã kiểm tra và xác định tình trạng của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị thích hợp.

Hãy kiên nhẫn và bao dung với trẻ

Khi trẻ có biểu hiện thất thường hoặc khó chịu, hãy kiên nhẫn. Bình tĩnh sẽ giúp trẻ cư xử tốt hơn, hãy cho trẻ thấy rằng bạn cũng tự hào về trẻ.

Hãy tận hưởng thời gian bên nhau

Dành thời gian cùng con làm những việc mà cả hai đều yêu thích như đi dạo, chơi trò chơi, nấu ăn, đọc truyện, làm đồ thủ công, xem một bộ phim hài… Hãy dành thời gian ở ngoài trời nhiều hơn. Những điều này sẽ giúp cải thiện tâm trạng, giúp cả bạn và trẻ gần gũi, yêu thương nhau nhiều hơn.

Điều trị trầm cảm ở trẻ em bằng cách nào?

Các phương pháp điều trị cho trẻ em bị trầm cảm cũng tương tự như người lớn, bao gồm liệu pháp tâm lý và dùng thuốc.

Liệu pháp tâm lý thường gồm những buổi nói chuyện của bác sĩ với riêng trẻ và với gia đình. Bác sĩ sẽ giúp trẻ cảm thấy được chào đón và hỗ trợ. Họ giúp trẻ nói về những gì chúng nghĩ và cảm thấy. Họ có thể áp dụng liệu pháp tâm lý giúp trẻ học cách suy nghĩ tích cực hơn và kiểm soát các hành vi tiêu cực. Nó cũng có thể giúp trẻ em kiểm soát sự lo lắng bằng cách giải quyết tận gốc nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng. Liệu pháp cũng cung cấp cho trẻ em những công cụ để đối phó với lo âu và trầm cảm theo những cách lành mạnh hơn.

Thuốc chống trầm cảm được dùng phổ biến nhất là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Những loại thuốc này làm tăng mức độ serotonin trong não. Serotonin là một chất hóa học có thể giúp tăng cảm giác hạnh phúc.

Nếu bác sĩ kê đơn thuốc chống trầm cảm, bạn nhớ theo dõi kỹ tình trạng của trẻ. Đừng để trẻ ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột, vì làm như vậy có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc khiến các triệu chứng nặng hơn.

Cần thận trọng với thuốc chống trầm cảm ở trẻ em. Một số trẻ không cải thiện các triệu chứng khi dùng thuốc, hoặc thậm chí có thể cảm thấy chán nản hơn. Trong trường hợp này, cần thông báo với bác sĩ để đổi thuốc khác (nếu cần).

Cảnh báo những dấu hiệu tự tử ở trẻ trầm cảm

Các dấu hiệu cảnh báo về hành vi tự tử ở trẻ em bao gồm:
– Thu mình, cô lập khỏi xã hội và gia đình
– Nói về cái chết, tự tử
– Có hành vi nguy hiểm
– Bị tai nạn thường xuyên
– Lạm dụng chất gây nghiện
– Hay khóc hoặc giảm biểu hiện cảm xúc
– Cho/tặng người khác tài sản hoặc vật dụng mà trẻ yêu thích