Vi khuẩn đường ruột không chỉ có vai trò tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng mà còn có mối liên quan với trí não. Do vậy, cần đặc biệt chú ý đến hệ vi khuẩn đường ruột.
Hệ tiêu hóa thực sự là “bộ não thứ hai”
Khoa học đã phát hiện ra hệ vi khuẩn đường ruột đóng nhiều vai trò quan trọng với các chức năng cơ thể con người.
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng ruột là nơi có hệ thống thần kinh ruột (ENS). Tách biệt với hệ thần kinh trung ương, ENS được tạo thành từ hai lớp mỏng với hơn 100 triệu tế bào thần kinh trong đó – nhiều hơn cả tủy sống. Do vậy, đường ruột được coi là “bộ não thứ hai” của cơ thể.
Các tế bào này lót đường tiêu hóa, kiểm soát lưu lượng máu và bài tiết để giúp đường tiêu hóa tiêu hóa thức ăn. Chúng cũng giúp chúng ta cảm nhận những gì đang xảy ra bên trong ruột, vì “bộ não thứ hai” này đứng sau cơ chế tiêu hóa thức ăn.
Mặc dù “bộ não thứ hai” không tham gia vào các quá trình suy nghĩ nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng nó tự kiểm soát hành vi. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này sẽ giúp quá trình tiêu hóa trong cơ thể diễn ra hiệu quả hơn.
Vì “bộ não thứ hai” này rất phức tạp nên các nhà khoa học không tin rằng nó được thiết kế chỉ để hỗ trợ tiêu hóa. Vì vậy, mặc dù không có khả năng suy nghĩ, nhưng nó thông tin với não theo một cách khác.
Vi khuẩn đường ruột tác động đến trầm cảm
Các nhà nghiên cứu cho biết hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh truyền tín hiệu não qua các con đường liên quan đến sự hình thành tế bào thần kinh não và kiểm soát hành vi. Họ cũng chứng minh rằng tình trạng viêm ảnh hưởng đến não và cách suy nghĩ của một người nào đó. Điều này giải thích tại sao hơn 20% bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột có hành vi trầm cảm.
Vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng đến sự lo lắng
Cơ thể chúng ta phản ứng với căng thẳng liên quan đến mức cortisol, hormone này điều khiển bởi trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận.
Căng thẳng liên tục gây ra tình trạng viêm mạn tính. Cơ thể phản ứng với căng thẳng như một loại bệnh nhiễm trùng và cố gắng vượt qua nó.
Bởi vì tình trạng viêm là gốc rễ của nhiều bệnh, việc tiếp xúc với căng thẳng kéo dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, từ huyết áp cao đến rối loạn tự miễn dịch.
Các loại vi khuẩn tốt trong ruột đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh phản ứng miễn dịch của chúng ta.
Các cách tự nhiên để cải thiện sức khỏe đường ruột
Đường ruột khỏe mạnh có tỷ lệ 85% vi khuẩn tốt và 15% vi khuẩn xấu. Nếu tỷ lệ này bị mất cân bằng, các vấn đề tiêu hóa sẽ xảy ra. Do vậy, để cải thiện sức khỏe đường ruột, cần giữ vững sự cân bằng tỷ lệ vi khuẩn đường ruột.
Tuy nhiên, chế độ ăn uống và dùng thuốc thường rất dễ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Muốn giữ hệ vi khuẩn đường ruột cân bằng và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, bạn nên thực hiện những điều sau:
1. Tránh thực phẩm đã qua chế biến
Thực phẩm đã chế biến, thức ăn nhanh như bánh mì trắng, khoai tây chiên và bánh snack không chỉ gây khó tiêu, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa mà còn gây ra nhiều tình trạng sức khỏe, từ béo phì, tiểu đường type 2 đến chứng đau nửa đầu.
2. Bổ sung men vi sinh
Ăn thực phẩm giàu probiotics (vi khuẩn tốt), như dưa muối, kimchi, sữa chua có thể giúp sức khỏe đường ruột và tâm trạng của chúng ta tốt hơn. Những vi khuẩn tốt đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng và hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
Bổ sung men vi sinh cũng là giải pháp giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị tiêu chảy do thuốc kháng sinh.
Bổ sung men vi sinh giúp cân bằng tỷ lệ lợi khuẩn – hại khuẩn
3. Tránh gluten
Đối với nhiều người, hạn chế gluten cũng sẽ có tác động tích cực đến hệ vi sinh vật đường ruột. Để giảm và hạn chế gluten, nên áp dụng các phương pháp truyền thống là ngâm, làm nảy mầm và làm chua các loại ngũ cốc để làm cho chúng dễ tiêu hóa và bổ dưỡng hơn.
4. Ăn chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh cần thiết cho sự phát triển của não bộ. Ví dụ, dầu ô liu chứa lượng lớn chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại, giúp cải thiện trí nhớ và chức năng nhận thức, đồng thời còn giúp chống viêm.
Quả bơ hay dầu bơ cũng chứa nhiều chất béo tốt, giúp bảo vệ trái tim, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện tâm trạng của bạn.
5. Ăn nấm
Nấm hương chứa nhiều vitamin B6 tác động đến việc sản xuất serotonin và chất dẫn truyền thần kinh. Có đủ mức B6 có liên quan đến tâm trạng tích cực và giảm căng thẳng một cách tự nhiên. Nó cũng được chứng minh là giúp giảm các rối loạn tâm trạng như trầm cảm.
6. Ăn các loại hạt
Có một số loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, óc chó và quả hạch Brazil chứa nhiều serotonin, một chất hóa học mang lại cảm giác dễ chịu. Đây là hormone bị thiếu hụt khi chúng ta bị trầm cảm.
7. Ăn hạt vừng (mè)
Hạt vừng giàu tyrosine, một axit amin giúp tăng mức dopamine của não. Hormone này giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Vừng cũng là loại hạt giúp ích cho hệ vi khuẩn đường ruột và sức khỏe của hệ tiêu hóa.
Vân Anh